Nhức nhối nạn “femicide” ở châu Âu

“Femicide” là thuật ngữ chỉ hành vi giết hại phụ nữ của bạn trai, chồng hoặc thành viên gia đình, tình trạng này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở châu Âu. Vì thế, nhiều quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) đã đề ra các biện pháp với hy vọng có thể ngăn chặn tình trạng này.

Phong trào chống nạn femicide tại Pháp. Ảnh: AFP
Phong trào chống nạn femicide tại Pháp. Ảnh: AFP

Những con số “giật mình”

Ngày 1-9 vừa qua, một cư dân vùng Cagnes-sur-Mer thuộc miền nam nước Pháp đã gọi điện báo cảnh sát khi phát hiện một bàn chân người chết thò ra từ chiếc chăn cũ nằm trong đống rác. Sau đó, thi thể được xác nhận là một phụ nữ tên Salome (21 tuổi), nạn nhân của vụ tiến công tàn bạo do bạn trai cô thực hiện. Một ngày sau khi thi thể của Salome được tìm thấy, một cụ bà 92 tuổi tại Pháp cũng bị người chồng 94 tuổi của mình giết hại. Và người phụ nữ này là nạn nhân thứ 101 ở Pháp trong làn sóng “femicide” kể từ đầu năm nay.

Theo Văn phòng Thống kê châu Âu (EuroStat), ước tính hằng năm có khoảng 220.000 phụ nữ Pháp là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Năm 2016, có tới 123 phụ nữ bị chồng, người yêu, bạn trai cũ, anh/em trai hoặc con trai giết hại. Con số này tăng lên 135 trường hợp trong năm 2017.

Những con số đáng báo động về nạn bạo hành gia đình khiến Pháp trở thành một trong những quốc gia châu Âu có số lượng phụ nữ là nạn nhân của “femicide” nhiều nhất, theo EuroStat thì tỷ lệ là 0,18 trường hợp/100.000 phụ nữ. Trước đó, nhiều nạn nhân đã tố cáo hành vi bạo lực, lạm dụng với cơ quan chức năng, nhưng đều nhận được sự phản ứng tắc trách và chậm trễ. Điều này đã khiến “femicide” dần trở thành nỗi đau đầu của nhà chức trách nơi đây.

Tại Tây Ban Nha, tháng 6 vừa qua, quốc gia này đã ghi nhận vụ giết hại phụ nữ thứ 1.000 bởi bạn trai hoặc chồng trong vòng 5 năm trở lại đây. Trường hợp này là Beatriz Arroyo, 29 tuổi. Cô quyết định chia tay bạn trai vào tháng 6 để bắt đầu một cuộc sống mới. Khi đến căn hộ của họ ở tầng năm một khu chung cư nằm ở phía đông TP Valencia để nói lời chia tay, Beatriz đã bị chính bạn trai của mình siết cổ. Sau khi gây án, hung thủ đã tự tử bằng cách nhảy từ ban-công của căn hộ.

Theo số liệu từ Tổ chức nữ quyền We Will Stop Femicide, số phụ nữ thiệt mạng do “femicide” trong năm 2019 ở Tây Ban Nha là 285 người. Con số này nhiều hơn gấp hai lần số lượng được ghi nhận vào năm 2018. Đây là một con số đáng báo động ở đất nước này.

Trong khi đó, năm 2018, cũng đã có 440 phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tử vong vì nạn bạo lực gia đình. Chỉ tính riêng tháng 7-2018, có 31 phụ nữ bị bạn trai, chồng, người thân là nam giới giết hại tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 8-2018, con số này đã tăng lên 49 người. Tại Phần Lan, quốc gia được coi là “ngọn hải đăng” của bình đẳng giới, cũng ghi nhận xảy ra tình trạng “femicide”.

Nhức nhối nạn “femicide” ở châu Âu ảnh 1

440 đôi giày cao gót tưởng niệm số phụ nữ là nạn nhân của femicide tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018. Ảnh: REUTERS

Các quốc gia cùng vào cuộc

Theo The New York Times, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “femicide” là do bất bình đẳng nam, nữ trong xã hội. Ngay cả tại các quốc gia phát triển ở châu Âu, điều này cũng không ngoại lệ. Trước tình trạng số phụ nữ tử vong do nạn “femicide” ngày một cao, Chính phủ Pháp đã ban hành nhiều biện pháp mạnh tay.

Ngày 3-9 vừa qua, Chính phủ Pháp lần đầu tổ chức một buổi đối thoại cấp quốc gia với mục đích ngăn chặn bạo hành gia đình, điều mà một số luật sư và công tố viên nhìn nhận như một “dịch bệnh” có xu hướng lan rộng. Quá trình tham vấn bắt đầu từ ngày 3-9 về việc tăng cường các đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình và sẽ tiếp tục cho đến ngày 25-11, Ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Trong suốt 12 tuần, Chính phủ Pháp sẽ tổ chức 91 hội nghị trên khắp đất nước để thảo luận về cách phòng, chống hành vi bạo lực và sát hại phụ nữ, bảo vệ các nạn nhân đứng lên tố cáo và đề ra các hình thức xử phạt thích hợp.

Trả lời phỏng vấn của AFP, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định: “Trong nhiều thế kỷ, phụ nữ đã bị chôn vùi bởi sự thờ ơ, bất cẩn và cách hành xử máy móc của những người không có khả năng nhìn trực diện vào nỗi đau kinh hoàng này”. Cùng với việc tổ chức hội nghị, dự kiến từ tháng 1-2020, Chính phủ Pháp sẽ chi năm triệu euro để cung cấp thêm 1.000 nơi ở tạm cho những phụ nữ là nạn nhân của tình trạng bạo hành gia đình. Chính quyền sẽ phát động một chiến dịch truyền thông rộng rãi đến công chúng, đặc biệt là lập đường dây nóng để hỗ trợ các nạn nhân. Thủ tướng Pháp cũng đề nghị kiểm tra 400 đồn cảnh sát để xem xét cách xử lý khiếu nại của phụ nữ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, khoản ngân sách nêu trên là chưa đủ để bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho phụ nữ. Các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đã tăng cường nỗ lực và kêu gọi chính phủ đầu tư nhiều hơn cho công tác khắc phục hậu quả nạn bạo lực gia đình.

Luc Frémiot, cựu công tố viên - người đi tiên phong trong nỗ lực giúp đỡ những người sống sót sau bạo hành gia đình ở Pháp, cho hay: “Phụ nữ cần được coi trọng và nhìn nhận nghiêm túc sau khi tới đồn cảnh sát để trình báo về vấn đề của mình. Ngoài ra, các sĩ quan không thực hiện báo cáo về hành vi bạo lực cần phải chịu các mức kỷ luật thích đáng”.

Trong khi đó, ngày 20-9, người dân thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và nhiều thành phố khác đã đổ xuống các đường phố để phản đối tình trạng bạo hành đối với phụ nữ và yêu cầu chính quyền mạnh tay ngăn chặn tình trạng này. Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức theo lời kêu gọi của các nhóm hoạt động vì nữ giới sau hàng loạt vụ tiến công tình dục nghiêm trọng nhằm vào phụ nữ và sự gia tăng số nạn nhân thiệt mạng vì bạo lực gia đình ở Tây Ban Nha. Chính quyền nước này đã thông qua luật thành lập một mạng lưới tòa án chuyên về bạo lực gia đình và tăng chi phí cho những chương trình hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân sống sót sau bạo hành.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây người dân Istanbul được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật đặc biệt trưng bày trên mặt tiền của một tòa nhà nằm ở trung tâm thành phố. Theo đó, 440 đôi giày cao gót mầu đen được gắn lên tường dọc các tầng tại tòa nhà. Đây là tác phẩm nhằm tưởng niệm 440 phụ nữ đã qua đời vì “femicide” trong năm 2018. Theo nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này đang thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức của người dân, đòi lại công bằng cho phụ nữ, những người có địa vị thấp kém hơn nam giới ở đất nước này.

Với các biện pháp mạnh tay nhằm đối phó tình trạng “femicide” đang ngày một nghiêm trọng, các nhà chức trách châu Âu hy vọng, phụ nữ sẽ được bảo đảm an toàn hơn trong thời gian tới.