Nhóm chuyển giao quyền lực

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thành lập một nhóm có nhiệm vụ lên kế hoạch chuyển giao quyền lực ở Nhà trắng, trong trường hợp ông đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Những tính toán của ông Biden, cùng chiến dịch vận động gây quỹ tranh cử và kết quả thăm dò dư luận đã góp phần khiến cục diện cuộc đua trở thành tổng thống “xứ cờ hoa” nhiệm kỳ tới thêm gay cấn.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tại một cuộc vận động tranh cử. Ảnh: CNN
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tại một cuộc vận động tranh cử. Ảnh: CNN

Tầm nhìn hướng tới chiến thắng

Trong khi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dốc sức trong cuộc đua giành quyền ở lại Nhà trắng thêm một nhiệm kỳ, với cuộc vận động tranh cử đầu tiên tại bang Oklahoma kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thì cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ chính của tổng thống đương nhiệm, cũng đang nỗ lực xây dựng một đội ngũ với tầm nhìn hướng đến chiến thắng. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã tập hợp một nhóm lên kế hoạch để hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà trắng diễn ra suôn sẻ, trong trường hợp ông vượt qua Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 11 tới.

Theo NBC News, ông Biden đã lựa chọn cựu Thượng nghị sĩ Ted Kaufman, cố vấn và đồng thời là bạn bè lâu năm, vào vị trí người đứng đầu đội ngũ phục vụ chuyển giao quyền lực. Trước đó, ông Kaufman được bổ nhiệm vào vị trí Thượng nghị sĩ thay ông Joe Biden khi ông Biden trở thành Phó Tổng thống Mỹ, đồng thời cũng là người lãnh đạo nhóm chuyển giao quyền lực cho ông Biden trong năm 2008 và 2009. Sau khi được bổ nhiệm, ông Kaufman đã tích cực đấu tranh cho các quy tắc cứng rắn hơn tại Phố Wall sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ.

Cựu Thượng nghị sĩ Ted Kaufman tiết lộ, trong đội ngũ do ông Biden mới thành lập sẽ có sự tham gia của các cựu quan chức thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và những nhân viên kỳ cựu từng làm việc trong Quốc hội Mỹ. Nhóm cũng gồm các cựu trợ lý của ông Biden, cũng như cố vấn chính sách kinh tế cho Thượng nghị sĩ bang Massachusetts, Elizabeth Warren và Thượng nghị sĩ bang Vermont, Bernie Sanders. Yohannes Abraham, nhân viên lâu năm tại Nhà trắng dưới thời cựu Tổng thống Obama, sẽ tham gia quản lý các hoạt động hằng ngày. Trong khi đó, Avril Haines, cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia và Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), nhận trách nhiệm điều phối về chính sách an ninh và đối ngoại quốc gia của kế hoạch chuyển đổi. Ngoài ra, hai chánh văn phòng của các hạ nghị sĩ Pramila Jayapal và Ben Ray Lujan, cũng như cựu cố vấn Nhà trắng của ông Biden… cũng có kế hoạch tham gia nhóm.

Trước đây, khi được bổ nhiệm thay thế ông Biden tại Thượng viện Mỹ trong khoảng thời gian hai năm, ông Kaufman đã giúp soạn thảo các dự luật nhằm chính thức hóa kế hoạch chuyển giao quyền lực, trong đó nêu rõ những yêu cầu cụ thể đối với chính quyền hiện tại và các ứng cử viên tổng thống. Trả lời phỏng vấn của CNN, ông Kaufman cho biết, nhóm phục vụ chiến dịch tranh cử của ông Biden đang trong giai đoạn đầu của quá trình lên kế hoạch chuyển giao quyền lực, để bảo đảm rằng sau khi thắng cử, chính quyền của ông Biden sẵn sàng xử lý ngay lập tức các thách thức mà nước Mỹ đang đối mặt.

Ông Ted Kaufman nhấn mạnh, tổng thống kế nhiệm của nước Mỹ sẽ phải đối mặt đại dịch Covid-19 đang diễn ra và “thừa kế” một nền kinh tế trong tình trạng tồi tệ nhất sau cuộc đại khủng hoảng (giai đoạn 1929 - 1930). Chưa ai từng phải giải quyết những thách thức khó khăn như vậy kể từ thời cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Cũng theo ông Ted Kaufman, “ứng cử viên tổng thống Joe Biden sẵn sàng đối phó mọi thách thức vào ngày ông ấy tuyên thệ nhậm chức và bắt đầu ngay công việc để giải quyết các cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, cũng như xây dựng lại một nền kinh tế vì lợi ích của người lao động”.

Cuộc đua gay cấn

Giới lãnh đạo và người dân Mỹ đang chờ đợi những quyết định của ông Biden đối với việc kết hợp các vị trí lãnh đạo trong quá trình chuyển giao quyền lực. Một cố vấn cấp cao Nhà trắng dưới thời cựu Tổng thống Obama nhận định, với những gì đang chờ đợi ông Biden vào tháng 1-2021, trong trường hợp ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra, không khó để nhận thấy tầm quan trọng của việc phải chọn ra một danh sách gồm những người đồng hành tốt nhất mà ông Biden đang có.

Thực tế, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có thời gian cân nhắc và suy tính về thành phần chính phủ sắp tới, nếu ông trở thành “ông chủ” mới của Nhà trắng. Ông Kaufman khẳng định, quá trình chuyển giao quyền lực sẽ tuân theo các giá trị cốt lõi, gồm sự đa dạng về ý thức hệ và lý lịch; khả năng giải quyết những vấn đề xã hội phức tạp; sự liêm chính và các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất phục vụ người dân; minh bạch để được tin tưởng giao phó trọng trách. Ngoài việc thảo luận về vị trí Phó Tổng thống nhiệm kỳ tới, ông Biden cho biết, cũng đã bàn bạc với ông Kaufman về việc có nhiều ứng cử viên tiềm năng sẵn sàng đảm nhận các vị trí trong chính phủ. Tại một buổi gây quỹ vào tháng 4 vừa qua, ông Biden khẳng định, đã có những cái tên đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào đội ngũ lãnh đạo của Nhà trắng sắp tới. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cũng hy vọng, lực lượng của Tổng thống Trump sẽ hợp tác trong việc chuyển giao quyền lực. Ở chiều ngược lại, với mục đích tiếp tục ở lại Nhà trắng nhiệm kỳ tới, chính quyền Tổng thống Trump đã thành lập hội đồng chuyển tiếp, đứng đầu là Chánh văn phòng Mark Meadows.

Với tinh thần bảo đảm chính phủ hoạt động liên tục trong thời khắc quan trọng của đất nước, nhóm quan chức của ông Biden đã triển khai kế hoạch trước chuyển giao. Đầu tháng 9 tới, họ sẽ được cấp quyền truy cập các tài nguyên liên bang, gồm các nguồn kinh phí và “không gian chuyên biệt” cho phép tăng cường đáng kể các hoạt động. Ông Denis McDonough, người đã có những kinh nghiệm tương tự với tư cách là Chánh văn phòng Nhà trắng dưới thời cựu Tổng thống Obama trong năm 2016 cho biết, các bước đi ban đầu mà nhóm của ông Biden tiến hành là phù hợp với các giai đoạn chuyển tiếp. Vào thời điểm này bốn năm trước, ông Denis McDonough cũng đã tổ chức các cuộc họp đầu tiên với những đại diện đến từ hai đội của các ứng cử viên tổng thống là Donald Trump và Hillary Clinton.

Nước Mỹ đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và tình trạng bất ổn do biểu tình trên đường phố liên quan tình trạng phân biệt chủng tộc, nhưng theo các chuyên gia, “cuộc đua” vào Nhà trắng nhiệm kỳ tới đang vào giai đoạn gay cấn. Không chỉ so kè trong số liệu về thăm dò dư luận, hai ứng cử viên của các đảng Cộng hòa và Dân chủ còn cạnh tranh nhau về vận động quỹ tranh cử. Ngày 20-6 vừa qua, ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) thông báo đã gây quỹ được khoảng 74 triệu USD trong tháng 5, mức gây quỹ cao kỷ lục trong một tháng của Tổng thống Trump cũng như RNC, nâng tổng số tiền thu được lên 817 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền quyên góp trong tháng 5 nêu trên vẫn thấp hơn so tổng số tiền 81 triệu USD mà ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) thu được trong cùng thời gian.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh gặp bất lợi về tỷ lệ ủng hộ đối với việc điều hành đất nước hiện nay, Tổng thống Trump đang nỗ lực nới rộng cách biệt về lợi thế tài chính thông qua việc nối lại những hoạt động gây quỹ trực tiếp, cũng như tổ chức các cuộc vận động tranh cử, dù bị phe Dân chủ phản đối do lo ngại dịch bệnh. Do đó, việc ông Biden thành lập nhóm có nhiệm vụ lên kế hoạch chuyển giao quyền lực ở Nhà trắng đã khiến cục diện cuộc đua trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới thêm phần gay cấn.