“Nhiệm vụ thế kỷ” của hàng không thế giới

Dù mới chỉ có một số loại vaccine Covid-19 được cấp phép, song từ nhiều tháng qua, ngành hàng không toàn cầu đã rục rịch chuẩn bị cho hoạt động vận chuyển loại vaccine này. Đây được xem là “nhiệm vụ thế kỷ” của ngành hàng không thế giới, bởi việc vận chuyển loại dược phẩm đặc biệt này có vai trò vô cùng quan trọng và cũng đặt ra những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt.

United Airlines vừa vận chuyển thành công lô vaccine chống Covid-19 từ Brussels đến Chicago. Ảnh: TWITTER
United Airlines vừa vận chuyển thành công lô vaccine chống Covid-19 từ Brussels đến Chicago. Ảnh: TWITTER

Nhiều hãng hàng không vào cuộc

Ngày 27-11 vừa qua, lô vaccine chống Covid-19 đầu tiên của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer đã được Hãng hàng không United Airlines vận chuyển thành công từ Brussels (Bỉ) đến sân bay quốc tế O’Hare ở Chicago (Mỹ). Đây là chuyến bay do Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hỗ trợ.

Trên thực tế, United Airlines không phải hãng hàng không duy nhất trên thế giới quan tâm đến việc vận chuyển vaccine Covid-19. Theo The New York Times, từ giữa năm 2020, các hãng hàng không Mỹ như American Airlines, Delta Air Lines,… đã bắt đầu thảo luận với quan chức chính phủ, các hãng dược và chuyên gia y tế về những phương thức bảo quản vaccine, cách thức vận chuyển và phương án sắp xếp nhân sự, máy bay tối ưu. Mới đây, American Airlines đã bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm từ Miami (Mỹ) đến Nam Mỹ để kiểm tra khả năng xử lý nhiệt độ trong quá trình vận chuyển vaccine. Hãng này cũng đang khẩn trương chuẩn bị giấy chứng nhận và giấy phép vận chuyển loại dược phẩm này, bảo đảm thời gian giao hàng chính xác nhất.

Trong khi đó mới đây, một trong những hãng hàng không chở hàng lớn nhất thế giới là Lufthansa của Đức cũng tuyên bố đang chuẩn bị đội bay cho nhiệm vụ vận chuyển hàng triệu liều vaccine chống Covid-19 trên quy mô toàn cầu. Đại diện Lufthansa cho biết, họ đã lên kế hoạch vận chuyển vaccine từ tháng 4, khi sản phẩm của các hãng từ Pfizer, Moderna đến AstraZeneca đang được phát triển với tốc độ kỷ lục. Theo giới chuyên gia của Lufthansa, hãng này đã thành lập một nhóm gồm 20 người để tìm cách tối ưu khả năng vận chuyển hàng của máy bay Boeing 777 và MD-11, cũng như các máy bay chở khách lớn khác, hiện chỉ vận hành với 25% công suất.

Một năm qua, các hãng hàng không trên thế giới đang hứng chịu thiệt hại nặng nề khi nhu cầu đi lại sụt giảm vì đại dịch. Ước tính, lưu lượng di chuyển bằng đường hàng không toàn cầu giảm 61% trong năm nay. Nhiều hãng đã cắt giảm mạnh tay đường bay, nhân sự và bán bớt máy bay để tồn tại trong khủng hoảng. Do đó, việc vận chuyển vaccine được xem là “cơ hội vàng” để các hãng hàng không có thêm doanh thu và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi Covid-19 trên thế giới.

Thách thức về bảo quản và vận chuyển vaccine

Dù nhiều hãng hàng không thế giới quyết định tham gia vào công việc vận chuyển vaccine chống Covid-19, song đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, ẩn chứa nhiều thách thức. Người đứng đầu cơ quan về miễn dịch thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Katherine O’Brien, so sánh nhiệm vụ phân phối vaccine phòng Covid-19 khó ngang với chinh phục đỉnh Everest. Theo bà O’Brien, khó khăn lớn nhất trong nhiệm vụ này là cách thức bảo quản lạnh vaccine, bởi phần lớn các loại vaccine phòng Covid-19 đang được phát triển và thành công hiện nay đều đòi hỏi phải được vận chuyển nhanh trong điều kiện nhiệt độ thấp.

Cụ thể, The New York Times cho biết, vaccine phòng Covid-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển vừa được chính quyền Anh cấp phép tiêm chủng đầu tiên trên thế giới, cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ -70 độ C, mức lạnh hơn nhiệt độ trung bình tại Nam Cực và thấp hơn độ lạnh cần thiết của nhiều vaccine khác. Sản phẩm tương tự của hãng dược Moderna cũng cần phải được vận chuyển, lưu trữ ở nhiệt độ -20 độ C.

Trước đó, Pfizer đã thiết kế loại container lạnh đặc biệt, sử dụng đá khô (thường là CO₂ cô đặc) để bảo quản vaccine, nhưng hầu hết các hãng hàng không đều hạn chế sử dụng loại đá khô này trên máy bay. Nguyên nhân là vì đá khô có thể biến đổi từ thể rắn thành khí, tiềm ẩn nguy cơ gây độc trong không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe phi công và phi hành đoàn nếu chẳng may bị rò rỉ trong quá trình vận chuyển vaccine.

Mặc dù vậy, ngay khi các phương thức bảo quản lạnh vaccine được đưa ra, một số hãng tăng giá vận chuyển đá khô lên mức cao ngất ngưởng khiến giới chức WHO quan ngại. Ông Paul Molinaro, người chịu trách nhiệm các hoạt động hậu cần và hỗ trợ của WHO cho biết, ông nhận được báo giá vận chuyển đá khô với mức giá tăng gấp 20 lần bình thường.

Không chỉ vậy, vaccine cũng đòi hỏi cơ sở vật chất bảo quản phải đạt chuẩn. Trong trường hợp các cơ sở vật chất bảo quản không đạt yêu cầu, thiệt hại sẽ rất nặng nề. Theo WHO, khoảng 50% vaccine sẽ bị lãng phí trên quy mô toàn cầu nếu hạ tầng vận tải không đạt chuẩn. Con số này có thể tương đương tới hàng tỷ liều vaccine chống Covid-19.

Ngoài việc bảo quản, việc vận chuyển vaccine cũng đòi hỏi số lượng chuyến bay khổng lồ. Hiện, ước tính có khoảng 2.000 máy bay chở hàng chuyên dụng trên thế giới. Số hàng còn lại được kết hợp trong 22.000 máy bay chở khách. Giới chuyên gia tính toán, để phân phối đủ liều lượng vaccine Covid-19, thế giới cần tới 15.000 chuyến bay với 15 triệu hộp làm lạnh để vận chuyển 10 tỷ liều vaccine đạt chất lượng. Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không đã tính đến việc tận dụng những máy bay chở khách đang hoạt động, chỉ để chuyên chở vaccine chống Covid-19 trong thời gian tới.

Trước thách thức kể trên, chính quyền nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra các chính sách mới để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận chuyển vaccine. Tại Hàn Quốc, Bộ Giao thông nước này đã đồng ý nâng mức giới hạn vận chuyển đá khô mỗi chuyến bay từ 3.300 kg lên 11.000 kg. Như vậy, một máy bay Boeing 747 có thể chở tới 52 container vaccine so 15 container như trước. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Hàn Quốc cũng đề nghị siết chặt các biện pháp an toàn như giám sát khí CO₂ liên tục và lắp dụng cụ đo khí trong máy bay để ngăn chặn tình huống xấu nhất, sau khi cho phép tăng lượng vận tải đá khô trên phương tiện này.

Ngoài ra, để vaccine được bảo quản trong nhiệt độ lý tưởng liên tục, giới chức Hàn Quốc cũng triển khai xây dựng một cơ sở trữ lạnh vaccine với diện tích tương đương hai sân bóng đá ngay cạnh sân bóng quốc tế chính ở thành phố Incheon, dự kiến hoàn thành vào đầu năm tới. Cơ sở này sẽ hoạt động dưới sự điều hành của Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Air.

Trong khi đó, tháng 10 vừa qua, Chính phủ Singapore đã thành lập lực lượng chuyên trách giải quyết toàn bộ thách thức vận tải vaccine bằng đường hàng không. Lực lượng này có sự tham gia của 18 thành viên đến từ cơ quan chính phủ, các hãng hàng không và vận chuyển hàng hóa.

Theo ông Alexandre de Juniac, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), vận chuyển vaccine sẽ là một bài toán lớn phức tạp nhất từ trước đến nay của ngành hàng không thế giới. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ cần phải thực hiện thành công nhằm góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới.