Nguy cơ từ việc Mỹ rút khỏi “Bầu trời mở”

Mỹ vừa tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST), với lý do là “Nga liên tiếp vi phạm các điều khoản của Hiệp ước”. Động thái này được đánh giá là sẽ khiến mối quan hệ Mỹ - Nga bị đẩy lên cấp độ căng thẳng mới, đồng thời gây ra những xáo trộn trong quan hệ giữa Washington và các nước đồng minh châu Âu. Tuyên bố của Nhà trắng cũng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là tạo “tiền đề” cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Các máy bay của Nga và Belarus trong một nhiệm vụ giám sát thuộc khuôn khổ OST. Ảnh: DEFENCE TALK
Các máy bay của Nga và Belarus trong một nhiệm vụ giám sát thuộc khuôn khổ OST. Ảnh: DEFENCE TALK

Thỏa thuận lịch sử

Có hiệu lực từ năm 2002, OST nhằm kiểm soát vũ khí và hoạt động quân sự dựa trên cơ chế “mở cửa bầu trời”, cho phép các nước thành viên thực hiện những chuyến bay giám sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau. Ý tưởng về “bầu trời mở” lần đầu được cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đưa ra tại hội nghị cấp cao bốn nước, gồm Liên Xô (trước đây), Mỹ, Anh và Pháp, diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1955. Đề xuất về cơ chế “bầu trời mở”, liên quan tới việc trao đổi thông tin quân sự giữa Liên Xô và Mỹ bằng cách quan sát từ trên cao các vùng lãnh thổ của nhau, được coi là một trong những yếu tố thuộc hệ thống kiểm soát hoạt động quân sự toàn diện. Các cuộc đàm phán về cơ chế này đã bắt đầu vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, song phải ngưng lại sau sự cố máy bay trinh sát U2 của Mỹ bị bắn rơi trong không phận của Liên Xô tháng 5-1960.

Mùa xuân năm 1989, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush mời lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Khối Warszawa trở lại bàn thỏa thuận. Các vòng đàm phán đầu tiên diễn ra vào năm 1990 tại Ottawa (Canada) và Budapest (Hungary), trước khi được tiếp tục ở Vienna (Áo) vào các năm 1991 và 1992. Ngày 21-3-1992, tại Vienna, OST được ký sơ bộ. Sau đó ba ngày, tại Helsinki (Phần Lan), Hiệp ước được ký kết bởi đại diện của 27 quốc gia thành viên của Hội nghị An ninh và Hợp tác ở châu Âu (CSCE, từ năm 1995 được đổi tên thành Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu - OSCE). Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 1-1-2002, sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Hiện tại, 34 trong số 57 quốc gia thuộc OSCE là các bên tham gia thỏa thuận.

Thực tế, các quy định của thỏa thuận đã được thực thi từ trước khi văn kiện này có hiệu lực. Năm 1990, Hungary và Canada đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Sau đó hai năm, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên lãnh thổ Nga cũng diễn ra, do Nga và Anh cùng thực hiện. Để thực thi hiệp ước, các quốc gia thành viên đã thành lập Ủy ban Tư vấn Bầu trời mở (UNSC) có trụ sở tại Áo. Các hội nghị về OST cũng được tổ chức 5 năm một lần nhằm xem xét việc thực thi thỏa thuận.

OST cho phép máy bay của các quốc gia thành viên có quyền bay qua lãnh thổ của nhau để quan sát các hoạt động quân sự theo hạn ngạch được thống nhất từ trước. Một tiêu chí chủ đạo của hiệp ước này là tạo dựng lòng tin và hiểu biết giữa các nước thành viên tham gia, qua đó thúc đẩy an ninh toàn cầu. OST cũng nhằm theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi thỏa thuận giải trừ quân bị. Thỏa thuận này điều chỉnh hoạt động bay, đồng thời cung cấp các yêu cầu đối với thiết bị bay, dụng cụ giám sát và thiết lập những quy tắc chung. Theo OST, máy bay giám sát phải bay cách biên giới của quốc gia lân cận không tham gia hiệp ước hơn 10 km. Thông tin thu thập được sẽ nhập vào ngân hàng dữ liệu, địa chỉ mà các quốc gia thành viên có thể truy cập. Thỏa thuận cũng cho phép thành lập các nhóm bay. Nga và Belarus tạo thành một nhóm, trong khi Bỉ, Hà Lan và Luxembourg “sát cánh” cùng nhau.

Về hạn ngạch, OST chỉ định hạn mức nhất định cho mỗi nước tham gia, gồm cả khi bay giám sát lẫn khi bị kiểm tra. Mỹ và nhóm Nga - Belarus đều có 42 chuyến bay mỗi năm. Trong khi đó, Đức, Canada, Pháp, Anh, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, mỗi nước có 12 chuyến bay. Hạn ngạch thấp nhất dành cho Bồ Đào Nha, với hai chuyến. Theo quy định, các nước không được sử dụng toàn bộ định mức bay để giám sát một quốc gia duy nhất. Nga và Belarus không thể thực hiện hơn bốn chuyến bay (hạn ngạch cho một nhóm) trên không phận Mỹ và hơn hai chuyến giám sát Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Mỹ không được bay hơn tám chuyến trên bầu trời Nga và Belarus.

Quy định dành cho máy bay cũng được ghi rõ trong hiệp ước. Theo đó, máy bay quan sát không được trang bị bất kỳ loại vũ khí nào. Thiết bị chụp hình gắn trên máy bay được kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Chuyến bay cũng được thực hiện từ một sân bay cụ thể, trên máy bay luôn có đại diện của quốc gia mà chuyến bay đang tiến hành theo dõi. Hằng năm, khoảng một trăm chuyến bay giám sát được triển khai trên lãnh thổ của các quốc gia tham gia OST. Tuy nhiên, thực tế, các chuyến bay có thể bị hạn chế vì lý do an ninh quốc gia. Nước bị quan sát có thể cấm bay nếu cho rằng có sự vi phạm các thủ tục, yêu cầu đối với thiết bị bay hoặc hành trình bay.

Rủi ro nếu Mỹ rút khỏi OST

OST được xem là nỗ lực quốc tế có phạm vi rộng nhất, nhằm thúc đẩy sự cởi mở và minh bạch về các lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự. Song, ngày 21-5 vừa qua, Mỹ thông báo ý định rút khỏi OST, với lý do “Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước”. Cách đây ba năm, Mỹ và Nga đã trao đổi các yêu sách lẫn nhau liên quan việc thực thi OST. Washington cáo buộc Moscow vi phạm các điều khoản nhất định của hiệp ước, liên quan hạn chế mà Nga đưa ra năm 2014 đối với các chuyến bay quan sát Kaliningrad và một số khu vực khác. Nhà trắng cũng cáo buộc Điện Kremlin đóng cửa không phận để thực hiện những chuyến bay phục vụ quan chức cấp cao trong nước. Trong khi đó, Moscow cáo buộc Washington về một số biện pháp hạn chế bay mà Mỹ đưa ra, mà theo phía Nga đã làm phức tạp thủ tục điều phối các chuyến bay qua các lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.

Giới quan sát cho rằng, trên thực tế, việc Mỹ rút khỏi OST không phải là diễn biến bất ngờ, bởi điều này đã được dự đoán từ trước. Ngày 13-8-2018, một điều khoản được đưa vào Luật ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm tài chính 2018-2019, theo đó hạn chế chính quyền của Tổng thống Donald Trump sử dụng ngân sách để thực thi OST. Các phương tiện truyền thông lúc đó nhận định điều này như tín hiệu về sự đình chỉ thực thi OST từ phía Mỹ.

Sau tuyên bố mới đây của Mỹ về ý định rút khỏi OST, dư luận lo ngại về việc Nga cũng sẽ có hành động tương tự, qua đó làm suy yếu nền an ninh châu Âu. Tuy nhiên, giới chức ngoại giao Nga khẳng định nước này tiếp tục tuân thủ OST, chừng nào thỏa thuận còn hiệu lực. Trao đổi ý kiến với báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nhấn mạnh, Moscow vẫn đang “hành động dựa trên hành xử tương tự của tất cả thành viên khác”. Đồng thời, nhà ngoại giao Nga cũng chỉ trích việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ gây phương hại cho tình hình an ninh châu Âu, cũng như ảnh hưởng chính lợi ích của các nước đồng minh của Mỹ.

Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Italia, Luxembourg, Hà Lan, CH Czech và Thụy Điển ra tuyên bố chung, bày tỏ “lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ, đồng thời cam kết tiếp tục thực thi OST, vốn có giá trị ngày càng tăng đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí thông thường và an ninh chung. Trong khi đó các chuyên gia Nga nhận định, việc Mỹ rút khỏi OST có thể gây tổn hại cho các quốc gia châu Âu là thành viên NATO, vì có khả năng những nước này sẽ “theo chân” Mỹ. Mất cơ hội bay giám sát Nga có thể làm các quốc gia châu Âu sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ. Cũng theo giới quan sát, một số nước châu Âu, dù thực thi OST, vẫn sẽ mất một phần đáng kể thông tin về Nga.

Không thể phủ nhận việc Mỹ rút khỏi OST có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Nga, khi hai bên bị đẩy vào một cuộc tranh cãi mới và đổ lỗi cho nhau vì không tuân thủ hiệp ước. Quan trọng hơn, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa Nhóm P5+1 với Iran, cũng như Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988, ý định rút khỏi OST của Washington được cho là sẽ củng cố những nghi ngờ lâu nay về khả năng đổ vỡ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), ký với Nga năm 2010, vốn được coi là “chuẩn mực vàng” để giải trừ vũ khí, kìm hãm chạy đua vũ trang giữa các cường quốc.