Nền thể thao cách mạng của Cuba

Chủ tịch Fidel Castro, vị lãnh tụ huyền thoại của đất nước Cuba từng nói: “Thể thao nên là quyền của con người, không phải là quyền của giới giàu có”. Trước Cách mạng Cuba năm 1959, số người chơi thể thao ở Cuba rất ít ỏi và chỉ là dành cho con em những gia đình thượng lưu hoặc giàu có. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tới nay thể thao của Cuba đã có những thành tựu đáng khâm phục.

Chủ tịch Fidel Castro luôn xây dựng một nền thể thao cộng đồng. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Fidel Castro luôn xây dựng một nền thể thao cộng đồng. Ảnh tư liệu

Hướng về nền thể thao cộng đồng

Chủ tịch Fidel Castro thường nói, ý thức xã hội của ông đã ra đời dưới mái trường quê Marcane và nông trang Manacas, nơi ông đã học và chơi với lũ trẻ nghèo: “Chúng tôi ở đó giữa mọi người, giữa những người công nhân bình dị, nơi mà gia súc được nuôi ngay bên dưới nhà như bò, lợn, gà… Cha mẹ tôi là nông dân rất nghèo. Các bạn học của tôi cũng là con của những nông dân nghèo, đi chân đất đến trường và thường phải mặc những bộ quần áo tàn tạ”.

Đặc biệt, trong chế độ Fulgencio Batista, nhiều cơ sở dịch vụ thể hiện sự phân biệt chủng tộc khi ở các bể bơi, bãi biển, khách sạn, nghĩa trang, khu thể thao có hai khu dành riêng cho người da mầu và da trắng... Do đó, ngay sau khi Cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, Chủ tịch Fidel Castro đã xóa bỏ tất cả những phân biệt này. Ông cấm các khu dịch vụ mở khu vực dành riêng cho mỗi chủng tộc, tất cả mọi người đều bình đẳng khi sử dụng dịch vụ.

Do đó, là một đất nước đa dân tộc và đa chủng tộc, nhưng sau Cách mạng thành công, Chủ tịch Fidel Castro đã đưa Cuba trở thành quốc gia không có phân biệt dân tộc, kỳ thị mầu da. Mọi người sống trong bầu không khí bình đẳng, yêu thương nhau. Trong đó, thể thao được Chính phủ Cuba quan tâm xây dựng hướng tới mục tiêu vì cộng đồng.

Với chính sách thể thao hướng về nhân dân của Chủ tịch Fidel Castro, tại Cuba, tất cả các trường học tiểu học, trung học đều dạy giáo dục thể chất và thể thao là môn học bắt buộc. Các môn thể thao được dạy trong trường trung học ở Cuba gồm có điền kinh, bóng rổ, bóng chày, thể dục và bóng chuyền. Học sinh xuất sắc trong các môn thể thao được thi đấu cạnh tranh tại một hoạt động mùa hè có tên Cuba Junior Olympic. Những học sinh xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào học tại một ngôi trường chuyên về thể thao.

Năm 1961, hai năm sau Cách mạng Cuba thành công, Viện Quốc gia Thể thao, Giáo dục thể chất và Giải trí đã được thành lập. Đặc biệt, Chủ tịch Fidel Castro từng nói: “Không có giáo dục sẽ không thể có cách mạng. Không có giáo dục sẽ không thể có xã hội chủ nghĩa. Không có giáo dục sẽ không có con người mới”, bởi vậy, về lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ người dân Cuba biết đọc, biết viết đạt tới 98%; 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí. Cuba hiện là nước có tỷ lệ đầu tư ngân sách quốc gia vào giáo dục cao nhất thế giới, với 13% GDP dành cho giáo dục. Và chính vì mọi người ở Cuba đều được đến trường nên tất cả người dân Cuba đều có quyền chơi thể thao, một điều mà trước năm 1959 người nghèo ở đất nước này không dám mơ ước.

Năm 1976, chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia của Cuba được đưa vào Điều 50 của Hiến pháp Cuba, trong đó quy định rằng “tất cả mọi người được quyền bảo vệ và chăm sóc sức khỏe miễn phí”. Ngoài ra, tất cả người dân, đặc biệt là trẻ em Cuba đều được uống sữa tươi miễn phí hằng ngày, một điều đáng mơ ước của mọi đất nước trên thế giới.

Thành tích của nền thể thao cách mạng

Nhờ các nỗ lực đó, thể thao Cuba đã đạt những thành tích đáng nể. Đầu tiên, đội tuyển bóng đá nam Cuba đã giành được Huy chương bạc tại Giải thể thao khu vực Trung Mỹ và Caribbe (The Central American and Caribbean Games) vào năm 1966. Sau đó, đội tuyển bóng đá nam Cuba còn đoạt ba chiếc Huy chương vàng liên tiếp tại các giải thể thao khu vực Trung Mỹ và Caribbe giai đoạn 1970-1978. Tại giải thể thao khu vực Trung Mỹ và Caribbe, Cuba xếp thứ nhất trong các nước tham gia.

Từ năm 1964 đến nay, Cuba có thêm hơn 200 chiếc huy chương Olympic, trong đó có đến 72 chiếc Huy chương vàng. Với dân số chỉ hơn 11 triệu người nhưng Cuba là cường quốc Olympic số hai ở châu Mỹ, chỉ xếp sau Mỹ. Cuba có huyền thoại Javier Sotomayor, người duy nhất trong lịch sử nhân loại từng vượt qua mức xà 8 feet (2m45) trong nội dung nhảy cao của môn điền kinh.

Ngoài ra, Cuba có Alberto Juantorena, vận động viên duy nhất trong lịch sử từng đoạt Huy chương vàng Olympic trong cả hai cự ly chạy 400 m và 800 m nam. Chạy cự ly 100-200 m như Usain Bolt (Jamaica) đã khó, chạy cự ly 200-400 m như Michael Johnson (Mỹ) là khó hơn rất nhiều. Nhưng chạy và chiến thắng ở hai cự ly quá khác biệt 400-800 m như Juantorena thì thật sự là một hiện tượng lịch sử. Cuba cũng có Regla Torres mà Liên đoàn Bóng chuyền Thế giới (FIVB) công nhận là “vận động viên bóng chuyền số 1 thế giới trong thế kỷ 20”.

Đặc biệt, trong số các vận động viên Cuba tham dự Olympic, ấn tượng nhất chính là Teofilo Stevenson, người ba lần liên tiếp giành Huy chương vàng quyền Anh hạng nặng và được so sánh với Mohammad Ali của Mỹ ở làng quyền Anh chuyên nghiệp.

Nền thể thao cách mạng của Cuba ảnh 1

Huyền thoại nhảy cao Javier Sotomayor của Cuba. Ảnh: WORLDNEWS

Chủ tịch Fidel Castro cũng góp phần khiến nền bóng chày nghiệp dư Cuba phát triển rực rỡ. Đó là lý do Cuba chiến thắng Huy chương vàng ở Olympic Barcelona 1992, khi bóng chày lần đầu được công nhận là môn thể thao chính thức từ Olympic Seoul năm 1988. Cuba đã giành được ba trên tổng số năm Huy chương vàng Olympic của môn bóng chày cho đến khi môn thể thao này “bị loại” ra ngoài cuộc chơi Olympic.

Từ năm 1991 đến nay, mặc dù còn rất khó khăn, Cuba dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Fidel Castro đã cử hơn 1.300 chuyên gia thể thao đến 51 nước trên thế giới để giúp các nước bạn xây dựng nền thể thao vì cộng đồng.

Ngay sau khi được tin vị Chủ tịch Fidel Castro từ trần ngày 25-11-2016, danh thủ bóng đá người Argentina Diego Maradona đã bật khóc. Trong một bức tâm thư nói về Chủ tịch Fidel Castro, Maradona viết: “Bạn của tôi, tâm giao của tôi, người đã đem tới cho tôi vô vàn những lời khuyên chân thành, người có thể gọi cho tôi bất cứ lúc nào để nói về chuyện chính trị, bóng đá, bóng chày hay bất cứ điều gì đang xảy ra trên thế giới. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ đối với ông ấy. Với tôi, ông ấy luôn là vĩnh cửu. Trái tim tôi nhói đau vì thế giới đã mất đi một trong những người khôn ngoan nhất”.