Nạn lừa đảo liên quan vaccine Covid-19

Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) vừa công bố báo cáo về hoạt động buôn bán bất hợp pháp kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính giả. Theo đó, các tổ chức tội phạm đang kiếm lợi từ việc bán chứng chỉ kiểm tra Covid-19 giả cho khách du lịch để “lách” các quy định hạn chế đi lại mà các nước áp dụng trong thời kỳ đại dịch. 

Giới chức EU cảnh báo tội phạm đang tham gia chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu. Ảnh: REUTERS
Giới chức EU cảnh báo tội phạm đang tham gia chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu. Ảnh: REUTERS

Tội phạm tham gia chuỗi cung ứng vaccine

Không chỉ các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), ngày càng nhiều quốc gia đang áp dụng biện pháp kiểm soát đi lại và yêu cầu khách du lịch phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 để được phép nhập cảnh khi đến từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Trái ngược với những nỗ lực phòng, chống dịch của chính phủ các nước, nhiều tổ chức tội phạm quốc tế đã lợi dụng đại dịch Covid-19 để kiếm lời bất hợp pháp bằng nhiều cách thức khác nhau. Theo Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), các băng nhóm tội phạm đã sản xuất vaccine giả hoặc đánh cắp vaccine thật nhằm bán với giá cao. Ngoài ra, các băng nhóm này còn tung ra thị trường khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và sản phẩm y tế kém chất lượng…

Không chỉ có vậy, trong báo cáo mới đây, Europol đã cảnh báo các quốc gia thành viên EU về một loại hoạt động tội phạm mới ngày càng phổ biến và đáng lo ngại hơn. Đó là những đối tượng lừa đảo đang sản xuất và bán giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 giả tại các sân bay, nhà ga, thậm chí rao bán trực tuyến trên khắp châu Âu. “Chừng nào các quy định hạn chế đi lại vẫn được áp dụng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rất có thể việc sản xuất và bán các chứng chỉ kiểm tra giả sẽ còn tồn tại. Với các phương tiện công nghệ phổ biến hiện có, như máy in chất lượng cao và các phần mềm hiện đại, kẻ gian có thể tạo ra các tài liệu tùy thân, giấy kiểm tra sức khỏe giả mạo một cách chi tiết, tinh vi. Các quốc gia thành viên nên cảnh giác trước loại hình tội phạm mới này”, một đại diện Europol cảnh báo.

Các trường hợp mua bán giấy tờ giả mạo được báo cáo ngày càng nhiều, đặc biệt tại các nước trung tâm du lịch nhưng hiện vẫn kiểm soát đi lại chặt chẽ như Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Anh. Tháng 11-2020, bảy người trong độ tuổi từ 29 đến 52 đã bị giam giữ tại sân bay Charles de Gaulle (Pháp). Các đối tượng này bị buộc tội sản xuất, buôn bán trái phép giấy tờ giả mạo sau khi bán giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 giả cho nhiều khách du lịch, với giá từ 180 đến 360 USD. Cảnh sát Pháp cho biết, vụ bắt giữ diễn ra sau khi nhà chức trách phát hiện một hành khách làm thủ tục cho chuyến bay từ Paris đến thành phố Addis Ababa (Ethiopia) bằng giấy tờ giả mạo do các đối tượng này cung cấp. Bảy đối tượng sẽ phải đối mặt với án 5 năm tù giam và tiền phạt kịch khung là 450.000 USD.

Trong tháng 1 vừa qua, cảnh sát Tây Ban Nha cũng bắt giữ một phụ nữ với cáo buộc buôn bán giấy xét nghiệm giả qua internet. Nghi phạm tiến hành gửi tài liệu hoàn chỉnh cho người mua qua email trong vòng 24 giờ, kèm theo lời bảo đảm tài liệu này từng được sử dụng nhiều lần và tại các điểm đến khác nhau mà không gặp vấn đề gì. Theo tờ Algemeen Dagblad (Hà Lan), tội phạm lừa đảo sử dụng tài khoản trên mạng xã hội WhatsApp và Snapchat dưới những cái tên như “Bác sĩ máy bay”, “Bác sĩ kỹ thuật số”… để bán giấy xét nghiệm giả. Ông Sander Janssen, một luật sư hình sự người Hà Lan cho rằng: “Tội giả mạo giấy tờ xét nghiệm virus có thể bị kết án tù, nhưng người mua cũng có khả năng bị xử lý theo pháp luật vì tội đồng lõa với gian lận, tình tiết sẽ tăng nặng nếu họ thật sự bị nhiễm virus và lây truyền cho người khác”.

Ngoài hoạt động buôn bán giấy xét nghiệm virus giả, các nhà chức trách cũng đang điều tra và sớm có biện pháp ngăn chặn một loạt các thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cụ thể như bộ dụng cụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 giả đã được bày bán trực tuyến, nhắm tới hàng triệu người dùng có đặc thù công việc tại nhà. Tinh vi hơn là trục lợi bất hợp pháp từ các chương trình hỗ trợ người dân của chính phủ trong thời kỳ đại dịch… 

Tăng cường chống lừa đảo liên quan Covid-19

Cuộc chiến chống hoạt động lừa đảo lợi dụng dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất. Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) mới chỉ ban hành giấy phép sử dụng khẩn cấp cho hai loại vaccine phòng dịch Covid-19. Nhưng vaccine giả lan nhanh khiến FDA phải làm việc với các nhà phát triển vaccine nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vaccine hơn, cùng các phương pháp điều trị bổ sung. Bên cạnh đó, FDA cũng làm việc với các nhà thuốc bán lẻ để loại bỏ hàng chục sản phẩm giả khỏi các kệ hàng và website bán hàng trực tuyến. FDA khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng với các trang web và cửa hàng bán các sản phẩm tuyên bố ngăn ngừa, điều trị hoặc chữa khỏi virus SARS-CoV-2. Cơ quan này vẫn liên tục theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến để ngăn chặn thuốc giả và hoạt động lừa đảo lợi dụng dịch Covid-19.

Hiện tại, chương trình chống gian lận y tế của FDA và lực lượng cảnh sát vẫn phối hợp hoạt động, tiếp nhận và xử lý các đơn khiếu nại về những phương pháp điều trị, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 giả của người tiêu dùng và chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Nếu phát hiện hoạt động trái phép, FDA sẽ gửi thư cảnh báo, tiến hành bắt giữ đối tượng, công ty vi phạm để xử lý theo pháp luật; đồng thời ban hành lệnh cấm các sản phẩm giả. Từ ngày 25-3-2020 tới nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã thụ lý nhiều vụ gian lận liên quan dịch Covid-19, trong đó có cáo buộc hình sự 33 trường hợp trên toàn quốc liên quan mua bán vaccine, phương pháp điều trị hoặc xét nghiệm giả và trục lợi từ việc đầu cơ vật tư y tế. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ còn xử lý 11 vụ kiện dân sự về các âm mưu lừa đảo, cụ thể là lừa người bệnh dùng khí ozone, dung dịch ion bạc, dung dịch thuốc tẩy làm phương pháp điều trị. Những đối tượng trục lợi từ các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp Mỹ ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 cũng bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Cụ thể như, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 65 bị cáo trong 50 vụ án liên quan Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), gây thất thoát hơn 227 triệu USD.

Trong khi đó tại Anh, một trong những thành viên EU bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19, bà Karen Baxter - Chỉ huy Cục phòng, chống gian lận quốc gia (NFIB), đã cảnh báo người dân cảnh giác với các hành vi gian lận. Số liệu cập nhật đến ngày 7-7-2020 cho thấy, đã có hơn 2.850 báo cáo về hoạt động lừa đảo liên quan Covid-19, với tổng thiệt hại là 15,8 triệu USD. Phần lớn các vụ lừa đảo liên quan hoạt động mua sắm trực tuyến, trong đó người dùng mua phải khẩu trang bảo vệ, dung dịch rửa tay kém chất lượng hoặc không nhận được hàng. Tháng 4-2020, Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC) đã hợp tác với cảnh sát ra mắt công nghệ mới mang tên “Dịch vụ báo cáo email đáng ngờ”. Công nghệ này giúp người dùng đánh dấu các email lừa đảo, bao gồm cả những email liên quan dịch Covid-19. Người dùng có thể gửi email đáng nghi đến địa chỉ report@phishing.gov.uk và chương trình tự động của NCSC sẽ lập tức kiểm tra tính hợp lệ của trang web. Bất kỳ trang web nào bị phát hiện gian lận, lừa đảo sẽ bị xóa ngay lập tức.

Chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi ra mắt, đã có 80 địa chỉ web lừa đảo bị gỡ xuống sau khi có hơn 5.000 email đáng ngờ bị báo cáo, giúp ngăn chặn tội phạm lợi dụng đại dịch Covid-19. Kể từ đó, cơ quan này đã nhận được 672 nghìn báo cáo email khả nghi, giúp xóa sổ hơn 5.000 địa chỉ web lừa đảo, bao gồm phần lớn là các trang web lập ra nhằm mục đích bán sản phẩm chống dịch Covid-19 giả như bộ kiểm tra âm tính, khẩu trang và vaccine.