Mỹ nỗ lực hạn chế bạo lực súng đạn

Mới đây, chuỗi siêu thị Walmart của Mỹ quyết định ngừng bán một số loại đạn súng nhất định, đồng thời kêu gọi cần có những hành động cần thiết để bảo đảm sử dụng súng đạn an toàn sau hàng loạt vụ xả súng đã xảy ra gần đây. Tuy nhiên, chỉ một động thái hạn chế súng đạn của Walmart liệu có đủ để giảm thiểu số vụ sử dụng súng trên đường phố ở Mỹ hay không thì vẫn là một câu hỏi để ngỏ.

Việc bán đạn công khai đã bị cấm tại chuỗi cửa hàng Walmart ở Mỹ. Ảnh: SCIOTOPOST
Việc bán đạn công khai đã bị cấm tại chuỗi cửa hàng Walmart ở Mỹ. Ảnh: SCIOTOPOST

Lan tràn các vụ xả súng

Ngày 3-9, đại diện chuỗi siêu thị Walmart tuyên bố sẽ không tiếp tục bán đạn cho súng ngắn và một số loại súng trường tiến công tại các cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Thông báo đưa ra trong bối cảnh gần đây một loạt vụ xả súng đã xảy ra ở nước này, trong đó có vụ xả súng đẫm máu khiến 22 người thiệt mạng tại một siêu thị Walmart ở El Paso, bang Texas.

Chỉ trong vòng một tháng gần đây, các vụ bạo lực liên quan súng đạn đã xảy ra liên tục ở Mỹ. Riêng với Walmart, hồi đầu tháng 8, một tay súng đã xông vào một siêu thị Walmart ở El Paso và xả súng vào đám đông đang mua sắm. Nghi phạm Patrick Crusius mới bước sang tuổi 21, đã sử dụng một khẩu súng trường AK, loại đã bị cấm bán ở Walmart. Đây được xem là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử của Walmart. Cùng ngày hôm đó tại Mỹ, một vụ nổ súng khác xảy ra ở Dayton, bang Ohio, làm cho chín người thiệt mạng. Cũng liên quan tới chuỗi cửa hàng Walmart, một nhân viên của siêu thị này đã bắn chết hai đồng nghiệp tại một cửa hàng ở Southaven, bang Mississippi...

Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Walmart, ông Doug McMillon cho biết, quyết định của Walmart dù chỉ là một giải pháp đơn giản song thể hiện bước đi mang tính xây dựng của chuỗi cửa hàng này trước hàng loạt sự kiện liên quan súng đạn phức tạp xảy ra gần đây. Ông McMillon cũng cho rằng, tình trạng lan tràn các vụ xả súng hiện nay là “không thể chấp nhận” và cần sớm đề ra các biện pháp đối phó.

Trong 15 năm qua, Walmart đã mở rộng hoạt động kinh doanh từ cung cấp dụng cụ săn bắt và câu cá sang bán lẻ súng trường tiến công để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Song trước thực tế các vụ xả súng hàng loạt gia tăng, từ năm 2015, chuỗi siêu thị này đã ngừng bán loại súng trường AR bán tự động từng được sử dụng trong các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ. Sau vụ nổ súng ở El Paso, Walmart cũng thực hiện một loạt các yêu cầu nhằm tăng cường phòng vệ. Bước đi đầu tiên là yêu cầu nhân viên tại các cửa hàng trên toàn quốc loại bỏ các trò chơi điện tử, video game có nội dung và hình ảnh bạo lực.

Vào tháng 2-2018, sau vụ xả súng hàng loạt tại một trường trung học ở Parkland, bang Florida, khiến 17 người thiệt mạng, Walmart tiếp tục công bố không bán súng và đạn cho những người dưới 21 tuổi, đồng thời loại bỏ các mẫu súng trường tiến công khỏi trang web bán hàng. Những bước đi của Walmart đã kéo theo nhiều động thái tích cực hơn. Đi theo xu hướng tương tự, từ năm 2018, chuỗi cửa hàng thể thao Dick’s cũng ngừng bán các vũ khí tiến công.

Việc ngừng bán súng ngắn, đạn tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ như Walmart có thể khiến tập đoàn này mất một lượng khách hàng đáng kể là những người đam mê súng. Nhiều cửa hàng bán lẻ của Walmart nằm ở khu vực nông thôn, vùng hẻo lánh, là nơi các thợ săn thường tìm đến để mua súng, đạn. Do vậy, bước đi vừa qua nhằm cắt giảm súng đạn cho thấy các nhà quản lý của Walmart đang cố gắng đi theo hướng trở thành một nhà bán lẻ có trách nhiệm với cộng đồng, hơn là chiều theo yêu cầu của một bộ phận đối tác và khách hàng.

Ông Doug McMillon cho biết, Walmart đã gửi thư tới giới chức nước này kêu gọi chính phủ tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng để ngăn chặn những nguy cơ mất kiểm soát khi để người dân sở hữu súng đạn. Công ty này cũng khẳng định sẽ không tiếp tục bán súng ngắn tại bang Alaska, địa phương duy nhất của Mỹ còn bán loại súng này. Động thái đó đã đánh dấu sự rút lui hoàn toàn khỏi việc kinh doanh súng ngắn. Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Walmart đã ngừng bán súng ngắn ở mọi bang, trừ Alaska. Theo đó, việc dừng bán các loại đạn nói trên sẽ làm giảm thị phần đạn dược của công ty này từ khoảng 20% xuống còn khoảng 6-9% và có thể tiếp tục giảm thấp hơn trong thời gian tới.

“Muối bỏ bể”

Thông báo vừa qua của Walmart được đưa ra sau khi các nhà bán lẻ khác ở Mỹ cũng phải đưa ra động thái tương tự trước áp lực của công chúng kêu gọi hạn chế doanh số bán súng và đạn. Vào tháng 3, chuỗi cửa hàng thể thao Dick’s đã công bố ngừng bán súng và đạn tại 125 trong số hơn 700 địa điểm. Cùng với đó, các chuỗi bán lẻ đắt khách như Target, Starbucks, Wendy và gần đây nhất là Kroger, cũng yêu cầu khách hàng không công khai mang súng khi đến các cửa hàng này.

Những người ủng hộ kiểm soát súng nghiêm ngặt kỳ vọng động thái của nhà bán lẻ hàng đầu như Walmart sẽ tác động tới những cuộc tranh luận chưa có hồi kết về kiểm soát súng đạn ở Mỹ. Việc ngừng bán súng đạn của các chuỗi bán lẻ cũng gửi thông điệp tới các nhà lập pháp ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ, đặc biệt là Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) của Mỹ - tổ chức vận động hành lang có sức ảnh hưởng rất lớn ở “xứ cờ hoa” và chủ trương cổ vũ sử dụng súng, rằng đã đến lúc phải hành động mạnh mẽ trước tình trạng bạo lực liên quan súng đạn ngày càng gia tăng.

Ông Igor Volsky, người sáng lập tổ chức vận động từ bỏ súng đạn mang tên “Guns Down America” cho rằng, việc mua bán súng đạn ở Mỹ hiện nay quá dễ dàng nên có nhiều người Mỹ sử dụng súng. Theo ông, trước yêu cầu ngày càng mạnh mẽ của một bộ phận đông đảo người dân, Quốc hội nước này cần xem xét lại tình trạng bạo lực liên quan súng đạn. Những nỗ lực của Walmart được đánh giá là động thái tích cực và đáng khích lệ trong làn sóng tẩy chay súng đạn này. Tuy vậy, bên việc ngừng bán đạn hoàn toàn tại cửa hàng bán lẻ, các nhà vận động đang kêu gọi Walmart cũng phải chấm dứt hỗ trợ các chính trị gia có liên quan NRA.

Ngoài ra, theo CBS News, các nhà quan sát nhận định tác động của phía các chuỗi bán lẻ như Walmart, Dick’s hay Kroger dù có ý nghĩa tích cực song chỉ là “muối bỏ bể”. Do hầu hết doanh số bán vũ khí hiện nay đến từ các cửa hàng chuyên bán súng đạn, chiếm tới hơn 90% thị phần, chứ không phải từ chuỗi bán lẻ lớn. Ước tính ở Mỹ có khoảng hơn 2.300 cửa hàng bán lẻ có bán súng, nhưng lượng súng bán tại đây chỉ chiếm khoảng 2% tổng số súng bán ra ở Mỹ. Reuters trích báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld cho biết, bất chấp các biện pháp hạn chế mua bán, tổng doanh số của các cửa hàng súng và đạn ở Mỹ vẫn đạt vào khoảng 11 tỷ USD vào năm 2018, trong đó 19% từ việc bán đạn.

Trên thực tế, ngay sau quyết định của Walmart, đại diện của NRA đã lên tiếng chỉ trích việc chuỗi siêu thị này thay đổi chính sách bán hàng, đồng thời khẳng định sẽ tìm các nhà bán lẻ khác để thay thế. Ngành kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ ở Mỹ và nhiều nhóm có lợi ích, từ đó vẫn luôn đấu tranh mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền sở hữu súng đạn. Do đó, nếu không có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống thì nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ chưa biết bao giờ mới chấm dứt.