Mô hình cải tạo tội phạm hiệu quả tại Bắc Âu

Dù những năm gần đây, tỷ lệ tái phạm của tội phạm ở nhiều nước thường ở mức cao tới 50% và không có chiều hướng thuyên giảm, song ở một số quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch,… tỷ lệ này luôn được duy trì ở mức thấp hàng đầu thế giới. Yếu tố then chốt đưa tới kết quả này là các nước kể trên đã áp dụng mô hình cải tạo tội phạm trong các nhà tù bằng nhiều phương pháp khác biệt.

Tù nhân trong nhà tù Halden được đào tạo một số ngành nghề. Ảnh: GRAND FORKS HERALD
Tù nhân trong nhà tù Halden được đào tạo một số ngành nghề. Ảnh: GRAND FORKS HERALD

Nơi phục hồi nhân phẩm

Không chỉ có tỷ lệ tù nhân tái phạm thấp sau khi mãn hạn tù, các quốc gia Bắc Âu còn duy trì tỷ lệ tội phạm bị bắt giữ và số lượng tù nhân thấp nhất trên thế giới. Từ năm 2004, số tù nhân ở Thụy Điển đã giảm từ 5.722 người xuống còn 4.500 người. Trong năm 2013, tỷ lệ tái phạm của nước này vào khoảng 40%, chỉ bằng một nửa so Mỹ, Anh và hầu hết các nước châu Âu khác. Tại Na Uy, năm 2014, số lượng tù nhân giảm xuống 4.000 người, và khi mãn hạn tù, tỷ lệ tái phạm của tội phạm nước này ở mức thấp nhất thế giới là khoảng 20%, trong khi tỷ lệ này là 76,6% tại Mỹ. Các kết quả trên bắt nguồn đặc điểm văn hóa và chính sách khác biệt của các nước này đem lại, giúp thay đổi tư duy, định hướng và tâm lý của những người từng sa vào vòng lao lý, đưa họ tái hòa nhập với cộng đồng.

Điển hình như tại Na Uy, luật pháp của nước này không có hình phạt nghiêm trọng như tử hình hoặc chung thân. Trên thực tế, án tù cao nhất ở Na Uy là 21 năm, như trường hợp hiếm hoi của kẻ khủng bố cực đoan Behring Breivik bị kết tội đã sát hại 93 người trong một vụ đánh bom và nổ súng hàng loạt ở Oslo năm 2011. Trong khi ở các nước khác, nhà tù được coi là một địa điểm thi hành những án phạt cho tội phạm thì tại khu vực Bắc Âu, đây là nơi coi nhiệm vụ phục hồi nhân phẩm cho tội phạm là ưu tiên.

Hình phạt thật sự mà những tù nhân ở Na Uy phải chấp nhận là mất tự do. Ngoài ra, các điều kiện sống và sinh hoạt của tù nhân đều được bảo đảm như người bình thường. Nơi ở của tù nhân có đầy đủ máy tính, tivi và thậm chí được phép truy cập internet. Họ được tham gia các chương trình giáo dục, đào tạo và xây dựng kỹ năng như tập yoga, học nhạc, chơi các môn thể thao...

Đơn cử như tại Halden, một nhà tù có hệ thống an ninh tốt nhất ở Na Uy, các tù nhân tự do đi lại trong khoảng 12 tiếng mỗi ngày. Không có hàng rào, không có dây thép gai hay bất kỳ biện pháp kiểm soát nào nhưng tù nhân ở đây không có ý định bỏ trốn. Các biện pháp “thông thoáng” này đã khiến tất cả tù nhân không cảm thấy tù tội khó chịu và tự nguyện hoàn thành thời gian thụ án. Sau khi mãn hạn, Chính phủ Na Uy bảo đảm nhà ở, hỗ trợ việc làm, cung cấp những điều kiện cần thiết khác để tù nhân hòa nhập cộng đồng. Ước tính chi phí hằng năm mà chính phủ nước này chi trả nhằm bảo đảm cuộc sống bình thường cho mỗi tù nhân lên tới 93.000 USD.

“Bản thân tù nhân bị mất quyền tự do đã là một hình phạt. Bởi vậy, vai trò của các nhà tù nên cảm hóa chứ không phải là thêm sự trừng phạt”, ông Nils Öberg, người đứng đầu Cơ quan quản lý nhà tù Thụy Điển cho biết. Năm 2013, Thụy Điển đã thực hiện một cuộc điều tra toàn quốc để xác định các vấn đề đã ảnh hưởng đến hành vi tái phạm của tù nhân. Cuộc khảo sát đã xác định được không chỉ một hoặc hai, mà đôi khi là bảy hoặc tám vấn đề khác nhau, gồm ma túy, rượu bia và các vấn đề tâm thần,... là những nguyên nhân chính. Do mức án tù ở các nước Bắc Âu tương đối ngắn, nên hầu hết nhà tù đều bắt đầu cảm hóa, phục hồi nhân phẩm ngay từ những ngày đầu tù nhân thụ án và bao quát toàn bộ các vấn đề tù nhân có thể gặp phải.

Cảm hóa thay trừng phạt

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, định hướng của Dịch vụ cải huấn Na Uy, một cơ quan chuyên trách việc giam giữ và thi hành án, đồng thời trấn an xã hội và ngăn chặn các hành vi tội phạm đã chuyển hướng tập trung hơn vào phục hồi nhân phẩm cho tội phạm. Ông Are Hoidal, Giám đốc nhà tù Halden cho rằng: “Chúng tôi không muốn sự tức giận và bạo lực diễn ra trong nhà tù này mà thay vào đó là sự yên bình để cảm hóa họ. Nếu chúng ta không đối xử với tù nhân như những người bình thường, thì chúng ta vẫn sẽ nhận lại những tội phạm khi mãn hạn tù. Bởi thế, lính gác hay quản giáo có nhiệm vụ quan trọng hơn là trở thành hình mẫu, huấn luyện viên và cố vấn cho họ. Tại nhà tù này, cán bộ quản giáo và tù nhân cùng ngồi ăn, tham gia các hoạt động thể thao và giải trí cùng nhau. Điều đó cho phép chúng tôi thật sự tương tác với tù nhân, nói chuyện và thúc đẩy họ cải tạo tốt hơn”.

Kiến trúc của nhà tù Halden cũng được thiết kế nhằm giảm thiểu cảm giác tù túng, mất tự do, đồng thời xoa dịu căng thẳng tâm lý, giúp tù nhân hòa hợp với thiên nhiên chung quanh. Mặc dù vẫn trang bị nhiều camera an ninh giấu kín đáo và các cảm biến phát hiện chuyển động, nhưng ông Hoidal khẳng định chưa từng có tù nhân nào có ý định vượt ngục. Không chỉ cung cấp điều kiện sống tốt mà tù nhân tại Halden còn được bảo đảm liên lạc với gia đình. Ba tháng một lần, tù nhân có con có thể đăng ký chương trình “Daddy in Prison” (tạm dịch: “Người cha trong tù”) và nếu vượt qua các bài kiểm tra cần thiết, tù nhân có thể đoàn tụ với gia đình vài ngày tại căn nhà riêng xây bên trong khu vực nhà tù.

Trong phòng thiết kế đồ họa của nhà tù Halden, tù nhân Fredrik từng bị kết án 15 năm tù vì tội giết người, tận dụng thời gian để học và đạt được bằng tốt nghiệp về thiết kế đồ họa. Thậm chí, Fredrik dự định tiếp tục việc học để lấy bằng thạc sĩ hoặc thậm chí là tiến sĩ sau khi mãn hạn tù. “Nếu không có cơ hội và chỉ bị nhốt sau song sắt phòng giam, tù nhân sẽ khó trở lại là một công dân tốt. Nhưng ở đây chúng tôi có những cơ hội tốt, có thể có bằng tốt nghiệp và khi mãn hạn tù, mọi người có thể tìm được một công việc, ổn định cuộc sống”, anh Fredrik cho biết.

Một cơ sở khác là nhà tù Bastoy ở Na Uy cũng có tỷ lệ tù nhân cải tạo tốt, mọi tù nhân đều được tham gia các khóa học thuật, dạy nghề và cung cấp kỹ năng tìm việc làm. Thậm chí, họ còn được phép bắt đầu làm việc bên ngoài nhà tù 18 tháng dưới sự giám sát trước khi mãn hạn, giúp việc tái hòa nhập cộng đồng diễn ra suôn sẻ. Các dịch vụ tư vấn và trị liệu tâm lý cũng được phổ biến rộng rãi nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần của tù nhân.

Từng phạm tội từ khi 15 tuổi vì ma túy, tù nhân Hessle (23 tuổi) bị kết án 11 năm vì tội giết người và thụ án tại Bastoy cho biết: “Có ba nguyên tắc tại đây là không bạo lực, không rượu, không ma túy. Sau nhiều năm cải tạo tại đây, bây giờ tôi đã không muốn dính líu tới ma túy. Khi mãn hạn tù, tôi muốn một cuộc sống bình thường, xây dựng gia đình riêng. Tôi được học nhiều thứ để có thể thực hiện những mong muốn đó khi ở đây”. Điều lý thú là tuy đang thụ án trong nhà tù nhưng Hessle vẫn được chơi đàn guitare, tham gia Ban nhạc Bastoy Blues cùng các tù nhân khác.

Sau khi mãn hạn tù, nhiều cựu phạm nhân còn tập hợp lại và giúp đỡ người đồng cảnh. Peter Soderlund, từng thụ án gần ba năm về tội phạm ma túy và vũ khí tại nhà tù Osteraker (Thụy Điển) cho biết, khi mãn hạn, anh được hai tổ chức do các cựu tù nhân thành lập mang tên Phạm nhân hòa nhập cộng đồng (KRIS) và X-Cons giúp đỡ. “Các tổ chức như KRIS và X-Cons giúp tù nhân tái hòa nhập thành công với xã hội sau khi họ được mãn hạn tù”, Peter nói.

Ông Kenneth Gustafsson, Giám đốc nhà tù Kumla của Thụy Điển phân tích: “Ở Thụy Điển, chúng tôi tin tưởng rất nhiều vào khái niệm cải tạo. Dĩ nhiên, có những người không thể thay đổi. Thế nhưng theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn tù nhân đều muốn làm lại cuộc đời và chúng ta phải làm tất cả để tạo điều kiện cho họ”.