“Làn gió mới” cho báo chí hiện đại

Khoảng nửa thập kỷ qua, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng để thay thế phóng viên và biên tập viên sản xuất tin, bài với những nội dung đơn giản. Cách làm này tỏ ra khá hiệu quả với các hãng truyền thông lớn ở phương Tây, như Reuters, AFP, AP, CNN… Nhiều trang báo điện tử tại châu Á cũng đã áp dụng AI vào truyền thông số, trong đó nổi bật nhất là “giọng đọc” AI.

Công cụ Google News sử dụng AI mang lại lợi nhuận lớn cho Google. Ảnh: AP
Công cụ Google News sử dụng AI mang lại lợi nhuận lớn cho Google. Ảnh: AP

Tự động hóa hoạt động sản xuất báo chí

AI là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược trí thông minh tự nhiên của con người. Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ này không còn là điều quá mới mẻ mà ngược lại dần trở thành “xu thế tất yếu” trong nhiều lĩnh vực đời sống, điển hình là báo chí truyền thông.

Theo thống kê, hiện nay, dù công chúng Mỹ tiêu thụ rất nhiều tin tức (khoảng 200 triệu lượt truy cập tin tức kỹ thuật số mỗi tháng), song lợi nhuận từ việc này vẫn khó có thể duy trì các khoản đầu tư cần thiết cho chất lượng báo chí. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ, doanh thu của ngành công nghiệp tin tức đã giảm 54% kể từ năm 2006. Để giảm thiểu chi phí và tăng doanh thu, giải pháp sử dụng các nền tảng công nghệ với nội dung trực tuyến đã được tính đến.

Điển hình và đi đầu trong việc áp dụng công nghệ AI là Tập đoàn công nghệ Google (Mỹ), giúp thu về khoản lợi nhuận lớn từ dịch vụ tìm kiếm nội dung tin tức. Năm 2008, công cụ Google News đã tạo ra doanh thu xấp xỉ 100 triệu USD từ việc cung cấp tin tức. Đến năm 2019, con số này đã tăng gấp lên hơn năm tỷ USD. Theo tờ Miami Herald, Google không chỉ thúc đẩy tìm kiếm với mảng tin tức, mà nó còn sử dụng nội dung tin tức để phát triển sản phẩm, đào tạo các dịch vụ AI, giữ người dùng trong hệ sinh thái Google...

Đối với trang web chia sẻ video YouTube, việc bổ sung danh mục “Tin nóng” (Breaking News) đã giúp người dùng có thể thưởng thức mọi nội dung tin tức mà không cần truy cập trang web của nhà xuất bản. Với xu hướng đó, để tồn tại và phát triển, các nhà xuất bản tin tức và tòa soạn báo xác định cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ AI vào chính các sản phẩm của mình.

Hàng loạt “ông lớn” của truyền thông phương Tây như Reuters, BBC, The Washington Post, The New York Times, CNN, AP... tỏ ra khá nhanh nhạy trong công cuộc đưa công nghệ AI đi sâu vào đời sống báo chí. Năm 2014, hãng tin AP (Mỹ) hợp tác với hãng công nghệ NewsWhip xây dựng công cụ AI nhằm phân tích các dòng tin tức đang là “xu hướng” (trend) trên mạng xã hội, để từ đó cung cấp cho phóng viên những chủ đề mà người dùng quan tâm. AP cũng kết hợp với Automated Insights tại Mỹ, hãng công nghệ chuyên về phần mềm tạo ngôn ngữ tự nhiên, nhằm sắp xếp kho dữ liệu khổng lồ thành các bài viết dễ tiếp cận. Đến năm 2015, AP tiến hành sử dụng AI để đưa tin, giúp giải phóng 20% thời gian làm việc của phóng viên chuyên viết về hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hãng cũng sử dụng công nghệ “Wordsmith” do Automated Insights phát triển để tự động tạo ra các bài viết từ dữ liệu nguyên bản, giúp tỷ lệ sai sót ở các bản tin giảm xuống đáng kể, trong khi số lượng đầu tin xuất bản tăng gấp 10 lần. AP từng đặt kế hoạch vào năm nay, AI có thể đảm nhận tới 80% lượng tin, bài cho hãng.

Gần đây, một hãng tin khác của Mỹ là Los Angeles Times cũng sử dụng AI để thu thập thông tin về tội phạm của thành phố. Địa chỉ dành riêng cho nội dung này có tên “Homicide Report”. Theo đó, AI nhập vào hệ thống tin tức các dữ liệu về giới tính và chủng tộc của nạn nhân, nguyên nhân cái chết, các cá nhân liên quan, danh sách hàng xóm, thời gian tử vong... Trong khi đó, từ giữa năm 2016, The Washington Post đã tung ra ứng dụng công nghệ AI “Heliograf” để tạo ra các bản tin. Theo Giám đốc Sáng kiến chiến lược Jeremy Gilbert, năm 2016, mỗi ngày báo này sản xuất khoảng 350 bản tin ngắn và các thông báo khẩn về Thế vận hội ở Rio de Janeiro (Brazil), cùng đó là hàng trăm bản tin về các cuộc chạy đua vào Quốc hội và Thống đốc bang, cũng như nhiều tin thể thao ở các trường học địa phương. Việc sử dụng “Heliograf” cũng giúp The Washington Post phát triển một hệ thống AI với tên gọi “ModBot”, có tính năng như một “máy lọc” để xác định và xóa những bình luận có chứa nội dung không phù hợp. Cũng tại Mỹ, USA Today sử dụng phần mềm Wibbitz giúp tạo ra các đoạn video ngắn. Công cụ này chọn ra câu chuyện được trình bày dưới dạng văn bản, rút gọn chúng, thu thập hình ảnh hoặc video, thậm chí thêm cả lời bình...

Các chuyên gia công nghệ cho biết, để sử dụng AI hiệu quả, người dùng cần vận dụng khéo léo các thuật toán nhằm hỗ trợ phóng viên không chỉ biên tập, mà còn xác nhận mẫu giọng nói hay các khuôn mặt trong đám đông. Máy móc cũng được lập trình để trò chuyện với độc giả (chatbots) và trả lời các câu hỏi một cách tự động. Điều thú vị là quá trình này không thể thiếu vắng sự tham gia của nhà báo “bằng xương, bằng thịt”, vì chính họ, với tư duy và mục tiêu rõ ràng, sẽ chỉ dẫn máy móc làm việc hiệu quả hơn.

Giới chuyên gia nhận định, công nghệ AI đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đối với nghiệp vụ báo chí theo chiều hướng tích cực. Các “đại gia” trong làng báo chí phương Tây đang tiên phong trong vận dụng AI vào hoạt động truyền thông, phục vụ tự động hóa hoạt động sản xuất báo chí, từ đó tối ưu hóa quy trình xuất bản. Thông qua tự động tổng hợp, trích xuất, xử lý thông tin từ nhiều nguồn, tòa soạn và phóng viên có thể cập nhật nhanh các sự kiện, xu hướng mới, từ đó hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho việc định hướng xuất bản tin tức.

Xu hướng tất yếu

Bên những mặt tích cực mà AI mang lại cho báo chí hiện đại, một số chuyên gia cho rằng, các tiến bộ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của phóng viên và nghề nghiệp của họ. Thí dụ, tin tức do AI sản xuất thiếu bối cảnh, chiều sâu và sự sáng tạo, thậm chí có thể mang tính thiên vị. Đồng thời, việc bỏ ra các khoản chi phí để duy trì dịch vụ của AI cũng không phải là nhỏ. Áp dụng công nghệ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, như mất thông tin hay sai lệch, do các loại hình tội phạm công nghệ cao cố tình phá hoại.

Tại Đông - Nam Á, nhiều báo điện tử và chuyên trang tin tức công nghệ cũng đã dần áp dụng công nghệ tự động chuyển đổi văn bản thành báo nói (audio), qua đó tạo trải nghiệm mới, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của bạn đọc. Audio được đánh giá là hướng phát triển đầy tiềm năng, được nhiều trang báo điện tử xem xét triển khai. Với việc sử dụng công nghệ, khi đọc tin trên máy tính hay các thiết bị di động độc giả có thêm lựa chọn là nghe đài. Tính năng đó thuận tiện để cập nhật thông tin ngay cả khi người dùng bận việc, trong khi tòa soạn không phải huy động nhân lực để thực hiện chức năng này.

Có thể nói, áp dụng AI vào lĩnh vực báo chí là xu hướng tất yếu và là bước đột phá trong thời cách mạng công nghiệp 4.0. AI giúp giải phóng thời gian làm việc cho phóng viên, biên tập viên trong sản xuất tin, bài đơn giản. Báo chí sử dụng AI cũng có giá rẻ hơn, do khối lượng nội dung được sản xuất ra với tốc độ nhanh gấp nhiều lần, trong khi chi phí nhân công giảm... Tuy nhiên, phải khẳng định rằng sự phát triển của AI trong lĩnh vực báo chí truyền thông không phải là “dấu chấm hết” đối với vai trò của những người cầm bút. Các hãng thông tấn vẫn cần sử dụng trí tuệ tự nhiên để kiểm soát, đánh giá dữ liệu được AI thu thập và tạo ra.

“AI không tước đi cơ hội việc làm của các nhà báo, phóng viên mà chỉ giúp họ có thêm thời gian để làm những công việc phức tạp và đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao hơn”, ông Francesco Marconi, Giám đốc Công ty hàng đầu về tự động hóa và AI của Mỹ khẳng định.