Kỷ niệm Ngày sinh V.I.Lenin trên quê hương K.Marx

Nhân dịp 150 năm Ngày sinh V.I.Lenin (1870 - 2020), nhiều nước trên thế giới đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm bày tỏ sự kính trọng, khẳng định những cống hiến, giá trị xuyên lịch sử mà vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên thế giới đã đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Tại CHLB Đức, nhiều hoạt động tương tự đã được tổ chức.

Bức tượng V.I.Lenin tại thành phố Gelsenkirchen miền tây nước Đức. Ảnh: THE GUARDIAN
Bức tượng V.I.Lenin tại thành phố Gelsenkirchen miền tây nước Đức. Ảnh: THE GUARDIAN

Vào dịp kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lenin, ở Đức có một sự kiện thu hút sự chú ý của giới truyền thông là đảng Marxist-Leninist (MLPD) đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh dựng tượng V.I.Lenin. Từ thắng lợi của cuộc đấu tranh này, lần đầu tại miền tây nước Đức đã có một tượng đài V.I.Lenin cao 2 m, đặt tại Gelsenkirchen, thành phố lớn thuộc bang Nordrhein-Westfalen, cũng là lần đầu tượng V.I.Lenin được xây dựng sau ngày nước Đức thống nhất. Tuy nhiên, kế hoạch khánh thành bức tượng vào ngày 14-3 vừa qua phải tạm dừng vì đại dịch Covid-19.

Về chủ đề 150 năm Ngày sinh V.I.Lenin, tại nước Đức đã tổ chức nhiều sự kiện liên quan như triển lãm, chiếu phim, hội thảo và một số đài phát thanh, truyền hình có chương trình phát sóng. Một số tờ báo đăng bài có nội dung tích cực, cho rằng tác phẩm của V.I.Lenin vẫn còn tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu hiện nay. Trước đó, ngày 3-1, tờ Thời đại của chúng ta, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đức (DKP) đăng bài “Với V.I.Lenin bước vào năm khủng hoảng 2020”, trong đó viết đại ý: “100 năm trước, phát biểu ý kiến tại Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản, V.I.Lenin giải thích cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đáng tiếc không dẫn đến một kết cục tự hủy diệt, mà trái lại đẩy gánh nặng lên dân chúng lao động, bởi một giai cấp tư sản cư xử như thể là “một tên cướp táo tợn đã mất đầu”. Cần phải nhấn mạnh hai lỗi phổ biến hiện nay, đó là các nhà kinh tế tư sản chỉ đơn giản coi cuộc khủng hoảng này như một “sự trục trặc”, và các nhà cách mạng đôi khi cố gắng chứng minh rằng hoàn toàn không có cách nào thoát khỏi khủng hoảng. Đó là một sai lầm, vì không có tình huống hoàn toàn vô vọng. Giai cấp tư sản đẩy nhanh sự sụp đổ của chính mình. Trật tự tư sản trên toàn thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng to lớn. Chúng ta cần phải chứng minh thông qua thực tiễn của các đảng cách mạng, rằng họ có đủ sự rõ ràng, cụ thể về mục tiêu, tổ chức, kết nối với quần chúng bị bóc lột, quyết tâm và khả năng sử dụng cuộc khủng hoảng này để đạt thành công, cho thắng lợi của cách mạng”.

Đáng chú ý, ngày 4-4, tờ Thế giới Trẻ đăng bài “Đo lường quyền lực, cuộc họp thường niên của Quỹ Marx - Engels”. Theo đó, Chủ tịch Quỹ Marx - Engels là ông H. Kopp tổng kết hoạt động tích cực của Quỹ trong năm 2019 là đã tổ chức 34 hội nghị, thuyết trình trên toàn nước Đức. Đặc biệt, Quỹ Marx - Engels tổ chức một cuộc thuyết trình nhân dịp 150 năm Ngày sinh của V.I.Lenin, với các diễn giả là nhà khoa học pháp lý H.Klenner đến từ Berlin, nhà triết học, kinh tế học V.Giacché đến từ Italia. Trong buổi thuyết trình, H.Klenner đề cập công trình “Nhà nước và cách mạng” do V.I.Lenin viết năm 1917, coi đây là “tác phẩm kinh điển của thế giới”, ngang tầm tác phẩm của Aristotle (nhà triết học và bác học Hy Lạp thời cổ đại), T.D’Aquin (nhà triết học, nhà thần học Công giáo), T.Hobbes (nhà triết học người Anh, tư tưởng của ông được coi là nền tảng cho triết học chính trị phương Tây theo lý thuyết khế ước xã hội).

Theo H.Klenner, điểm trọng tâm trong quan niệm của V.I.Lenin về nhà nước là luật pháp không chỉ là công cụ quyền lực, mà còn là thước đo vai trò của nhà nước. H.Klenner nhấn mạnh, về cơ bản thì K.Marx là nhà khoa học, trong khi kể từ năm 1914, V.I.Lenin còn là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một chính trị gia. Do đó, việc tiếp cận “Nhà nước và cách mạng” cần phải đặt trong tương quan với những luận điểm mà V.I.Lenin thể hiện trong “Luận cương Tháng Tư” (tác phẩm vạch ra mục tiêu, đường lối giành chiến thắng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết”), để nhận thức cụ thể quan điểm của V.I.Lenin là Cách mạng Tháng Hai ở Nga cần được thúc đẩy nhanh chóng theo đường hướng vô sản. H.Klenner cũng cho rằng, tiếp cận cuốn sách “Nhà nước và cách mạng” cần tính đến các công việc V.I.Lenin chuẩn bị và thực hiện khi còn sống và lưu vong ở Thụy Sĩ.

Trọng tâm bài thuyết trình của V.Giacché là vấn đề “tư duy kinh tế của V.I.Lenin sau cách mạng” và khái niệm “chủ nghĩa tư bản nhà nước”, với nội dung chủ yếu là chuyển đổi từ “chủ nghĩa cộng sản thời chiến” sang “chính sách kinh tế mới” sau khi kết thúc nội chiến vào năm 1920. Quan niệm của V.I.Lenin về việc thay thế tịch thu bằng các loại thuế bắt buộc bị nhóm cánh tả trong đảng Bolshevik chống lại, vì cho rằng làm như vậy là “từ bỏ chủ nghĩa cộng sản” và quay lại chế độ tư sản. Lập luận đáp lại của V.I.Lenin là: tịch thu không tương ứng với những nguyên tắc của nền kinh tế vô sản. V.Giacché nêu một số hình thức quan trọng về kinh tế theo quan điểm của V.I.Lê-nin trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Thứ nhất, các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là chủ sở hữu nước ngoài, có hợp đồng với nhà nước xã hội chủ nghĩa qua hình thức vẫn gọi là nhượng quyền, rất cần cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. Thứ hai, các hợp tác xã tạo điều kiện cho sự liên kết của nhân dân, nhà nước là nơi môi giới và kiểm soát kinh doanh. Thứ ba, nhượng quyền cả vốn của nhà nước để củng cố cơ sở kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. V.Giacché cũng giải thích công thức V.I.Lenin đã đưa ra từ cuối năm 1920 với nội dung: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa cả nước” cần được hiểu không chỉ là thông điệp về quyền lực chính trị, không có nghĩa là xa rời chủ nghĩa cộng sản, mà còn liên quan vai trò của cách mạng kỹ thuật.

V.Giacché nhấn mạnh tính thời sự trong luận điểm của V.I.Lenin đối với thế giới ngày nay, bởi trong khi “hệ thống lái tự động” của thị trường ở phương Tây được coi là quy định tốt nhất về kinh tế, thì trên thế giới có quốc gia đang chứng minh làm thế nào để nền kinh tế nhà nước có thể chuyển sang kiểm soát chiến lược, gồm cả các công ty tư nhân, để tạo nên một mô hình hấp dẫn cho các nước đang phát triển. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu năm 2007 còn cho thấy việc quản lý khủng hoảng qua thị trường đã thất bại. Nhà nước đã phải huy động từ mọi nơi để xã hội hóa các khoản lỗ của các ngân hàng, tập đoàn lớn… Nhìn chung, H.Klenner và V.Giacché cùng có xu hướng khẳng định rằng, đến nay, một số luận điểm của V.I.Lenin vẫn giữ nguyên giá trị, như trong việc tổ chức nhà nước, phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia, khắc phục khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Để kết thúc, xin trích ý kiến của nhà triết học người Đức A.Arndt được dẫn lại trong bài “150 năm Lenin - nhà cách mạng tối cao vẫn là một thần tượng” đăng trên tờ Saabrücker Zeitung ngày 17-4, lý giải hình ảnh đại chúng của V.I.Lenin nổi bật đến ngày nay vì “ngay cả những đối thủ chính trị quyết liệt nhất cũng nhận ra sự khiêm tốn của ông. V.I.Lenin không tận dụng các đặc quyền, không làm giàu cho bản thân mình. Một công lao lịch sử của V.I.Lenin là luôn ưu tiên trả lời câu hỏi về quyền tự quyết của các dân tộc. Và tôi có thể hình dung một hình ảnh như vậy vẫn tồn tại trong ký ức loài người”.