Kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp vũ trụ

Ngày 31-5, Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX đã phóng thành công tàu vũ trụ Crew Dragon chở hai phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào quỹ đạo Trái đất. Đây là lần đầu trong lịch sử, một công ty hàng không vũ trụ tư nhân đưa con người vào không gian. Các chuyên gia cho rằng, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các công ty tư nhân trong lĩnh vực hàng không vũ trụ sẽ tiếp tục đem lại thêm nhiều bước tiến quan trọng như của SpaceX, đồng thời giúp các cơ quan chuyên biệt của chính phủ như NASA có điều kiện tập trung nguồn lực khám phá không gian sâu hơn.

Tàu Crew Dragon ghép nối với Trạm ISS. Ảnh: SPACEX
Tàu Crew Dragon ghép nối với Trạm ISS. Ảnh: SPACEX

Chuyến bay tiên phong

Chuyến bay nói trên của SpaceX đã mở ra thời kỳ mới cho các hoạt động kết hợp mục đích khoa học và thương mại, do các công ty hàng không vũ trụ tư nhân thực hiện. Tàu Crew Dragon được tên lửa đẩy Falcon 9 đưa lên quỹ đạo từ bệ phóng 39A của Trung tâm vũ trụ Kennedy trên đảo Merritt (bang Florida - Mỹ). Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân, Phó Tổng thống Mike Pence và các quan chức của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia… đã trực tiếp tham dự sự kiện.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tầng đẩy của tên lửa Falcon đã quay trở lại Trái đất và hạ cánh thành công ở Đại Tây Dương nhằm tái sử dụng cho nhiệm vụ trong tương lai.

12 phút sau, tàu Crew Dragon bay tới quỹ đạo và mất 19 giờ ở độ cao hơn 400 km ngoài Trái đất để đuổi kịp, ghép nối với Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Hai phi hành gia kỳ cựu nhất của NASA là Bob Behnken (49 tuổi), Doug Hurley (53 tuổi) trên tàu Crew Dragon đã đến trạm vũ trụ vào tối 1-6 (giờ Việt Nam). Các phi hành gia thông báo họ sẽ dành khoảng 120 ngày trên trạm vũ trụ để thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu.

Các quan chức NASA cho biết, chuyến bay dự kiến thực hiện ngày 27-5, nhưng do thời tiết xấu nên việc phóng tên lửa bị hoãn lại. Theo ông Jim Bridenstine, một trong số các quan chức hàng đầu của NASA, tàu Crew Dragon được phóng từ bệ phóng 39A, một địa điểm lịch sử từng là nơi khởi đầu cho các tàu con thoi Apollo, bao gồm cả chuyến thám hiểm Mặt trăng đầu tiên vào năm 1969. Mỹ đã ngừng đưa phi hành gia của mình lên ISS kể từ khi chương trình tàu con thoi kết thúc vào năm 2011. Từ đó tới nay, các phi hành gia từ NASA phải sử dụng tàu vũ trụ Soyuz của Nga để bay vào không gian. Trong các chuyến bay như vậy, mỗi phi hành gia tiêu tốn của NASA khoảng 86 triệu USD.

Thay vì đưa ra một chương trình tàu con thoi khác, NASA đã đề nghị hợp tác với công ty tư nhân để phát triển dự án Demo-2, chế tạo tàu vũ trụ và tên lửa đẩy đủ khả năng đưa các phi hành gia đến và đi từ trạm ISS một cách an toàn. Mặc dù quyết định này gây ra nhiều tranh cãi, nhưng cuối cùng NASA đã đạt được thành công bước đầu. Theo báo cáo năm 2019 của NASA, ước tính mỗi phi hành gia tham gia dự án Demo-2 chỉ tiêu tốn của NASA khoảng 55 triệu USD. Năm 2015, trong quá trình thử nghiệm, tên lửa Falcon 9 bị nổ tung sau khi bay 139 giây. Tới tháng 4-2019, tàu vũ trụ Crew Dragon cũng bị phá hủy trong chuyến bay thử nghiệm khác. Song cả NASA và SpaceX đã cùng khắc phục thành công các khiếm khuyết để thực hiện chuyến bay lần này một cách an toàn.

Thương mại hóa ngành hàng không vũ trụ có thể giảm chi phí và thúc đẩy sự đổi mới, giúp NASA tập trung vào hoạt động nghiên cứu khoa học không gian. Năm 2014, NASA đã ký một hợp đồng trị giá 4,2 tỷ USD với Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing để chế tạo khoang chở phi hành gia mang tên CST-100 Starliner và một hợp đồng 2,6 tỷ USD với SpaceX để phát triển tàu vũ trụ Crew Dragon nhằm vận chuyển hàng hóa và con người lên ISS. Tuy nhiên, sản phẩm CST-100 Starliner của hãng Boeing mới đây đã gặp phải sự cố đáng kể trong một chuyến bay thử nghiệm. Bởi vậy, việc SpaceX thực hiện thành công sứ mệnh này là một chiến thắng quan trọng, khẳng định sự đúng đắn khi thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại với các công ty tư nhân của NASA.

Cạnh tranh thương mại về hàng không vũ trụ

Trước năm 2012, chỉ có tàu vũ trụ do chính phủ điều hành mới được phép cập bến trạm ISS. Thực tế này thay đổi khi các công ty tư nhân tích cực tham gia ngành công nghiệp vũ trụ, trong đó có ba hãng chế tạo máy bay lớn của Mỹ là Boeing, North American Aviation và Douglas Aircraft, từng hợp tác chế tạo tên lửa Saturn-V cho NASA, đưa những người đầu tiên lên Mặt trăng. Tuy nhiên, trong thời gian dài, các công ty chế tạo tên lửa và tàu vũ trụ lại không hoàn toàn tập trung vào lĩnh vực du hành vũ trụ, mà còn tham gia cả ngành hàng không và quốc phòng.

Trả lời phỏng vấn tờ The Verge, ông Brian Weeden, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Secure World Foundation cho biết: “Theo mô hình hoạt động cũ, Chính phủ Mỹ sẽ thuê các nhà sản xuất như Lockheed hoặc Boeing chế tạo tên lửa. Tất cả kinh phí sẽ đến từ chính phủ và họ kiểm soát gần như hoàn toàn”. Mọi sản phẩm sau khi hoàn thành đều thuộc sở hữu của chính phủ và do NASA vận hành. Trong nhiều năm, hầu hết công ty giàu kinh nghiệm nhất về hàng không vũ trụ đều theo đuổi các hợp đồng lớn với chính phủ và từ bỏ thị trường tư nhân.

Nhưng sự ra đời của SpaceX do tỷ phú Elon Musk sáng lập đã phát triển theo một con đường khác. SpaceX không chỉ theo đuổi các hợp đồng từ NASA hay Bộ Quốc phòng Mỹ mà còn thu hút những nhà khai thác vệ tinh thương mại nội địa và quốc tế. Từ đây, NASA cũng bắt đầu thử nghiệm phương thức hợp tác mới. Cụ thể là cơ quan này đưa ra yêu cầu đối với các công ty tư nhân, như việc vận chuyển hàng hóa, phi hành đoàn lên ISS. Các công ty sau đó sẽ đưa ra ý tưởng và kế hoạch chi tiết của riêng mình nhằm thực hiện yêu cầu. NASA sẽ lựa chọn dự án để đầu tư cho công ty chủ quản. Sau khi hoàn thành, NASA sẽ trả một khoản phí để sử dụng thành tựu đó theo thời gian đã được cam kết. Đây là phương thức đôi bên cùng có lợi, vì NASA giảm thiểu được chi phí cho các dự án so trước đây, trong khi các công ty tư nhân sẽ được sở hữu và vận hành những sáng tạo của mình.

Mô hình đối tác công - tư này được coi là điều kiện hoàn hảo cho các công ty tư nhân hoạt động độc lập và sáng tạo như SpaceX phát triển. Theo đó, hãng đã sử dụng khoản đầu tư từ chính phủ để chế tạo tên lửa và tàu vũ trụ. Sau khi hoàn tất và đi vào hoạt động, SpaceX sẽ thu lợi nhuận từ chính những sản phẩm này. Để thu hút nhiều khách hàng hơn, SpaceX còn giảm chi phí thông qua các phương thức sản xuất mới và mở rộng kinh doanh. Đặc biệt, SpaceX còn có thể tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua việc tái sử dụng tên lửa bằng cách hạ cánh chúng sau mỗi chuyến bay.

Từ năm 2010, sự cạnh tranh bắt đầu trở nên khốc liệt hơn giữa các công ty hàng không vũ trụ lớn. Không chỉ có SpaceX, các nhà sản xuất khác của Mỹ như Blue Origin, Virgin Orbit, Rocket Lab đã xem xét nhiều cách giảm chi phí để thu hút khách hàng, đặc biệt là thông qua tái sử dụng hoặc thu nhỏ quy mô các vệ tinh, phương tiện du hành vũ trụ… Những vệ tinh có kích thước nhỏ, dễ chế tạo và giá thành rẻ hơn, cùng với đó là chi phí phóng vào vũ trụ và vận hành cũng giảm đáng kể. Do đó, nhiều công ty đã tập trung vào việc chế tạo các vệ tinh nhỏ nhưng gặt hái được thành công lớn.

Nhằm định hướng và thúc đẩy sự tiến bộ của ngành công nghiệp vũ trụ, Mỹ và một số quốc gia phát triển đã có sự điều chỉnh về chính sách đối với các công ty tư nhân trong lĩnh vực này. Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), nơi cung cấp giấy phép cho các lần phóng tàu vũ trụ, đã nới lỏng kiểm soát sự gia tăng số lượng vệ tinh trên quỹ đạo hiện nay. Một số ý kiến lo ngại số lượng vệ tinh tăng nhanh có thể gây khó khăn cho các nhà thiên văn học khi quan sát vũ trụ, hoặc gia tăng đáng kể khả năng va chạm, làm nhiễu loạn tín hiệu... Tuy nhiên, đó là những lo ngại trong tương lai xa, bởi thực tế ngành công nghiệp vũ trụ hiện tại còn vô vàn triển vọng và không gian để phát triển, đặc biệt là khi có ngày càng nhiều công ty tư nhân mang tầm nhìn vượt xa quỹ đạo Trái đất như SpaceX, Blue Origin, Virgin Orbit… đồng hành cùng NASA.