Khắc phục thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương

Cách đây 15 năm, thảm họa động đất, sóng thần đã bất ngờ xảy ra tại Ấn Độ Dương khiến ít nhất 230 nghìn người dân sống ven biển của khoảng 11 quốc gia trong khu vực thiệt mạng. Kể từ đó, chính phủ các quốc gia bị ảnh hưởng đã gấp rút hoàn thiện hệ thống cảnh báo, phòng ngừa thiên tai, nhằm có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Cơn địa chấn Sumatra - Andaman

Ngày 26-12-2004, một trận động đất được các nhà khoa học gọi là Cơn địa chấn Sumatra - Andaman đã xảy ra dưới biển ở khu vực ngoài khơi Indonesia. Theo các nhà khoa học, tâm chấn động đất nằm cách đảo Sumatra (Indonesia) khoảng 160 km, sát mép phía tây của khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương (khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa). Với cường độ lên tới 9,3 độ richter, đây được coi là trận động đất lớn thứ hai do địa chấn kế ghi nhận, chỉ đứng sau trận động đất lớn có cường độ 9,5 độ richter ở Chile ngày 22-5-1960.

The Guardian cho biết, cơn địa chấn tại Ấn Độ Dương đã làm rung chuyển mặt đất với cường độ mạnh hơn 100 lần so trận động đất bảy độ richter tên gọi Loma Prieta, xảy ra năm 1989 tại Mỹ. Trong khi phần lớn các trận động đất chỉ kéo dài vài giây, thì trận động đất Sumatra - Andaman kéo dài tới gần 10 phút, gây ra các trận động đất khác ở tận Alaska (Mỹ), khiến toàn Trái đất dịch chuyển ít nhất vài cm.

Đặc biệt, trận động đất tại khu vực Ấn Độ Dương đã kích hoạt một chuỗi các đợt sóng thần chết người lan khắp khu vực, tàn phá kinh hoàng trên diện rộng, suốt từ Somalia ở phía đông châu Phi tới Sumatra ở Đông -Nam Á. Theo ghi nhận của giới chuyên gia, những con sóng thần có độ cao lên tới 30 m đã phá hủy hoàn toàn các cộng đồng dân cư sinh sống ven biển nơi con sóng thần đi qua. Các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất là Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái-lan...

Ước tính, các đợt sóng thần đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người, 14.100 người mất tích và hơn một triệu người khác thuộc 11 quốc gia phải di tản do mất nhà cửa. Tỉnh Aceh thuộc miền bắc của Indonesia là một trong những khu vực chịu thiệt hại lớn nhất, với khoảng 128.858 người chết. Cho đến nay, vẫn còn hàng nghìn nạn nhân trong thảm họa này vẫn chưa được nhận dạng. Do đó, thiên tai này là một trong những thảm họa có số lượng người thiệt mạng nhiều nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Ngay sau khi thảm họa này xảy ra, trước hình ảnh hoang tàn được phản ánh trên các phương tiện truyền thông thế giới, cộng đồng quốc tế, các cá nhân, tổ chức, công ty và chính phủ các nước trên toàn cầu đã lập tức hỗ trợ hơn 14 tỷ USD vì mục đích nhân đạo và tái thiết các khu vực thiệt hại. Đây được cho là một nỗ lực rất lớn, phản ánh tinh thần đoàn kết thế giới. Sau 15 năm, cùng với sự hỗ trợ to lớn từ cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ và nhân dân các địa phương bị thiên tai tàn phá, những “mảnh đất chết” đã dần dần hồi sinh.

Khắc phục thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương ảnh 1

Nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương đã lắp đặt thiết bị cảnh báo sóng thần. Ảnh: WORDPRESS

Hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm

Đã 15 năm kể từ khi cơn địa chấn xảy ra, những ngày qua người dân ven biển Ấn Độ Dương đã triển khai các hoạt động tưởng niệm những nạn nhân của thảm họa này. Nhiều hoạt động thiết thực như chia sẻ kinh nghiệm thoát hiểm, các giải pháp cảnh báo sớm sóng thần cũng được tuyên truyền rộng rãi. Trong nhiều năm qua, ước tính, hơn 400 triệu USD đã được chuyển tới 28 quốc gia để thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, bao gồm 101 máy đo mực nước biển, 148 máy đo địa chấn…,

Ngay sau thiên tai, năm 2005, Mỹ và Nhật Bản thiết lập một hệ thống cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, hệ thống này khi đó vẫn còn nhiều bất cập. Năm 2011, với sự hỗ trợ của LHQ, 24 quốc gia đã cùng tham gia cuộc thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần và giảm nhẹ thiên tai Ấn Độ Dương, nhằm đánh giá khả năng hoạt động của hệ thống, hiệu quả của thông tin liên lạc giữa các bên và những dịch vụ khẩn cấp quốc gia. Cuộc diễn tập được tổ chức dưới sự bảo trợ của Ủy ban Hải dương liên chính phủ, thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO). Hệ thống mới được cho là cung cấp thông tin chính xác hơn về thời gian và địa điểm mà sóng thần tiến công, cũng như các thông số bao gồm độ cao của các cơn sóng và những vùng sóng đi qua.

Giới chức từng quốc gia trong khu vực cũng chủ động đề phòng các thảm họa có thể xảy ra. Tại Indonesia, nhà chức trách đã thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra sóng thần và nhiều cơ sở lánh nạn đã được thiết lập rải rác khắp các khu vực duyên hải, đặc biệt là tỉnh Aceh, nơi thường xảy ra các thảm họa tự nhiên. Ông Jalaludin, thuộc Cơ quan quản lý nhà ở đô thị và công trình công cộng tại Aceh cho biết: “Tại mỗi ngôi làng chúng tôi giữ lại một căn nhà từng bị phá hủy do sóng thần như cách để tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Ngôi nhà đó được tân trang bằng tiền tài trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Mực nước cũng được đánh dấu để nhắc nhở mọi người”.

Trong khi đó, Chính phủ Sri Lanka cũng đã thành lập một cơ quan quản lý thảm họa, có nhiệm vụ gửi tin nhắn cảnh báo tới điện thoại của người dân để thông tin kịp thời về các nguy cơ xảy ra động đất hoặc sóng thần. Hệ thống cảnh báo sớm của Sri Lanka được hoàn thiện vào năm 2007. Cơ quan Quản lý thảm họa Sri Lanka cũng thường xuyên tiến hành diễn tập ứng phó với thảm họa.

Trong khi đó, tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Ấn Độ là Nagapattinam, các hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và ứng dụng di động mới đã được triển khai để cảnh báo người dân. Giới chức Thái-lan cũng xây dựng tháp hệ thống cảnh báo sớm và trung tâm sơ tán sóng thần.

Trước việc giới chức các nước chủ động ứng phó thảm họa, Chủ tịch Nhóm điều phối liên chính phủ về hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương, ông Srinivasa Tummala cho rằng, khu vực Ấn Độ Dương đã có nhiều tiến bộ trong việc thiết kế các hệ thống cảnh báo sớm sóng thần, khiến chúng trở nên hiệu quả hơn rất nhiều so năm 2004, thời điểm thảm họa xảy ra. Tuy nhiên, ông Tummala đánh giá những biện pháp này là chưa đủ. Vẫn còn tình trạng thiếu phao cứu đắm và các thiết bị phát hiện khác, hoặc khó khăn trong việc bảo dưỡng thiết bị, chia sẻ dữ liệu,... khiến những trận sóng thần, động đất thời gian qua vẫn gây ra hậu quả không nhỏ về người, tài sản.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, giới chức thế giới, đặc biệt là các khu vực hay xảy ra thiên tai, thảm họa cần tiếp tục cải thiện các điều kiện phòng hộ, nâng cấp hệ thống cảnh báo cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền để có thể giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra.