Kế hoạch về đồng tiền chung Tây Phi

Lãnh đạo các nước thành viên thuộc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vừa công bố mục tiêu hướng đến năm 2020 đưa đồng tiền chung có tên là ECO vào lưu thông. Tuyên bố này đã được đánh giá là bước tiến dài trong tiến trình thực hiện sáng kiến tạo ra một loại đồng tiền chung cho toàn “lục địa đen”, tương tự Euro ở châu Âu.

Đồng tiền chung ECO được hy vọng sẽ thay thế các đồng tiền riêng rẽ ở Tây Phi nhằm thúc đẩy kinh tế. Ảnh: GOOGLE NEWS
Đồng tiền chung ECO được hy vọng sẽ thay thế các đồng tiền riêng rẽ ở Tây Phi nhằm thúc đẩy kinh tế. Ảnh: GOOGLE NEWS

Nỗ lực của toàn khối

Thông báo về kế hoạch đưa đồng tiền chung ECO vào lưu thông được đưa ra sau khi Hội nghị cấp cao ECOWAS tại Thủ đô Abuja của Nigeria kết thúc hồi tuần trước. Trong một tuyên bố, lãnh đạo các quốc gia ECOWAS khẳng định, cách tiếp cận dần với đồng tiền chung sẽ bắt đầu từ những nước hội tụ các tiêu chí mà tổ chức này đề ra.

Theo CNN, ý tưởng tạo ra một đồng tiền chung cho khu vực Tây Phi được lãnh đạo các quốc gia ECOWAS lần đầu đưa ra thảo luận cách đây gần 30 năm. Với sáng kiến này, các lãnh đạo Tây Phi kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực và trao đổi thương mại qua biên giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế từng nhận định, điều này dường như khó có thể nhanh chóng thành hiện thực, thậm chí “lợi bất cập hại” cho các nền kinh tế trong khu vực.

Thực tế, dù còn gặp khó khăn, song ECOWAS luôn dành nhiều quan tâm cho đề xuất về đồng tiền chung này. Cách đây gần hai năm, tháng 10-2017, tại Hội nghị cấp cao ECOWAS diễn ra tại Thủ đô Niamey của Niger, lãnh đạo các nước tiếp tục nhắc lại mong muốn tạo ra một đồng tiền chung cho 15 nước trong khối vào năm 2020, để thay thế đồng franc CFA (đơn vị tiền tệ ở các nước châu Phi nói tiếng Pháp) và bảy đồng tiền quốc gia khác.

Được thành lập năm 1975, ECOWAS tập hợp 15 quốc gia với tổng dân số khoảng 300 triệu người, hiện sử dụng các loại tiền tệ khác nhau. Cụ thể, tám nước ECOWAS (gồm Benin, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Guinea-Bissau, Mali, Niger, Senegal, Togo) với khoảng 155 triệu người, đang dùng chung franc CFA cùng Euro. Còn lại bảy quốc gia trong khối ECOWAS sử dụng nội tệ, như Cape Verde (đồng Escudo), Gambia (đồng Dalasi), Ghana (đồng Cedi), Guinea (đồng franc Guinea), Liberia (đồng dollar Liberia), Nigeria (đồng Naira), Sierra Leone (đồng Leone). Dù nhất trí về sự ổn định của franc CFA, nhưng các nhà kinh tế học cho rằng nó quá mạnh đối với các nước có nền kinh tế yếu ở khu vực Tây Phi. Chưa kể các loại tiền tệ này không thuận lợi cho việc giao dịch và trao đổi với nhau. Với những lý do trên, yêu cầu về một loại tiền tệ chung chưa bao giờ bị xem nhẹ. Vì thế giới lãnh đạo ECOWAS luôn khẳng định cam kết “tiếp tục theo đuổi, đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình nghị sự của hội nhập kinh tế và tiền tệ” trong khối này.

Theo The Conversation, các tiêu chí hội tụ mà ECOWAS đặt ra cho những quốc gia thành viên dường như là nguyên nhân chính khiến các nước trong khối khó đạt đồng thuận về loại tiền tệ chung. ECOWAS yêu cầu các quốc gia phải duy trì mức lạm phát không quá 5%, và đây là một nhiệm vụ khó khăn. Tại Ghana, dữ liệu thống kê của nước này cho thấy lạm phát trung bình hằng năm giai đoạn 2000 - 2016 là 16,92%. Trong khi đó, Nigeria, nền kinh tế lớn trong khu vực, ghi nhận mức lạm phát trung bình 11,92% trong giai đoạn 2003 - 2016, tỷ lệ vượt xa yêu cầu 5%. Thực tế này đặt ra một bài toán khó về kinh tế cho khối, mà để thực hiện được dự định về một loại tiền tệ chung, cần nhiều hơn nỗ lực từ các quốc gia ECOWAS.

Bước đệm cho đồng tiền toàn châu lục

Tại Hội nghị cấp cao ECOWAS diễn ra tại Thủ đô Niamey của Niger năm 2017, Tổng thống Niger, Mahamadou Issoufou đề xuất lộ trình tạo ra đồng tiền chung của ECOWAS vào năm 2020 cần được chuẩn bị kỹ càng về mặt kỹ thuật, theo mô hình Euro của châu Âu. Trong khi đó, Tổng thống Nigeria, Muhammadu Buhari viện dẫn những vấn đề khó khăn của Liên hiệp châu Âu (EU) đối với Euro trong thời gian qua, đã kêu gọi các nước “thận trọng” tiến tới hội nhập về tiền tệ.

Khi đã thống nhất và quyết định công bố về kế hoạch đưa ECO vào lưu thông trong năm 2020, ECOWAS khẳng định đồng tiền chung này sẽ dựa trên cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt và khung chính sách tiền tệ chú trọng vào mục tiêu về lạm phát. ECOWAS nhấn mạnh, các nước thành viên ECOWAS sẽ theo đuổi các chương trình cải cách cơ cấu và chính sách phù hợp, theo đó duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Bộ trưởng tài chính cùng thống đốc ngân hàng trung ương các nước cùng nhau thảo luận về những vấn đề kỹ thuật, phát sinh từ việc tạo ra đồng tiền chung, gồm tỷ giá hối đoái và khung chính sách tiền tệ.

Theo CNN, ECOWAS sẽ hợp tác Cơ quan Tiền tệ Tây Phi (WAMA), Viện Tiền tệ Tây Phi (WAMI) và các ngân hàng trung ương để đẩy nhanh lộ trình cho loại tiền thương mại duy nhất được đề xuất. ECO được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở khu vực Tây Phi, cải thiện thương mại xuyên biên giới. “Nếu kế hoạch thuận lợi, người dân các quốc gia trong khu vực có thể di chuyển và sử dụng ECO tại các quốc gia khác nhau mà không phải lo lắng về chi phí tỷ giá hối đoái”, nhà phân tích kinh tế Tokunbo Afikuyomi cho biết.

“Nếu được thực hiện, đồng tiền chung sẽ giúp cải thiện thương mại của khối, bằng cách cho phép nhiều quốc gia tập trung sản xuất những mặt hàng có thế mạnh, đồng thời trao đổi hàng hóa do các quốc gia khác sản xuất hiệu quả hơn”, ông Tokunbo Afikuyomi cho hay. Một tiền tệ chung cũng giúp giải quyết các vấn đề tiền tệ của khu vực, như khó khăn trong chuyển đổi một số loại tiền tệ và sự thiếu độc lập của các ngân hàng trung ương. Tuy vậy, bất chấp những lợi ích có thể có, các nhà phân tích vẫn lo lắng về việc thiếu chính sách hội nhập giữa các quốc gia thành viên trong khu vực.

Cũng theo ông Tokunbo Afikuyomi, một loại tiền tệ chung sẽ chỉ hoạt động nếu tất cả các quốc gia liên quan gắn kết về kinh tế, song tình hình hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn mà khối cần vượt qua. “Thí dụ, nền kinh tế Guinea có quy mô GDP khoảng bảy tỷ USD, ít hơn cả mức của Abia là bang lớn thứ 13 của Nigeria, với 8,7 tỷ USD. Sự khác biệt về kinh tế này đã khiến cho chính sách thống nhất tiền tệ thương mại trở nên khó khăn”, ông nói. Trong khi đó, một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cho biết, thời hạn năm 2020 đối với một loại tiền tệ có thể bị hoãn lại, trừ khi khu vực này có thể liên kết thành công các chính sách tài chính và tiền tệ.

Kế hoạch của ECOWAS đưa ECO vào lưu thông trong năm 2020 được xem là nỗ lực lớn nhằm hiện thực hóa sáng kiến thiết lập một đồng tiền và một ngân hàng trung ương chung của toàn châu lục, vốn được các thống đốc ngân hàng trung ương châu Phi nhất trí cách đây đã nhiều năm. Ủy ban Kinh tế của LHQ về châu Phi (ECA) từng khẳng định, nỗ lực thành lập đồng tiền chung ở châu Phi sẽ chỉ thành công nếu châu lục này thúc đẩy hội nhập và đa dạng hóa các nền kinh tế hơn nữa.

Theo ECA, cần phải thành lập từ năm đến sáu khối kinh tế khu vực tương tự ECOWAS, trước khi có thể tạo ra một đồng tiền chung của châu lục. Và trước hết, phải thực hiện dự án thành lập một đồng tiền chung ở Tây Phi. Sau đó, nếu thành công, mô hình này mới có thể được nhân rộng ra toàn châu lục.