Hội nghị bí ẩn Bilderberg

Từ ngày 30-5 tới 2-6, tại thành phố Montreux (Thụy Sĩ) diễn ra Hội nghị Bilderberg lần thứ 67. Khoảng 130 nhà lãnh đạo thế giới từ 23 quốc gia sẽ tham dự hội nghị được xem là bí ẩn nhất thế giới này. Trong các phòng họp được bảo mật tối đa, các nhân vật quyền lực sẽ tiến hành thảo luận không chính thức về các chủ đề quan trọng trên toàn cầu, như thỏa thuận Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit; biến đổi khí hậu, an ninh mạng, tương lai của trí thông minh nhân tạo (AI)...

Khách sạn Montreux Palace, nơi tổ chức hội nghị bí mật Bilderberg năm 2019. Ảnh: WASHINGTON POST
Khách sạn Montreux Palace, nơi tổ chức hội nghị bí mật Bilderberg năm 2019. Ảnh: WASHINGTON POST

Hội tụ những gương mặt quyền lực

Hội nghị Bilderberg hằng năm là một diễn đàn tổ chức trong ba ngày dành cho các cuộc thảo luận không chính thức và được tạo ra nhằm thúc đẩy đối thoại giữa châu Âu và Bắc Mỹ trong việc giải quyết một số vấn đề và bảo đảm lợi ích chung. Suốt nhiều năm, cuộc họp thường niên của Hội nghị Bilderberg đã trở thành một diễn đàn quan trọng thảo luận về nhiều chủ đề toàn cầu như thương mại, việc làm hay công nghệ; từ chính sách tiền tệ, đầu tư cho tới các thách thức trong việc bảo đảm an ninh quốc tế.

Hội nghị Bilderberg đầu tiên diễn ra từ ngày 29 đến 31-5 năm 1954 tại khách sạn De Bilderberg ở thành phố Oosterbeek (Hà Lan). Đại diện của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã được mời tham gia các cuộc thảo luận nhằm xác định rõ hơn xu hướng và động lực chính ảnh hưởng đến nhiều quốc gia phương Tây trong giai đoạn khó khăn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Kể từ đó, Hội nghị Bilderberg luôn quy tụ khoảng 130 nhà lãnh đạo chính trị, các chuyên gia của ngành công nghiệp, tài chính, các viện hàn lâm, công nghệ và giới truyền thông... Trong đó, thành phần tham dự gồm một phần ba là nhà lãnh đạo các nước, hai phần ba còn lại là đại diện đến từ các lĩnh vực khác.

Năm 2005, trong cuốn sách nhan đề “Câu chuyện có thật của Nhóm Bilderberg”, tác giả Daniel Estulin cho biết, những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới tham dự Hội nghị Bilderberg lần đầu được gọi là “Nhóm Bilderberg”. Từ đó tới nay, các đại diện quan trọng tham gia hội nghị chủ yếu đến từ Mỹ, Canada và Tây Âu, bao gồm nhiều gương mặt nổi tiếng của từng thời kỳ như nhà tài phiệt David Rockefeller, chính trị gia Henry Kissinger, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Đức Angela Merkel… Ngoài ra, còn có nhiều nghị sĩ của Mỹ và lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thành viên của hoàng gia một số nước và nhiều nhân vật có ảnh hưởng lớn trong giới truyền thông châu Âu. Các tổ chức quốc tế như Liên hiệp châu Âu (EU), Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED),… đều cử đại diện tham gia hội nghị.

Các cuộc họp được tổ chức theo “Quy tắc nhà Chatham”, theo đó mọi người tham dự được tự do sử dụng thông tin nhận được, nhưng không được tiết lộ danh tính cũng như mối quan hệ với người cung cấp thông tin hay bất kỳ người tham gia nào khác. Nhờ tính chất đề cao bảo mật này mà bất kỳ ai được mời tới Hội nghị Bilderberg đều tham dự với tư cách cá nhân trong các cuộc thảo luận không chính thức. Bởi vậy, tất cả không bị ràng buộc bởi các quy tắc bên ngoài hội nghị hoặc những thỏa thuận từ trước. Thay vào đó, họ có thể dành thời gian lắng nghe, suy ngẫm, thảo luận và thu thập thông tin cần thiết về nhiều lĩnh vực.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, rất khó để bất kỳ vấn đề nào ở châu Âu, Bắc Mỹ hay trên toàn cầu có thể giải quyết đơn phương, nên vai trò quan trọng của Hội nghị Bilderberg trong lịch sử là duy trì và thúc đẩy thảo luận đa phương. Ngoài ra, sẽ không có tuyên bố kết thúc, cũng như không có nghị quyết nào được đề xuất hoặc bỏ phiếu tại hội nghị. Những người sáng lập và tổ chức hội nghị này cũng không ủng hộ bất kỳ đảng phái hay quan điểm chính trị nào.

Vai trò bí mật

Theo nhật báo Tages Anzeiger (Thụy Sĩ), Hội nghị Bilderberg năm 2019 có sự tham gia của các chính trị gia hàng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức tài chính và nhiều học giả có tiếng, tiêu biểu như Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Ueli Maurer, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger hay Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Năm nay, đại diện các “ông lớn” trong ngành công nghệ cũng tham dự hội nghị, trong đó có Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ Google Eric Schmidt, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella, Giám đốc điều hành Credit Suisse, Tidjane Thiam cùng đại diện các ngân hàng đầu tư và tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs, Ngân hàng Trung ương Anh...

Theo trang chủ của hội nghị, có 11 chủ đề thảo luận quan trọng năm 2019 được công bố, trong đó có thể kể tới một số vấn đề “nóng” như Brexit, các vấn đề liên quan hai nước Nga và Trung Quốc, tương lai của AI, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, tăng cường thăm dò không gian, an ninh mạng và sức mạnh của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… Đây đều là các chủ đề vĩ mô trực tiếp liên quan chính sách của các nhà lãnh đạo, cũng như ảnh hưởng cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới.

Đơn cử như tại hội nghị lần này, các nguyên thủ quốc gia sẽ thảo luận về giải pháp đối với tình trạng bạo lực phát tán qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội ở quy mô toàn cầu, trong khi các chế tài kiểm soát mới chỉ được đưa ra ở cấp quốc gia. Việc đánh giá tác động và trách nhiệm giảm thiểu các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, tình trạng nóng lên toàn cầu cũng sẽ được trao đổi tại các cuộc họp kín… Hội nghị Bilderberg là cơ hội để các nhà lãnh đạo thảo luận, tìm cách giải quyết các vấn đề vĩ mô, có tính cấp bách, trong khi vẫn chịu sự ràng buộc chặt chẽ và trách nhiệm đối với các vấn đề trong nước.

Theo tuyên bố của ông Józef Retinger, chính trị gia người Ba Lan và là một trong những nhà sáng lập “Nhóm Bilderberg”, thì: “Nhóm không phải là một cơ quan hoạch định chính sách, nên mục tiêu chính của chúng tôi là giải quyết những khó khăn giữa Tây Âu và Bắc Mỹ, để cải thiện mối quan hệ hợp tác của các bên, cùng nhau giải quyết những khó khăn giữa các nước châu Âu hoặc thậm chí một số quốc gia nhất định ngoài châu Âu. Sẽ rất khó để xác định những gì đạt được tại hội nghị, nhưng chúng tôi chắc chắn cung cấp một nơi gặp gỡ riêng biệt cho nhiều cá nhân có thẩm quyền trong các lĩnh vực cụ thể. Chúng tôi đã thấy rằng việc trao đổi quan điểm là rất hữu ích, đôi khi có thể tạo ra những ý tưởng mới, và theo cách đó, hội nghị có thể là nơi sản sinh ra nhiều sáng kiến”.

Trong những năm gần đây, số lượng chủ đề được thảo luận tại các lần hội nghị Bilderberg đã tăng lên để theo kịp tình hình thế giới. Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào xuất phát từ hội nghị năm nay vẫn tiếp tục được giữ bí mật hoàn toàn. Kết quả từ các cuộc thảo luận bí mật sẽ chỉ được thể hiện qua những thay đổi vĩ mô ở nhiều lĩnh vực trong những năm tới.