Hoàng đế mãn triều và “Hoàng triều Cương thổ”

Chính khách kiêm chính trị gia Trần Trọng Kim, người từng là Thủ tướng chính phủ thân Nhật, ví cái chính thể của Bảo Đại nằm trong Liên hiệp Pháp như là nằm trong “chiếc cũi chó”. Cách nói thô lỗ nhưng bản chất thì không sai. Trong 5 năm diễn vai hề lớn, nắm trong tay cái quyền trượng Hoàng đế - Quốc trưởng, Bảo Đại đã múa may những gì hay chỉ là vung vẩy chiếc “gậy nô lệ” trong cái “bị quyền năng” của các ông chủ Pháp?!...

Cảnh nghị sự phế truất Quốc trưởng Bảo Đại do Ngô Đình Diệm tổ chức tại Đà Lạt. Ảnh: TL
Cảnh nghị sự phế truất Quốc trưởng Bảo Đại do Ngô Đình Diệm tổ chức tại Đà Lạt. Ảnh: TL

Kỳ 5: Vị Quốc trưởng bị bỏ rơi

(Tiếp theo và hết)

Hình thành một thiết chế Văn phòng Quốc trưởng và đặt bộ máy chính tại “thủ đô Hoàng triều Cương thổ” là việc đầu tiên Bảo Đại làm trong những ngày đầu về lại Đà Lạt. Theo tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4: Văn phòng Quốc trưởng thành lập theo Sắc lệnh số 56-QT ngày 18-10-1949; gồm có Văn phòng Nội điện và Võ phòng Nội điện, Văn phòng và Võ phòng. Văn phòng Quốc trưởng do Đổng lý Văn phòng điều khiển. Đổng lý lúc này là Nguyễn Đệ, trực thuộc Quốc trưởng và chỉ chịu trách nhiệm với Quốc trưởng. Ngoài ra, còn có các Văn phòng Quốc trưởng tại Hà Nội, Sài Gòn do các Đặc vụ ủy viên phụ trách theo chỉ thị của Đổng lý Văn phòng. Vào năm 1950, Bảo Đại cho đặt thêm một Văn phòng Quốc trưởng tại Paris để thắt chặt mối quan hệ với Chính phủ Pháp, tính kế lâu dài…

Chính phủ Quốc gia Việt Nam, giai đoạn nửa năm đầu do tướng Nguyễn Văn Xuân tiếp tục giữ vai trò Thủ tướng dưới quyền Quốc trưởng cũng được sắp xếp theo cách của Bảo Đại. Những lâu la thân cận cựu hoàng (với sự chấp thuận của người Pháp), là những người đầu tiên chấp chính tại Hoàng triều và có mặt trong bộ máy Chính phủ. Tiếp nữa là các thân hào thuộc nhiều đảng phái, phe nhóm đã tìm đến chầu chực trước “sân rồng” hoặc gõ cửa biệt thự thứ phi Mộng Điệp, Đổng lý Nguyễn Đệ hoặc Thủ hiến Trung phần Phan Văn Giáo… để nài nỉ chút chức vị. Trước thực cảnh đó, Bảo Đại đã phải than vãn với đám cận thần: “Tôi cần có đến một chục ngàn ghế bộ trưởng mới đủ ban cho bao nhiêu người tỏ dạ trung thành”. Câu nói tự thán này cũng đã vạch trần nhân cách chính trị của Quốc trưởng và đám quan lại hầu cận. Một nhân vật thân với Cựu hoàng đã tóm tắt về tính cách Bảo Đại: Trong con người của ông ta có một phần Farouk, một phần Macchiavel và một phần Hamlet. (Farouk là một hoàng đế Ai Cập nổi tiếng ăn chơi, cờ bạc, bị dân chúng nổi lên lật đổ và đuổi ra khỏi nước. Macchiavel là một quân sư ác độc thời La Mã. Hamlet là hoàng tử Đan Mạch nổi tiếng trong vở kịch cùng tên của Shakespeare, đã giả điên giết kẻ chiếm ngôi vua cha)…

Mà thật ra thì ở vị trí đó, Bảo Đại có thể làm gì ngoài sự ám ảnh giày vò tự tạo lấy cho mình một uy quyền giả tạo, trong khi chính ông ta nhận thức rõ thân phận mình chỉ là chiếc bình sứ cho người khác cắm hoa?! Bảo Đại làm được gì trong một xã hội bất an đang có chiến tranh, một nền chính trị thối nát, trống rỗng, dưới sự chi phối hoàn toàn của người Pháp?! Chính Cựu hoàng phải cay đắng thốt lên với một ký giả phương Tây: “Chúng tôi bị chính trị quốc tế chi phối, bản thân chúng tôi có nghĩa gì đâu!?”. Biết rõ như vậy, nên ông ta cũng chả phải làm gì nhiều ngoài làm theo sự sắp đặt của người Pháp. 

Trong nội bộ Nam Kỳ thì thực lực của Bảo Đại còn thua xa nhiều “yếu nhân”, trong đó có mấy ông “tướng quốc gia” xuất thân giang hồ do đích thân Quốc trưởng gắn sao. Đó là tướng Bảy Viễn của quân Bình Xuyên, người nắm trong tay sòng bạc Đại Thế Giới, khu nhà chứa Vườn Lài, lò sát sinh Chánh Hưng, Công ty vận tải Nghĩa Hiệp và là ông chủ thật sự của Nhà băng Đông Dương. Đó là tướng Năm Lửa (Trần Văn Soái), người đứng đầu một vạn quân Hòa Hảo. Rồi thủ lĩnh Ba Cụt (chính danh là Lê Quang Vinh), Tổng tư lệnh quân đội Dân Xã mang danh “ủng hộ Cựu hoàng” nhưng thực chất là đang làm chủ cả vùng sông Hậu. Ngay các tướng như Trịnh Minh Thế cầm đầu quân đội Cao Đài hay Nguyễn Văn Hinh thống lĩnh Quân đội Quốc gia cũng có thực lực mạnh hơn Quốc trưởng. Các “tướng quốc gia” vừa kể trên chưa giúp gì Bảo Đại về việc “bảo vệ nền độc lập của giang sơn” nhưng cung ứng khá nhiều tiền bạc cho Quốc trưởng. Nói thêm về tiền bạc thì Bảo Đại còn lệ thuộc rất nhiều từ sự góp nhặt nhiều nguồn, trong đó nguồn chính là Pháp, của Thủ hiến Trung kỳ Phan Văn Giáo. Ông chủ hiệu thuốc “bảo hoàng” từng theo hầu phế đế lưu vong, nay với quyền lực bao trùm miền trung, trong đó có đất Huế đế đô, đã phát huy sự lợi hại triệt để. Với Bảo Đại, Giáo tận tâm phục vụ, với cả vai trò “nhà băng” lẫn “nhà chứa”…

Trong hoàn cảnh lệ thuộc cả từ ngoài vào trong, Bảo Đại biết làm gì khác ngoài việc bán chức tước, trao danh phận cho những kẻ quỳ gối dưới chân mình. Rồi còn những hưởng lạc vô độ trong sòng bạc, ngoài rừng săn và những “cung A phòng” nhuốm màu sắc dục…

Quy chế “độc lập” theo hiệp ước ngày 8-3-1949 ký kết ở điện Elysée dần dà biến Việt Nam thành một nước tân bảo hộ, đặt dưới quyền cai trị của Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Coste Florét và Cao ủy Pháp tại Đông Dương Leon Pignon. Bảo Đại phải chấp nhận từ thỏa hiệp này đến thỏa hiệp khác, ông ta cố gắng duy trì chế độ mang danh hiệu mình trở nên một thứ “chính phủ Nam Kỳ tự trị” mở rộng ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Đối với Việt Minh thì Bảo Đại thể hiện chống đối quyết liệt. Ông cựu cố vấn tối cao đào ngũ thừa hiểu số phận mình sẽ ra sao nếu Việt Minh chiến thắng; nhưng theo nhiều tài liệu, Bảo Đại ít khi bày tỏ hay nói năng gì nhiều về sự thù ghét Việt Minh. Ông Hoàng Trọng Miên, trong cuốn “Cựu hoàng Bảo Đại”, ghi: “Tất cả mong muốn của Cựu hoàng là sống yên ổn ở Đà Lạt, xa cách Chính phủ Quốc gia ở Sài Gòn. Mỗi lần phải xuống Sài Gòn ra mắt thiên hạ bên ngoài là một khổ hình đối với Bảo Đại. Trong các buổi lễ chính thức cần có sự hiện diện của Quốc trưởng, người ta để ý thấy Bảo Đại đứng trơ, không nói, không cười, thờ ơ, xa lạ”. Bảo Đại chỉ mong chóng xong phận sự để về lại “thủ đô Hoàng triều” để tận hưởng: “Trong không khí thái bình thịnh trị ở giang sơn riêng của Cựu hoàng, tiếng nút sâm banh nổ, tiếng cười rộn rã trong những bữa tiệc linh đình, những sòng bạc thâu đêm. Rồi các cuộc đi săn cọp trên lưng voi, đi câu cá ở suối của Cựu hoàng với thượng khách ngoại quốc, có người thiểu số xua mồi, có ngự lâm quân dàn hầu, có võ phòng tháp tùng, có nữ chiêu đãi viên nõn nường. Chừng như Đà Lạt là một cõi thiên đường hưởng lạc tách rời hẳn cảnh lầm than của một đất nước đang chiến tranh” (Cựu hoàng Bảo Đại, Hoàng Trọng Miên).

Hơn ai hết, Bảo Đại thừa hiểu cái bộ máy mà ông ta đang cầm gậy chỉ huy cũng chỉ là cái bóng bù nhìn của chính mình. Đến bây giờ nhìn lại, chính phủ giả hiệu, vô nghĩa ấy hiện lên giữa trang sử ngắn đất nước giống như một cái vòng xoay trên đèn kéo quân. Các đời “thủ tướng”: Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu…, lần lượt đuổi theo nhau cho đến ngày chiếc đèn cù ấy khô bấc, cạn dầu. 

Các nhân chứng kể lại, ở Đà Lạt thời thủ phủ của “Hoàng triều Cương thổ”, mỗi ngày sáng hay tối thường có đoàn công xa Ngự lâm quân dẫn đường và chiếc xe đen loáng cắm cờ Quốc trưởng chạy loăng quăng trên phố. Người dân suy đoán, có thể là Hoàng đế đang đến buổi “thiết triều” qua loa như những buổi diễn trò hợm hĩnh; có thể ghé Văn phòng để ký tá những văn bản không mấy hiệu lực; có thể dự một buổi lễ tân nói những câu làm đẹp lòng quan thầy và mị ngọt dân chúng. Nhưng những cái “có thể” nhất là Quốc trưởng đến sòng bạc làm vài ván bên bàn ru-lết; chuẩn bị cho một cuộc du hí, vào rừng săn thú lớn, câu cá hay ghé các biệt thự luôn có dàn mỹ nhân sẵn sàng đợi ơn mưa móc. Theo lời kể của nhiều cận thần, Bảo Đại có thể chán tất cả mọi thứ, kể cả quyền lực và gái đẹp, nhưng có hai trò tiêu khiển là niềm đam mê không có giới hạn của ông vua cuối cùng triều Nguyễn: làm một con bạc phấn khích trong sòng bạc và những cuộc lội suối, băng rừng săn bắn… 

Là một người nhạy cảm và giỏi giang cờ bạc, Quốc trưởng Bảo Đại đã manh nha biết rằng giấc mơ đế vương của mình đã đến hồi kết thúc, khi đoàn quân viễn chinh Pháp thua những trận lớn cuối cùng bởi sức mạnh như vũ bão của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Từ Đà Lạt, Bảo Đại đã ù ván bài cuối cùng trên bàn ru-lết chính trị là tự sắp xếp một cuộc ra đi khéo léo mà đích đến lại là Pháp quốc. Thực chất, đó là một cuộc tháo chạy. Trước khi đi, ông ta lừa dối quốc dân bằng một bản tuyên cáo với những hứa hẹn mơ hồ là đi tìm một giải pháp quốc tế cho Việt Nam. Tờ Tia Sáng (số 1946, thứ 4, ngày 14-4-1954) chạy nhan đề “Đức Quốc-trưởng Bảo-Đại tuyên cáo quốc-dân”, với nội dung: “Tôi qua lưu trú một thời gian ngắn bên Pháp, là nơi mà nền độc lập thực sự của nước nhà sẽ phát hiện. Đồng thời hai phái đoàn Việt - Pháp cũng đang thương thảo về một bản hiệp ước liên kết, xác định địa vị nước nhà đối với Liên hiệp Pháp và đảm bảo cho chúng ta khỏi bị cô lập trên trường quốc tế”. Nhưng chỉ mấy ngày sau, 26-4-1954, từ Paris, Bảo Đại đã phải dùng những lời lẽ chua chát trong một bức thư gửi người dân Việt Nam, ý nói là mình đã không thực hiện được ước mong tha thiết “mang độc lập về cho quê hương”. 

Thật cay đắng cho Bảo Đại, trong khi ông ta đang vừa chơi bài giải khuây, vừa “bảo vệ quyền lợi Việt Nam trên trường quốc tế” ở trên đất Pháp, thì tại miền nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm mà đứng sau là người Mỹ, đã tổ chức một cuộc kêu gọi “trưng cầu dân ý” phế truất Quốc trưởng. Một hậu kỳ bi thảm của “Hoàng triều Cương thổ” vẽ vời, của “Chính phủ quốc gia” mang danh nghĩa “độc lập”. Hoàng đế - Quốc trưởng bù nhìn lệ thuộc Pháp quốc đã bị loại ra khỏi vũ đài chính trị, bị bỏ rơi cho đến ngày tạ thế trên đất lạ, quê người vào năm 1997.

Một số tài liệu tham khảo:

- Eric T.Jenning: Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp. (Phạm Viễn Phương, Bùi Thanh Châu dịch; Trần Đức Tài hiệu đính. Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức, 2015).

- Nguyễn Hữu Tranh: Đà Lạt năm xưa. (NXB Trẻ, 2018).

- Bảo Đại: Con rồng Việt Nam. (Le Dragon d’Annam, NXB Plon, Pháp, 1990; Nguyễn Phước Tộc ấn hành, 1999).

- Hoàng Trọng Miên: Cựu hoàng Bảo Đại. (NXB Thời Đại, 2011).

- Nguyễn Vĩnh Nguyên: Đà Lạt bên dưới sương mù. (NXB Phụ Nữ, 2019)…