Hành trình trở thành “ông chủ” Nhà trắng

Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Joe Biden, đang chuẩn bị cho lễ nhậm chức dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20-1 tới, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp và tình hình an ninh thắt chặt ở Thủ đô Washington D.C. Để tới ngày đọc lời tuyên thệ chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Joe Biden đã trải qua một hành trình dài từ khi được bầu làm Thượng nghị sĩ (TNS) bang Delaware khi mới 30 tuổi, đánh dấu khởi đầu sự nghiệp chính trị của ông. 

Ông Joe Biden công bố liên danh tranh cử với Thượng nghị sĩ Kamala Harris hồi tháng 8-2020. Ảnh: ZUMA PRESS
Ông Joe Biden công bố liên danh tranh cử với Thượng nghị sĩ Kamala Harris hồi tháng 8-2020. Ảnh: ZUMA PRESS

Chính trị gia chuyên nghiệp

Tổng thống đắc cử Joe Biden (78 tuổi) được biết đến là một chính khách kỳ cựu, với thời gian hoạt động chính trị lâu dài. Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu từ khá sớm khi năm 1970 lúc 28 tuổi, ông được bầu vào Hội đồng hạt New Castle. Hai năm sau, ông tham gia cuộc đua giành ghế TNS đại diện bang Delaware tại Quốc hội Mỹ và trở thành TNS trẻ tuổi thứ sáu trong lịch sử nước Mỹ khi mới 30 tuổi, nắm giữ cương vị này suốt từ năm 1973 đến tháng 2-2009. Ông tham gia Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trong 10 năm, và từng đảm nhiệm cương vị chủ tịch cơ quan này.

Ông cũng là người có duyên nợ với Nhà trắng từ rất sớm khi quyết định tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1988, với tham vọng trở thành Tổng thống Mỹ trẻ nhất chỉ sau cựu Tổng thống John F.Kenedy, nhưng không thành. Phải đến 20 năm sau, khi đã có chỗ đứng và được công nhận là TNS có bề dày kinh nghiệm chính trường, ông Biden tham gia cuộc đua vào Nhà trắng một lần nữa. Song, trong cuộc bầu cử năm 2008, ông đã phải rút lui trước hai ứng cử viên mạnh khác của đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton và ông Barack Obama. Cuối cùng, ông Joe Biden đồng ý tham gia liên danh tranh cử cho vị trí Phó Tổng thống Mỹ với ông Obama và trở thành Phó Tổng thống Mỹ trong suốt tám năm (2008 - 2016).

Khởi động cho mùa bầu cử vừa qua, ông Biden công bố tham gia tranh cử vào tháng 4-2019, chậm hơn vài tháng so một số ứng cử viên đã bắt đầu chiến dịch từ cuối năm 2018. Trong đợt bầu cử sơ bộ vào nửa đầu năm 2020, đảng Dân chủ có tới gần 10 ứng cử viên, trong đó ông Biden phải cạnh tranh với hàng loạt cái tên nổi bật như TNS độc lập bang Vermont, Bernie Sanders; TNS Elizabeth Warren; tỷ phú quỹ đầu tư Tom Steyer hay tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg. Vòng bầu cử sơ bộ bắt đầu từ tháng 1-2020 và kéo dài tới tháng 6. Đây là giai đoạn các ứng cử viên phải “vật lộn” ở nội bộ đảng để giành quyền đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng ra tranh cử tổng thống. Các ứng cử viên vừa đa dạng về chủng tộc, giới tính, độ tuổi, bao gồm cả một ứng cử viên là người đồng tính, khiến cuộc đua của đảng Dân chủ hết sức quyết liệt, từ những tranh luận về quan điểm cấp tiến, chương trình chăm sóc sức khỏe được chính phủ tài trợ hoàn toàn “Medicare for All” đến vấn đề chống biến đổi khí hậu…

Do có quá nhiều nhân vật sáng giá cạnh tranh, nên ban đầu nhiều ý kiến cho rằng sự thể hiện của ông Biden còn khá mờ nhạt. Dù vậy, sau những khởi đầu không thuận lợi trong các cuộc họp kín và bầu sơ bộ của đảng Dân chủ, đến tháng 3-2020, ông Biden đã thật sự tăng tốc từ cuộc bầu cử sơ bộ tại bang South Carolina khi ông đã thắng đậm và vượt qua đối thủ hàng đầu là TNS Sanders. Trong ngày bầu cử “Siêu thứ ba” được xem là một dấu mốc quan trọng, ông đã giành chiến thắng tại 10 trong tổng số 14 bang, địa phương tiến hành bầu cử sơ bộ. Màn bứt phá mạnh mẽ của cựu Phó Tổng thống Biden đã củng cố vị thế của ông với tư cách là ứng cử viên Dân chủ được ưa thích nhất đối với cử tri Mỹ gốc Phi. Nhờ vậy, ông đã giành tấm vé trở thành đại diện chính thức để tham gia cuộc đua vào Nhà trắng.

Với 40 năm kinh nghiệm hoạt động chính trị, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 8-2020 đã đề cử ông làm ứng cử viên đại diện cho đảng này tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Ông Biden được đảng Dân chủ lựa chọn do cách tiếp cận ôn hòa và sự ủng hộ của khá đông cử tri da mầu, yếu tố có thể giúp ông giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống Donald Trump. Tại phiên tranh luận trực tiếp trên truyền hình, ông Joe Biden cũng liên tục chĩa mũi dùi vào cách thức mà chính quyền của Tổng thống Trump ứng phó với đại dịch Covid-19 và vấn đề phân biệt chủng tộc vốn không được lòng dân chúng.

Ông Biden cũng đã cam kết chọn một phụ nữ da mầu vào vị trí liên danh tranh cử Phó Tổng thống. Sau rất nhiều cân nhắc, ông đã quyết định chọn TNS Kamala Harris, nữ chính khách mang hai dòng máu Jamaica và Ấn Độ, làm người đồng hành trong cuộc chạy đua với hai đối thủ của đảng Cộng hòa là đương kim Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence. Trong cuộc đua vô cùng quyết liệt và gay cấn đến từng phút, kết quả cuối cùng cho thấy cử tri Mỹ đã đặt niềm tin vào liên danh tranh cử phía đảng Dân chủ.

Kịch tính đến phút chót

Sau ngày bỏ phiếu bầu 3-11-2020 vừa qua, vẫn còn nhiều vướng mắc, nghi kị liên quan cuộc bầu cử khiến cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa có động thái chính thức ăn mừng sớm hay nhận thất bại như những lần bầu cử trước. Dù kết quả sơ bộ tại các bang cho thấy cựu Phó Tổng thống Biden đã giành chiến thắng trước ông Donald Trump, nhưng ngày 9-11, Tổng thống Trump đã ra tuyên bố phản đối cách truyền thông đưa tin về kết quả bầu cử. Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Trump cho rằng chưa đủ căn cứ để kết luận ai là Tổng thống Mỹ kế tiếp. Đồng thời, ông Trump và các cộng sự cũng thông báo khởi động tiến trình pháp lý nhằm khiếu nại kết quả bầu cử với cáo buộc có gian lận khi kiểm phiếu.

Ngoài ra, do kết quả chính thức về số phiếu đại cử tri chưa ngã ngũ, nên vài tuần sau ngày có kết quả bầu cử, cả Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn liên tục tham gia vận động tranh cử cho các ứng cử viên của đảng mình trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện tại các bang. Những cuộc bầu cử địa phương cũng hết sức quan trọng nhằm xác định đảng nào nắm quyền kiểm soát Thượng viện trong hai năm tới. Tổng thống Trump cũng hy vọng tiếp tục duy trì thế đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện để có thể gây khó dễ cho các chương trình nghị sự của chính quyền kế nhiệm.

Tuy vậy, cuối cùng ông Biden đã đạt mục tiêu là chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Thượng viện, qua đó giúp phe Dân chủ kiểm soát Quốc hội lưỡng viện Mỹ. Đồng thời, tại phiên họp vào ngày 7-1, Quốc hội lưỡng viện cũng xác nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri đoàn của các bang, với kết quả cho thấy ông Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3-11-2020. Qua đó, ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 và là nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất nước Mỹ, khi đắc cử ở tuổi 78. Lễ nhậm chức của ông Joe Biden dự kiến diễn ra vào ngày 20-1 và sẽ được tổ chức đơn giản với khuyến cáo người dân không tụ tập quá đông đề phòng dịch lây lan. Theo ban tổ chức, năm nay quy mô của lễ nhậm chức sẽ “cực kỳ hạn chế” và kêu gọi người Mỹ tránh đến Thủ đô.

Do nhiều diễn biến bất ngờ và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cuộc đua vào Nhà trắng vừa qua trở thành sự kiện “vô tiền khoáng hậu”. Trước mắt, Tổng thống đắc cử phải đối mặt hàng loạt khó khăn do nước Mỹ đang chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước, tình trạng bất ổn an ninh leo thang và dịch Covid-19.