Giải pháp nào cho thương mại truyền thống?

Cuối tháng 9 vừa qua, hãng bán lẻ Forever 21 (F21) đã chính thức đệ đơn xin phá sản tại Mỹ. Sự sụp đổ của chuỗi cửa hàng thời trang có tuổi đời gần bốn thập niên này, cùng một số thương hiệu nổi tiếng khác trên thế giới thời gian qua, thêm một lần nữa khẳng định khó khăn mà các trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ đang phải đối mặt trong bối cảnh mua sắm trực tuyến lên ngôi.

Chuỗi bán lẻ Forever 21 đã phải đóng hàng nghìn cửa hàng trên toàn cầu. Ảnh: THE STAR
Chuỗi bán lẻ Forever 21 đã phải đóng hàng nghìn cửa hàng trên toàn cầu. Ảnh: THE STAR

“Cuộc chiến” khó khăn

Sau thời gian dài vật lộn với những khoản nợ và chi phí mặt bằng cao, ngày 29-9 vừa qua, hãng bán lẻ F21 đã đệ đơn xin phá sản theo Luật Phá sản Mỹ. Và hãng này sẽ đóng cửa hơn 300 trên tổng số khoảng 800 cửa hàng của mình trên khắp thế giới. Riêng tại Mỹ - thị trường lớn nhất của chuỗi bán lẻ thời trang này, 178 cửa hàng phải ngừng hoạt động. Trước đó, ngày 23-9, Tập đoàn lữ hành Thomas Cook (Anh) tuyên bố phá sản, kéo theo việc hàng trăm nghìn hành khách sử dụng dịch vụ của hãng này có nguy cơ mắc kẹt tại nước ngoài. Quyết định trên khiến mọi hoạt động của nhà điều hành tour du lịch có tuổi đời 178 năm này phải ngừng lại, mọi công ty du lịch trực thuộc tập đoàn trên toàn cầu phải đóng cửa, các máy bay của họ không được cất cánh và toàn bộ 22.000 nhân viên của Thomas Cook phải nghỉ việc.

Cách đây một năm, tháng 10-2018, Sears - “đế chế” bán lẻ được mệnh danh là “từng làm thay đổi cả nước Mỹ” cũng đệ đơn xin phá sản, sau nhiều thập niên “thoi thóp” do doanh số bán hàng sụt giảm thảm hại. Theo CNN, khoản nợ 134 triệu USD tới hạn ngày 15-10 mà Sears không thể trả là “giọt nước tràn ly” dẫn tới quyết định xin phá sản của hãng bán lẻ ra đời từ cuối thế kỷ 19 này. Từng là hãng bán lẻ lớn nhất tại Mỹ, song Sears cũng không thể đứng ngoài danh sách cùng hàng chục hãng khác tuyên bố phá sản trong kỷ nguyên thương mại điện tử lên ngôi. Trong 5 năm qua, ngoài Sears, còn có Wet Seal, American Apparel,… đều là hãng bán lẻ nổi tiếng phải tuyên bố phá sản và đóng cửa nhiều cửa hàng.

Theo Phó Chủ tịch điều hành của F21 Linda Chang, sự thay đổi nhanh chóng của công nghiệp bán lẻ, cộng với sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã khiến doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo tờ The New York Times, sự phát triển mạnh mẽ của internet là một trong những lý do chính khiến Thomas Cook phải đóng cửa. Theo ông Tim Davis, Giám đốc quản lý của hãng tư vấn kinh doanh du lịch Pace Dimensions, kinh doanh tour du lịch lâu nay đã tập trung vào nền tảng trực tuyến. Thị trường nghỉ mát trọn gói đang dần thu hẹp vì du khách có thể thoải mái lựa chọn nhiều hạng mục cho kỳ nghỉ. Song, Thomas Cook lại có vẻ nằm ngoài xu hướng này. Cho đến khi đóng cửa, Thomas Cook vẫn sở hữu hơn 600 văn phòng, trụ sở được đặt trên các tuyến phố thương mại, thuộc các đô thị trên khắp nước Anh.

Số liệu từ hãng tư vấn bán lẻ và công nghệ Mỹ Coresight Research cho thấy, từ đầu năm đến nay, các hãng bán lẻ Mỹ đã phải đóng cửa khoảng 8.200 cửa hàng, nhiều hơn 2.600 cơ sở so số lượng của năm 2018. Payless ShoeSource và Gymboree, hai hãng bán lẻ cũng của Mỹ, đều đã đệ đơn xin phá sản lần thứ hai, đóng cửa tổng cộng gần 3.000 cửa hàng. Theo dự báo của Coresight Research, số lượng cửa hàng bán lẻ truyền thống bị đóng cửa có thể lên tới 12.000 cơ sở vào cuối năm 2019.

Tạp chí Entrepreneur dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho thấy, doanh số thương mại điện tử toàn cầu sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, đạt mức 3.453 tỷ USD trong năm 2019. Trong bối cảnh doanh số của ngành thương mại điện tử liên tục tăng trưởng, người mua hàng online ngày càng chịu chi hơn khi mua sắm. Theo Ecommerce Foundation, nếu vào năm 2016, khoản tiền trung bình của việc mua sắm trên các trang thương mại điện tử là 1.228 USD/người/năm, thì đến năm 2017, con số đó là 1.425 USD, tăng 7,4% so mức của năm 2016.

Phần lớn các nền tảng mạng xã hội ngày nay đều tích hợp dịch vụ mua hàng trực tuyến. Một số ứng dụng trước đây chỉ chuyên về ảnh hay nhắn tin, nay cũng có tính năng tương tự để đưa khách hàng đến website của các doanh nghiệp, giúp tối ưu hóa quá trình bán hàng. Đặc biệt, với sự trợ giúp của môi trường giả lập, như thực tế ảo (VR) hay thực tế ảo phức hợp (AR), người mua hàng không chỉ được xem hình ảnh, video mà còn có thể quan sát, ướm thử sản phẩm ở nhiều góc độ khác nhau... Những xu hướng này khiến các chuỗi bán lẻ theo phương thức thương mại truyền thống ngày càng mất khách, dẫn đến phá sản.

Đâu là lối thoát?

Giải pháp đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ là bước đi cần thiết của nhiều lãnh đạo công ty nhằm bảo đảm tương lai của doanh nghiệp. Theo Phó Chủ tịch điều hành của F21 Linda Chang, việc đệ đơn phá sản là quyết định quan trọng, cho phép F21 tái cơ cấu tổ chức và định vị lại thương hiệu. Còn Eddie Lampert, Chủ tịch của hãng Sears, trong thông cáo ngày 15-10-2018 cho biết quá trình phá sản sẽ cho phép công ty giảm nợ, giảm chi phí và trở thành hãng bán lẻ cạnh tranh hơn.

Thực tế, để phục hồi và phát triển, theo giới chuyên gia, thì dù không muốn, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống (ít hoặc không sử dụng các dịch vụ quảng bá, bán hàng online…) cần bắt kịp xu hướng mua sắm vốn thay đổi hằng ngày, tập trung phát triển kênh quảng bá và mua bán online. Một bài viết đăng trên tờ Inside Retail Asia đã chỉ rõ những xu hướng thương mại điện tử đáng chú ý thời gian tới, qua đó có thể hình dung về những khó khăn mà thương mại truyền thống phải đối mặt, song cũng gợi ý những “lối thoát” dành cho các doanh nghiệp. Tác giả bài viết khẳng định, điểm khác biệt lớn nhất giữa thương mại truyền thống (bán lẻ ngoại tuyến) và thương mại điện tử (trực tuyến) là khả năng theo dõi, thu nhập, quản lý thông tin khách hàng. Với những kênh trực tuyến, các nhãn hàng có thể thu thập thông tin khách hàng thông qua hình thức giải đáp thắc mắc, tư vấn bán hàng trên mạng xã hội hoặc website. Về vấn đề này, GS Srikant M. Datar thuộc trường Harvard Business School nhận xét, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện nay vẫn xem nhẹ việc thu thập dữ liệu khách hàng.

Cũng theo tác giả, một xu hướng nữa mà các nhà bán lẻ truyền thống cần nắm vững, đó là sử dụng và tối ưu hóa mạng xã hội thương mại điện tử. Số lượng khách hàng mục tiêu ngày càng tăng trên các trang mạng xã hội đã khiến các công ty nhận ra đây là một kênh bán hàng mới. Nhiều thương hiệu lớn, trong đó có L’Oreal, cũng đã tích hợp tính năng mua bán vào trang mạng xã hội của họ để người tiêu dùng có thể qua đó mua hàng trực tiếp. Các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống cũng được gợi ý phải để tâm đến việc bổ sung nhiều dịch vụ mới nhằm thu hút khách hàng. Thí dụ, Alibaba gần như không có đối thủ nhờ hệ sinh thái rộng khắp, bao gồm cả dịch vụ mua sắm, vận chuyển và thanh toán. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần sản xuất nội dung nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn, đồng thời khuyến khích người dùng đánh giá chất lượng sản phẩm của mình.

Ngoài các phương cách trên, xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu cũng là một nhiệm vụ mà các doanh nghiệp cần tập trung. Phương thức tiếp thị trực tiếp đang ngày càng trở nên quan trọng để đạt được mục tiêu trên. Một xu hướng được nhiều nhãn hàng sử dụng để triển khai chiến lược tiếp thị trực tiếp là đẩy mạnh những gói đăng ký mua sắm trực tuyến, mang đến cho khách hàng sự thuận tiện và một mức giá có lợi.

Sử dụng internet để quảng bá, thúc đẩy giao thương đang là những giải pháp mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, các chuỗi cửa hàng bán lẻ truyền thống cũng cần cân bằng giữa bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến, biết cách tận dụng những lợi thế mà cửa hàng truyền thống và cửa hàng online mang lại. Thực tế, những “ông lớn” trong mảng bán hàng trực tuyến như Amazon hoặc Alibaba đều đang tìm cách mở thêm cửa hàng với mô hình truyền thống. Một trong những lý do được đưa ra, đó là dữ liệu có thể cho biết mặt hàng nào đang bán chạy, nhưng thông qua cửa hàng truyền thống, chúng ta sẽ biết thêm thói quen mua sắm của khách hàng, và quan trọng hơn là vì sao mặt hàng khác lại kém thu hút?