Giải pháp chống tin giả

Giới chức Nga vừa thông qua điều luật áp dụng hình phạt nghiêm ngặt hơn với những người truyền bá tin giả về dịch bệnh, với hình phạt có thể lên tới 5 năm tù. Chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp và quyết liệt nhằm hạn chế những thiệt hại không đáng có do tin giả về dịch bệnh gây ra, như các biện pháp tự chữa trị thay vì đi đến các cơ sở y tế, hay “thuyết âm mưu” về nguồn gốc virus…

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Mạnh tay chống thông tin thất thiệt

Ngày 3-4 vừa qua, chính quyền thành phố St.Petersburg (Nga) đã khởi tố vụ án hình sự đầu tiên về phát tán thông tin sai lệch liên quan dịch Covid-19. Theo hãng tin TASS, sau khi một đoạn tin nói về một người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại một trong những bệnh viện của quận Kurortny ở St.Petersburg được đưa về nhà bằng phương tiện giao thông công cộng được đăng tải trên mạng xã hội Vkontakte của Nga và phát tán, đã nhanh chóng gây hoang mang trong cộng đồng, khiến cho nhiều người lo lắng. Và tòa án đã thông qua quyết định truy tố người tung tin là Anna Shushpanova, một trong những thành viên ủy ban bầu cử khu vực.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành các sửa đổi Luật Vi phạm hành chính (CAO), theo đó sẽ phạt tiền 10 triệu rubble (khoảng 126 nghìn USD) hoặc tối đa 5 năm tù đối với các trường hợp phát tán tin giả qua các phương tiện truyền thông hay internet và đe dọa tính mạng con người trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành. Theo luật hình sự sửa đổi này, cá nhân hoặc tổ chức phát tán những thông tin thất thiệt sẽ bị phạt từ 1,5 - 3 triệu rubble. Nếu việc phát tán thông tin khiến cho một người thiệt mạng hoặc “gây tổn hại tới sức khỏe hay tài sản, làm gián đoạn nghiêm trọng trật tự hoặc an ninh công cộng, hủy hoại các cơ sở hỗ trợ cuộc sống hay cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp hoặc thông tin liên lạc, mức phạt sẽ tăng lên 5 triệu rubble”. Trường hợp vi phạm nhiều lần, pháp nhân sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu rubble.

Chính phủ Nga cũng triển khai một loạt các biện pháp mạnh khác nhằm chống lại nạn tin giả liên quan dịch Covid-19, bao gồm thành lập một ban chống tin giả thuộc lực lượng chống dịch bệnh. Ngoài ra, một đội ngũ nhân viên thuộc Ủy ban điều tra Nga cũng được huy động nhằm truy lùng những đối tượng tung tin giả, tin đồn thất thiệt. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật Nga mạnh tay với những cá nhân hay cơ quan truyền thông phát tán tin giả hay tin đồn thất thiệt là cần thiết, bởi những thông tin này gây hoang mang dư luận. Hạ viện Nga cũng đã thông qua dự luật cho phép nhà chức trách bỏ tù bất kỳ ai phớt lờ quy định về kiểm dịch. Theo đó, người dân nào không tuân thủ quy định kiểm dịch của chính phủ sẽ phải nhận mức án tù cao nhất lên đến bảy năm, cùng mức phạt tiền có thể lên tới hai triệu ruble (25 nghìn USD).

Trên thế giới, nhiều nước như Ai Cập, Azerbaijan, Iran, Philippines và Singapore,… cũng đã thực hiện các biện pháp quyết liệt chống tin giả trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chính phủ Nam Phi vừa đưa ra cảnh báo bất cứ ai tạo ra hoặc truyền bá tin giả về dịch Covid-19 đều có thể bị truy tố. Trong khi đó, giới chức Anh đã thành lập lực lượng xử lý tin giả và những người can thiệp các nỗ lực chống dịch bệnh. Chính quyền London cho biết, lập đội chống tin giả để xác định quy mô và tác động của các thông tin giả mạo hoặc bị bóp méo nhằm vào những người đang thiếu thông tin “vì mục đích gây hại cho họ, hoặc nhằm đạt mục đích chính trị, cá nhân hoặc tài chính”. Theo đó, giới chức nước này khẳng định bảo vệ đất nước khỏi tin giả trên không gian mạng là một ưu tiên hàng đầu. Công việc này bao gồm việc quản lý các cơ quan truyền thông xã hội, qua đó giám sát sự can dự của các cá nhân hoặc tổ chức phát tán tin giả, cũng như hạn chế sự lan truyền của tin thất thiệt.

Thời gian qua, thông tin sai sự thật đã xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội, làm gia tăng tâm lý sợ hãi, trong nhiều trường hợp gây tình trạng hỗn loạn, bất ổn, dẫn tới nhiều phản ứng quá khích. Thực trạng đáng báo động này đã buộc chính phủ nhiều nước, các tập đoàn công nghệ cũng như các hãng truyền thông trên thế giới phải cấp tốc đưa ra các biện pháp ngăn chặn tin giả mạo, thất thiệt, tích cực đăng tải thông tin chính thống, tin cậy nhằm dập tắt những đồn đoán vô căn cứ gây hoang mang.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trước thực trạng tin giả phát tán tràn lan, chủ yếu trên các mạng xã hội, nhiều tập đoàn công nghệ như Microsoft, Facebook, Google, Twitter,… đã cùng nhau hợp tác để dập tắt thông tin sai lệch liên quan đại dịch Covid-19 trên các nền tảng này. Ngoài ra, ba công ty công nghệ là LinkedIn, Reddit và YouTube cũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan y tế chính phủ các nước trên toàn cầu để chia sẻ cập nhật tin quan trọng về sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trước đó, hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ là Google cũng đã phối hợp với Chính phủ Mỹ phát triển một trang web chuyên cung cấp thông tin về dịch bệnh, cách phòng ngừa và nguồn lực phòng, chống dịch trên cả nước. Phiên bản đầu tiên của trang web được chính thức công bố ngày 16-3 vừa qua. Google cũng dỡ bỏ những thông tin giả mạo về đại dịch Covid-19 trên các trang thuộc sở hữu của hãng như YouTube, Google Maps và các nền tảng khác để bảo vệ cộng đồng trước thông tin chưa được kiểm chứng.

Trong khi đó, công ty chủ quản của mạng xã hội Facebook là Facebook Inc. thông báo cấm các quảng cáo sai lệch về sản phẩm chữa trị hoặc phòng ngừa bệnh Covid-19 và gây tâm lý lo lắng trong cộng đồng. Hãng đã siết chặt quy định về các nội dung đăng tải trên nền tảng của mình, đặc biệt là những bài đăng có nội dung cổ súy, tuyên truyền cho tư tưởng cực đoan cũng như tung tin thất thiệt, phát tán tin giả mạo. Theo Facebook, các quảng cáo kiểu như “khẩu trang bảo đảm ngăn chặn được 100% virus” sẽ không được phép xuất hiện trên nền tảng này.

Trước mối đe dọa nổi lên từ các video deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo - AI, để tạo ra các video rất giống thật nhưng hoàn toàn bịa đặt), YouTube cũng quyết định xóa bất kỳ nội dung nào được chỉnh sửa về kỹ thuật “có thể tạo ra nguy cơ nghiêm trọng gây tổn thương lớn” và các video dàn dựng với mục đích tiêu cực. Trang mạng xã hội TikTok của Trung Quốc cũng thông báo cấm thông tin gây sai lạc.

Các chuyên gia khuyến nghị, những lời đồn thổi, thêu dệt và thông tin giả mạo, bịa đặt trên phương tiện truyền thông đại chúng về dịch Covid-19 cũng được xem như một loại “virus” nguy hiểm cho cộng đồng. Nhất là, khi kết nối internet phổ biến như hiện nay thì tác động của tin giả càng trở nên nghiêm trọng, bởi người dùng quá dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin không chính thống. Vì vậy, việc chống tin giả không chỉ từ phía các chính phủ, tập đoàn công nghệ và các hãng truyền thông mà còn cần sự chung tay từ phía cộng đồng, người dân mọi quốc gia.

Trong bối cảnh thế giới nhiễu loạn nhiều nguồn thông tin, việc phối hợp chặt chẽ để bảo đảm có thể truyền bá thông tin quan trọng đến các cộng đồng và hạn chế tính độc hại của thông tin càng trở nên quan trọng. Đây không phải là hạn chế quyền tự do thông tin, mà trên thực tế là biện pháp cần thiết vì sự an toàn của chính người dân.