Đức tính giản dị và khiêm nhường của Bác Hồ

Đức tính khiêm nhường, tác phong giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những điều chúng ta đang học tập và làm theo từ tấm gương của Người. Không chỉ với người dân Việt Nam, những phẩm chất đó ở Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gây ấn tượng đặc biệt sâu sắc với các bạn bè, đồng chí quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người, chúng tôi giới thiệu một số hồi ức của những người Nga đã có dịp tiếp xúc trực tiếp với Bác.

Lán Nà Nưa, Khu di tích Tân Trào (Tuyên Quang) là điểm du lịch hấp dẫn du khách tham quan. Ảnh: CTV
Lán Nà Nưa, Khu di tích Tân Trào (Tuyên Quang) là điểm du lịch hấp dẫn du khách tham quan. Ảnh: CTV

1. Roman Cacmen, đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của Liên Xô (trước đây), là một trong những người đầu tiên làm phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vùng giải phóng Việt Bắc năm 1954, cũng là người đã quay bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” và được tặng Giải thưởng Lenin về điện ảnh năm 1960. Ông viết về ấn tượng của mình trong lần gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có những cuộc gặp đã ghi lại trong ký ức suốt một đời người những dấu ấn không gì sánh nổi. Đó là cuộc gặp gỡ của chúng tôi với đồng chí Hồ Chí Minh”.

Chúng tôi men theo một con đường mòn hẹp, một vực thẳm, bên dưới có tiếng thác lũ vang lên. Rồi chúng tôi đi sâu vào một khu rừng tre, rừng cọ và chuối dại… Bỗng nhiên, chúng tôi nhìn thấy một cái lều tre. Trên bậc thềm, một người trong bộ quần áo nông dân tiến lại gần.

Nếu như mấy ngày trước đó chúng tôi gặp đồng chí Hồ Chí Minh trên đường đi, trên cánh đồng, hẳn chúng tôi nghĩ đó là một người nông dân bình thường. Chúng tôi chỉ được làm quen với khuôn mặt gầy gò, chòm râu bạc và nụ cười hiền hậu thân quen của Người qua các bức ảnh chân dung.

“Chào các đồng chí! Các đồng chí có khỏe không?”. Người hồ hởi đưa cả hai tay ra đón và mời chúng tôi vào mái lều tre của mình. Chúng tôi ngồi xuống bên chiếc bàn ghép bằng các ván gỗ. Phe phẩy chiếc quạt làm bằng lá cọ, ngay những lời đầu tiên của buổi nói chuyện đã xua tan cảm giác căng thẳng và hồi hộp mà khi tới đây chúng tôi nghĩ sẽ là một cuộc gặp mặt quan trọng với một chiến sĩ cách mạng huyền thoại của Đông Dương: Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ở đây, trong thung lũng Chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã trải qua tám năm của cuộc chiến tranh khốc liệt, những cuộc hành quân, những ngày làm việc căng thẳng. Nhưng không một khó khăn gian khổ nào, không một hiểm nguy, thiếu thốn nào có thể làm nản lòng một con người nguyện cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì tự do hạnh phúc của nhân dân mình. Vào năm thứ tám của cuộc kháng chiến, Người đã 64 tuổi, nhưng trước mắt chúng tôi là một con người vẫn tràn đầy sinh lực. Trên gương mặt gầy gò, sạm nắng và vầng trán thanh cao chưa hề có những nếp nhăn. Người luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt rạng ngời, tinh anh. Đôi lúc, trên đôi mắt hiền hậu đó thoảng một nét ưu tư. Đó là khi Người nhắc đến những nỗi thống khổ về những hy sinh, mất mát của nhân dân và về sự tàn bạo của kẻ địch. Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn có một ước ao cháy bỏng là Việt Nam sẽ giành được tự do và độc lập trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho mục tiêu của cuộc đấu tranh này.

“Mái nhà tre của Hồ Chí Minh trông không khác gì hàng nghìn ngôi nhà của những người nông dân Việt Nam. Khác chăng chỉ là trong ngôi nhà đó, ngôi nhà mà lúc tới thăm được gọi là “Phủ Chủ tịch”, có hai tầng. Tầng dưới bậc thềm là phòng làm việc, tầng phía trên là phòng nghỉ. Trên bàn làm việc có một chồng báo mới, chiếc máy chữ nhỏ xách tay Người thường dùng để viết báo, tài liệu, những lời kêu gọi nhân dân và quân đội, rất nhiều sách… Trên tầng hai trải một chiếc chiếu, có một số vật dụng đơn sơ và một chiếc vali đã cũ. Trong góc phòng có con mèo vàng cuộn tròn với ba con mèo con. Bao bọc chung quanh ngôi nhà tre của Chủ tịch là những khóm tre, cây cọ, một không gian thanh bình với những tiếng chim hót và tiếng suối chảy róc rách.

Chúng tôi không thể tả xiết sự ngạc nhiên của mình khi nhìn thấy ngôi nhà lá đơn sơ và cuộc sống bình dị của Người.

Hồ Chí Minh là người rất giản dị và khiêm nhường. Từ chối không cần có thư ký riêng, Người tự đọc qua tất cả các thư tín gửi đến, tự phúc đáp, tự đánh máy các bài viết của mình. Người thường có những buổi đi bộ dài ngày, xuống núi, đơn giản chỉ để gặp gỡ trò chuyện với những người nông dân trong các bản làng, trên các cánh đồng lúa”(1).

2. Ông Raxit Khimidulin là phiên dịch chính tiếng Việt của Bộ Ngoại giao Liên Xô trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Từ năm 1990 đến 1996, ông là Đại sứ Liên Xô, sau là Đại sứ Cộng hòa Liên bang Nga tại Việt Nam. Ông nhớ lại:

“Về đức tính khiêm tốn đến khó tin và sự giản dị chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đều biết rất rõ. Điều đó được thể hiện trong sinh hoạt đời thường, trong khi tiếp xúc với mọi người. Người không thích được ca tụng, cũng không thích vẻ hào nhoáng bề ngoài… Câu chuyện sau đây là một minh chứng:

Đầu năm 1965, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Lenin nhân dịp Người tròn 75 tuổi. Qua Đại sứ Liên Xô, Người biết được điều này. Bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự đánh giá cao công lao của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng giải thích rõ rằng: “Lúc này, khi giặc Mỹ đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, khi đất nước đang còn bị chia cắt, tôi cảm thấy không yên lòng khi được nhận phần thưởng cao quý đó. Khi nào giành được thắng lợi, Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn thống nhất, tôi sẽ nhắc nhở những người bạn Xô-viết về quyết định trao Huân chương Lenin cho mình”.

Rõ ràng là việc làm đó của Chủ tịch đã khiến cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nơi đề xuất ý tưởng về phần thưởng cảm thấy khó hiểu. Một trợ lý cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã gọi điện đến Bộ Ngoại giao để hỏi tôi, thậm chí yêu cầu giải thích về lời từ chối không mong đợi này. Tôi đã trả lời rằng: “Theo tôi, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rất rõ quan điểm của mình. Cá nhân tôi thấy quan điểm đó của Người là hoàn toàn có cơ sở và không những đáng trân trọng mà còn đáng ca ngợi”(2).

1 Người Nga nói về Hồ Chí Minh - NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010, tr. 22 - 23; tr. 29.

2 Người Nga nói về Hồ Chí Minh - Sđd, tr. 58 - 59.