Cuộc đua quân sự hóa vũ trụ

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết đã phê chuẩn việc thành lập Bộ Chỉ huy Lực lượng Vũ trụ để tăng cường khả năng phòng thủ không gian của Pháp. Động thái mới nhất của giới chức nước này cho thấy cuộc chạy đua quân sự hóa vũ trụ ngày càng diễn ra mạnh mẽ, sau hàng loạt những hành động tăng cường thiết bị quân sự ngoài không gian của các cường quốc trên thế giới thời gian qua.

Tổng thống Pháp Macron (phải) tham quan một trung tâm vũ trụ ở châu Âu. Ảnh: ESA
Tổng thống Pháp Macron (phải) tham quan một trung tâm vũ trụ ở châu Âu. Ảnh: ESA

Tham vọng của chính phủ ở “đất nước hình lục lăng”

Theo AFP, một ngày trước lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp (14-7), phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt ở Thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ đã thông qua kế hoạch thành lập Bộ Chỉ huy Lực lượng Vũ trụ trực thuộc Không quân Pháp. Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Để bảo đảm sự phát triển và củng cố hoạt động trong không gian, chúng ta sẽ thành lập lực lượng vũ trụ vào tháng 9 tới”. Sau khi Bộ Chỉ huy Lực lượng Vũ trụ ra đời, lực lượng Không quân Pháp sẽ được đổi tên thành Quân chủng Không quân và Vũ trụ.

Tổng thống Pháp cho biết, việc thành lập lực lượng vũ trụ là một phần trong học thuyết quân sự và không gian mới do Bộ Quốc phòng nước này đề xuất, đồng thời cho rằng việc tái điều chỉnh trọng tâm quân sự vào lĩnh vực không gian là hướng đi đúng đắn nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. “Bộ Chỉ huy Lực lượng Vũ trụ ra đời sẽ giúp chúng ta tăng cường sự hiểu biết về không gian, bảo vệ các vệ tinh của chúng ta một cách tốt hơn”, Tổng thống Pháp khẳng định. Tuy nhiên, ông Macron cho biết, hiện Chính phủ Pháp vẫn chưa quyết định mức kinh phí sẽ đầu tư cho lực lượng mới.

Quyết định của Tổng thống Pháp đưa ra là không quá bất ngờ. Trước đó, hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly từng cam kết nước này sẽ tăng cường khả năng tự chủ không gian chiến lược trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các cường quốc khác, trong bối cảnh một cuộc đua “quân sự hóa vũ trụ” đang diễn ra. Pháp cũng dự định chi 4,06 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng giai đoạn 2019-2025 để đầu tư phát triển các hoạt động không gian và đổi mới vệ tinh. Tại Triển lãm Hàng không Paris hồi tháng trước, Bộ trưởng Parly tuyên bố Pháp đang nghiên cứu các vệ tinh quân sự thế hệ mới. Nguồn ngân sách kể trên sẽ được sử dụng để phóng ba vệ tinh giám sát từ tính và hiện đại hóa radar giám sát.

Đầu năm nay, Giám đốc Cơ quan Không gian Vũ trụ Pháp (CNES) Jean-Yves Le Gall đã khẳng định mục tiêu hàng đầu của Pháp là phát triển các nghiên cứu trong vũ trụ, và CNES đang chờ đợi quyết định chiến lược của Tổng thống Macron về việc thành lập “lực lượng không gian vũ trụ”.

Chạy đua mạnh mẽ

Theo Le Figaro, tuyên bố thành lập Bộ Chỉ huy Lực lượng Vũ trụ được ông Macron đưa ra trong bối cảnh các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nga đang ngày càng chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này. Mới đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, có thể công nhận vũ trụ là một trong những lĩnh vực thúc đẩy chạy đua quân sự giữa các nước lớn từ năm nay.

Bước đi quân sự mới của Pháp được cho là có nét tương đồng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm vừa qua. Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch thành lập lực lượng vũ trụ với tư cách là quân chủng thứ sáu của quân đội nước này. Đầu năm nay, ông Trump đã ký sắc lệnh chỉ đạo Lầu năm góc thành lập Lực lượng Không gian Mỹ và tiếp đó chỉ định tướng John Raymond làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Vũ trụ của Mỹ. Theo ông chủ Nhà trắng, vũ trụ là một “chiến trường” quan trọng không kém cục diện quân sự trên bộ, trên không và trên biển.

Để theo đuổi tham vọng quân sự hóa vũ trụ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn khoản ngân sách 72,4 triệu USD để phục vụ hoạt động của 200 nhân viên thuộc Lực lượng Không gian Mỹ trong năm đầu tiên hoạt động.

Ngoài Mỹ, Nga cũng thể hiện là một trong các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực vũ trụ trong những năm qua. Trong khuôn khổ chương trình vũ trang năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra kế hoạch chế tạo hệ thống vũ khí tên lửa phòng không tổ hợp nhiều mục tiêu, theo đó hợp nhất hóa hoạt động phòng không và phòng không vũ trụ, hợp nhất tất cả các lực lượng, các phương tiện của lực lượng phòng không, không quân, tên lửa vũ trụ dưới sự chỉ huy của lực lượng phòng không.

Cùng năm 2015, vệ tinh Luch của Nga đã tự di chuyển vào vị trí giữa hai vệ tinh của Tổ chức Vệ tinh viễn thông quốc tế (INTELSAT) trong quỹ đạo địa tĩnh, tiến lại gần một vệ tinh INTELSAT trong khoảng cách 10 km trong vòng vài tháng trước khi lại di chuyển ra xa. Sau đó, động thái này gây ra những đồn đoán về khả năng Nga đang phát triển các vệ tinh tiến công có thể hoạt động và tiếp cận mục tiêu trong không gian.

Trong khi đó, ngay đầu năm 2019, Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò lên khám phá góc tối của Mặt trăng. Trung Quốc cũng thể hiện tham vọng khi mạnh tay chi tiền cho chương trình không gian dân sự và quân sự. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2017, Trung Quốc chi khoảng 8,4 tỷ USD cho lĩnh vực này. Động thái tham gia mạnh mẽ vào cuộc chạy đua vũ trang vũ trụ của Bắc Kinh thời gian qua đã khiến các nước lân cận như Ấn Độ và Nhật Bản cũng muốn tham gia vào một lĩnh vực mới mẻ.

Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ và Nhật Bản đã cùng tổ chức Đối thoại không gian. Không chỉ cùng hợp tác để khám phá Mặt trăng, Tokyo và New Delhi thống nhất hợp tác trong lĩnh vực an ninh, bao gồm cả chia sẻ dữ liệu vệ tinh. Đây là bước đi giúp hai cường quốc này tăng cường năng lực quân sự vũ trụ, và giám sát các hoạt động ngoài không gian để từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời.

Trước đó, Ấn Độ cũng được coi là một cường quốc trong cuộc đua vào không gian. Ấn Độ đã thử nghiệm thành công vũ khí chống vệ tinh, và nước này cũng bắt đầu tích hợp nhiều vũ khí quân sự vào các vệ tinh ngoài không gian của mình.

Theo Reuters, trong bối cảnh một số quốc gia tăng cường đầu tư cho lĩnh vực vũ trụ, các chuyên gia phân tích lo ngại rằng những động thái này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt trên không gian. Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, khi một vệ tinh phát nổ sẽ tạo ra một loạt mảnh vỡ có thể hủy hoại các vệ tinh khác theo hiệu ứng dây chuyền, đồng thời khiến mảnh vỡ va đập mạnh với Trái đất, không loại trừ những khu vực dân cư đông đúc.

Lo ngại các nguy cơ từ cuộc chạy đua này, tháng 3 vừa qua, một cuộc họp do LHQ bảo trợ đã được tổ chức ở Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm cách hạn chế hoạt động chạy đua vũ trang trong không gian. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Trong khi giới chức thế giới đang tìm hướng đi cho tình trạng trên, nhiều chuyên gia quân sự đã kêu gọi các cường quốc trong lĩnh vực quân sự vũ trụ cần kiềm chế, tránh để xảy ra nguy cơ đụng độ trên không gian.