Cuộc chiến phí bản quyền tin tức

Hiệp hội báo chí Pháp (APIG) đã đạt được thỏa thuận yêu cầu Tập đoàn công nghệ Google thanh toán cho những nội dung, tin tức được hiển thị trên các công cụ tìm kiếm hay tổng hợp tin trực tuyến của hãng này. Thông qua thỏa thuận, Google đã phải chấp nhận trả phí bản quyền tin tức và nội dung cho hàng chục tờ báo ở Pháp.

 Biếm họa của OMAR PEREZ
Biếm họa của OMAR PEREZ

Luật cải cách bản quyền

APIG đại diện cho lợi ích của khoảng 300 tòa báo thông tin chính trị và tổng hợp ở Pháp, đã công bố thỏa thuận khung với Google, theo đó yêu cầu tập đoàn này phải đàm phán với các thành viên của Hiệp hội về việc sử dụng lại nội dung của họ trên các thanh công cụ tìm kiếm. Ông Pierre Louette, Giám đốc điều hành của Groupe Les Echos (Tập đoàn “mẹ” sở hữu tờ Le Parisien), đồng thời là Chủ tịch của APIG cho biết: “Sau nhiều tháng đàm phán, thỏa thuận này là cột mốc quan trọng đánh dấu sự công nhận quyền kế cận của các nhà xuất bản, qua đó trả thù lao và nhuận bút cho các nội dung được sử dụng trên các nền tảng kỹ thuật số”.

Tháng 7-2020, Pháp cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên phê chuẩn luật cải cách bản quyền của Liên hiệp châu Âu (EU). Luật mới bảo đảm rằng các công ty truyền thông được thanh toán nhuận bút cho các nội dung gốc đã hiển thị trên Google, mạng xã hội Facebook và các “đại gia” công nghệ khác đang chế ngự thị trường quảng cáo trên mạng. Quy định mới tạo ra các “quyền kề cận” để bảo vệ bản quyền và trả tiền nhuận bút cho các công ty truyền thông, khi nội dung của họ được sử dụng trên các trang mạng khác như các công cụ tìm kiếm.

Như vậy, thỏa thuận đã đặt ra khuôn khổ để Google có thể thương lượng riêng rẽ với các tòa soạn báo về việc thanh toán cho các nội dung hiển thị trên thanh tìm kiếm, thuộc dự án “Giới thiệu tin tức” mà hãng này đang triển khai. Theo thỏa thuận, APIG cho rằng các tổ chức truyền thông trực tuyến ở Pháp có thể đàm phán với Google về việc thanh toán nếu họ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nhất định, chẳng hạn như có ít nhất một nhà báo chuyên nghiệp trong biên chế và hoạt động với mục đích chính là tạo nội dung thường xuyên và liên tục, cung cấp thông tin chính trị, tổng hợp cho nhiều đối tượng khác nhau.

Google cũng cho biết, đến nay, họ đã đạt được các thỏa thuận đơn lẻ với một số nhà xuất bản của Pháp, gồm các tờ báo lớn như Le Monde, Le Figaro và Libération. Công ty này cũng tiết lộ các khoản thanh toán sẽ được chuyển trực tiếp đến các nhà xuất bản và tiêu chí thanh toán cho việc tái xuất bản tin tức theo “quyền lân cận” được nêu rõ: “Thù lao trong các thỏa thuận cấp phép này dựa trên các tiêu chí như đóng góp của nhà xuất bản vào thông tin chính trị và thông tin tổng hợp (chỉ những tòa soạn, nhà xuất bản được APIG công nhận), số lượng xuất bản hằng ngày và lưu lượng truy cập internet hằng tháng”, đồng thời để ngỏ khả năng thảo luận với các đơn vị xuất bản tin tức không thuộc APIG khác. Dự kiến, số tiền thanh toán sẽ được Google rút từ dự án “Giới thiệu tin tức” trị giá một tỷ USD.

Dù công bố đây là “bước đi quan trọng” trong việc sử dụng nội dung có trả phí trên nền tảng số, song trước đây, chính Google đã từng nhiều lần trốn tránh trách nhiệm thanh toán cho các nhà xuất bản. Trong một thời gian dài, hàng loạt cơ quan thông tấn cũng như các nhà xuất bản, nhà sản xuất đã đấu tranh đòi trả bản quyền các tin tức, nội dung trên công cụ tìm kiếm, tổng hợp tin của Google. Phải đến giữa năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động thảo luận cải cách luật bản quyền nhằm bảo đảm các nền tảng trực tuyến phải chia sẻ doanh thu cho các nhà xuất bản, hãng phát thanh - truyền hình và nghệ sĩ một cách công bằng, cũng như chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến.

Cuối tháng 8-2019, các nhà báo hàng đầu đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới đã kêu gọi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua gói cải cách luật bản quyền này. Nhiều hãng truyền thông lớn cũng thúc đẩy việc cải cách bản quyền trên nền tảng kỹ thuật số, trong bối cảnh các hãng tin trực tuyến miễn phí đang đe dọa nghiêm trọng doanh thu của những hãng truyền thông truyền thống. Tuy nhiên, các “ông trùm” công nghệ đang thống trị internet như Google, Facebook lại cáo buộc đây là một dạng thuế kìm hãm sự phát triển không gian mạng. Bên cạnh đó, các hãng này cũng đặc biệt chỉ trích quy định trả tiền cho các tác phẩm được tái xuất bản trên internet, đối phó bằng cách rút lại hoặc ngừng hiển thị các nội dung bị yêu cầu trả tiền bản quyền.

Phải đến tháng 4-2020, khi Cơ quan Giám sát cạnh tranh của Pháp (FCA) cáo buộc việc Google đơn phương rút các nội dung này là “không công bằng và gây tổn hại cho lĩnh vực báo chí”, có khả năng cấu thành hành vi lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường. Sau đó, Google thua kiện và chấp nhận yêu cầu của giới chức Pháp để ngồi vào đàm phán với các nhà xuất bản về việc tái sử dụng nội dung.

Thắng lợi của báo giới Pháp

Mặc dù đến nay chưa rõ các khoản thanh toán mà Google sẽ phải trả là bao nhiêu, nhưng thỏa thuận này đã được nhận định là một thắng lợi lớn trong lĩnh vực báo chí, xuất bản của Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Đại diện tờ Libération đã gọi đây là một thành tựu đáng nhớ trong nỗ lực chống lại việc vi phạm bản quyền và cạnh tranh không lành mạnh trên internet. Thắng lợi này cũng mở đường cho các nước khác tiếp tục theo đuổi cuộc chiến pháp lý chống lại những ông lớn công nghệ như Google.

Một số quốc gia thành viên EU như Đức và Tây Ban Nha đang triển khai đưa điều khoản cải cách luật bản quyền tương tự như Pháp vào dự thảo luật. Còn tại Pháp, dù đạt được thỏa thuận kể trên song FCA vẫn đang tiếp tục điều tra Google liên quan độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh. Trước đây, Google đã phải đối mặt hàng loạt cáo buộc từ nhiều nước rằng “ông lớn” công nghệ này đã sử dụng nội dung miễn phí trong suốt nhiều năm. Năm 2019, Pháp đã phạt Google 150 triệu euro vì hành vi hạn chế cạnh tranh và mập mờ trong hoạt động quảng cáo trên trang Google Ads. Năm 2019, cơ quan giám sát cạnh tranh của Anh cũng đã nêu bật những lo ngại về sự thống trị thị trường quảng cáo của Google và Facebook. Kể từ đó, Anh đã thành lập một cơ quan quản lý cạnh tranh chuyên để giám sát hoạt động đối với các hãng công nghệ lớn này. Tháng 10 năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đệ đơn kiện chống độc quyền chống lại Google, với cáo buộc công ty này đang “duy trì độc quyền một cách bất hợp pháp trên thị trường dịch vụ tìm kiếm nói chung”.

Hiện, các tòa soạn, nhà sản xuất nội dung tin tức trên thế giới vẫn tiếp tục kêu gọi một cơ chế giám sát chặt chẽ, đồng thời lo ngại khả năng Google có thể tự ý thay đổi các thuật toán tìm kiếm gây tác động tiêu cực đến lưu lượng truy cập vào trang web của họ, do lưu lượng truy cập hằng tháng là một trong những tiêu chí được sử dụng để xác định khoản thanh toán nội dung. Bởi vậy, nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc cần phải quản lý chặt chẽ hơn các công ty công nghệ này của Mỹ để ngăn chặn sự thống trị không gian trực tuyến.