Cuộc chiến ngăn chặn bạo lực tại Mexico

Đầu tháng 8 vừa qua, cảnh sát Mexico cho biết, 19 người đã thiệt mạng sau một cuộc đụng độ giữa các băng đảng buôn bán ma túy (còn gọi là “cartel”) tại thành phố Uruapan, thuộc bang Michoacan của nước này. Đây được coi là một trong những vụ bạo lực tồi tệ nhất và là dấu hiệu cho thấy hoạt động tội phạm ma túy đang “nóng” trở lại. Trước tình hình đó, chính phủ của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào hữu hiệu.

Lực lượng an ninh Mexico được tăng cường để ngăn chặn bạo lực ở nhiều địa phương. Ảnh: THE INTERCEPT
Lực lượng an ninh Mexico được tăng cường để ngăn chặn bạo lực ở nhiều địa phương. Ảnh: THE INTERCEPT

Trong cuộc họp báo về vụ việc kể trên, ông Adrián López Solís, Tổng Chưởng lý bang Michoacan cho biết, vào ngày 8-8 vừa qua, cảnh sát Mexico đã tìm thấy 19 thi thể cùng với một số biểu ngữ mà băng đảng ma túy Jalisco sử dụng để dằn mặt các băng nhóm khác như Sinaloa, Juárez hay Viagra. Đây được coi là vụ án nghiêm trọng nhất kể từ khi Chính phủ Mexico tiến hành truy quét các băng nhóm ma túy trong giai đoạn 2006 - 2012. Ông López Solís cho rằng, đây là hệ quả của cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và quyền kiểm soát các hoạt động liên quan sản xuất, tiêu thụ ma túy.

Trước đó, vào tháng 5, băng đảng Jalisco cũng ngang nhiên tiến hành một vụ tiến công nhằm vào lực lượng an ninh của thành phố Zamora. Theo báo cáo của chính quyền, một đoàn xe bán tải có ghi tên viết tắt “JNGC” của băng đảng Jalisco đã chạy vào thành phố Zamora lúc ban đêm, sau đó người trên xe xả súng vào xe tuần tra, khiến một số sĩ quan cảnh sát thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Ông Alejandro Hope, một chuyên gia an ninh của Mexico, phân tích: “Đây là một loại hình bạo lực công khai, trong đó các băng đảng thực hiện các vụ giết người, nhưng đồng thời cũng khuếch trương nó nhằm mục đích đe dọa các đối thủ khác, và thể hiện sự thách thức đối với nhà chức trách”.

Trong nửa đầu năm 2019, các vụ bạo lực tại Mexico bùng phát ở mức kỷ lục với 17.608 vụ, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện mỗi ngày ở quốc gia gần 110 triệu dân này có tới 100 vụ giết người xảy ra. Dường như cuộc chiến giữa các băng đảng ma túy ở Mexico đã quay trở lại và gây thiệt hại lớn hơn giai đoạn trước. Trong giai đoạn từ năm 2006 tới năm 2012, các vụ bạo lực thảm khốc nhất thường chỉ giới hạn ở một vài thành phố lớn phía bắc Mexico như Ciudad Juarez, Tijuana, Culiacan, Reynosa, Nuevo Laredo. Tuy nhiên, theo ông Hope, hoạt động tội phạm hiện đã mở rộng ra cả nước, khiến chính quyền kiểm soát khó khăn hơn.

Trước đây, nạn nhân chủ yếu trong cuộc chiến của các băng đảng là người trưởng thành, nhưng nay các đối tượng tội phạm không loại trừ bất kỳ ai, kể cả phụ nữ và trẻ nhỏ. Sự tàn bạo thể hiện rõ nhất trong vụ việc diễn ra ở thành phố công nghiệp dầu mỏ Coatzacoalcos của bang Veracruz ngày 27-8 vừa qua. Các thành viên băng đảng Jalisco xuất hiện tại quán bar Caballo Blanco, chặn lối thoát hiểm và châm lửa đốt quán, bất chấp có tới 28 người bị mắc kẹt bên trong. Trước đó một ngày, các tên tội phạm đã xông vào một ngôi nhà ở thành phố Ciudad Juarez xả súng sát hại một gia đình, trong đó có người bố là Rafael Gordillo Gonzalez cùng ba con gái nhỏ.

Hiện tại, nhiều ngôi nhà bỏ trống ở thành phố Coatzacoalcos vì người dân đã chuyển đến thành phố khác do lo ngại bạo lực. Có chồng đã bị thiệt mạng trong một vụ bạo lực, bà Vanessa Galindo Blas cho biết: “Chúng tôi đã bàn về việc rời khỏi nơi đây để đến một nơi nào đó an toàn hơn, như thế những đứa trẻ của chúng tôi mới có thể có một tương lai tốt hơn”.

Từ khi nắm quyền, Tổng thống Obrador luôn khẳng định bạo lực do tội phạm ma túy là thách thức nghiêm trọng nhất mà chính phủ của ông phải đối mặt. Vào tháng 11-2018, ông López Obrador đã trình bày “Kế hoạch an ninh và hòa bình quốc gia”, được xem như sự cải tổ trong cuộc chiến chống các băng đảng ma túy bằng cách thay đổi cấu trúc xử phạt tội phạm, xử lý các quan chức, cảnh sát thoái hóa biến chất bị các băng đảng tội phạm mua chuộc, định hướng lại chiến lược an ninh quốc gia và tìm kiếm công lý cho các nạn nhân do tội phạm ma túy gây ra.

Thay vì sử dụng sức mạnh quân sự trấn áp tội phạm như những người tiền nhiệm, ông Obrador chủ yếu ủng hộ phương pháp ôn hòa và mang tính dài hạn. Tổng thống Mexico khẳng định, sẽ tạo cơ hội cho những người từng hoạt động tội phạm được hoàn lương, đặc biệt là thanh niên. Tiếp theo, ông Obrador ưu tiên các chính sách phát triển nhằm cắt giảm tình trạng thất nghiệp, từng bước ổn định thu nhập giúp người dân không bị lôi kéo vào hoạt động tội phạm với mục đích kiếm tiền. Trong một buổi họp báo về vấn đề nông dân trồng cây thuốc phiện của bang Guerrero, Tổng thống Obrador cho biết: “Nhiều người trong số họ đang được giúp đỡ và thêm nhiều người khác cũng sẽ được hỗ trợ. Tôi đề nghị nơi nào từng trồng cây thuốc phiện, chúng ta có thể khuyến khích sản xuất ngô và trả giá cao hơn để người dân trồng ngô thay thế cây thuốc phiện”.

Song song các biện pháp mềm mỏng, Tổng thống Obrador cũng thành lập Lực lượng Vệ binh quốc gia mới nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự tại các “điểm nóng” bạo lực. Lực lượng này được chỉ huy bởi các sĩ quan nòng cốt của quân đội, cảnh sát liên bang và hải quân. Theo tạp chí điều tra Mexico Contralínea, mới đây Tổng thống Obrador đã điều động Lực lượng Vệ binh quốc gia tăng cường tại 80% trong số 266 địa phương đang bị các băng đảng ma túy hoành hành.

Bên cạnh các nỗ lực của chính phủ, điểm đáng chú ý khác trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy chính là sự phát triển của lực lượng dân quân tự vệ (còn gọi là “vigilante”). Tại bang Guerrero, nơi được coi là “thủ phủ thuốc phiện và cần sa” của Mexico, nhiều người dân tình nguyện tham gia “Mặt trận thống nhất của cảnh sát cộng đồng Guerrero” (FUPCEG), một lực lượng an ninh tự vệ địa phương đã góp phần đẩy lùi hoạt động của các nhóm tội phạm ma túy. “Chúng tôi chiến đấu vì tự do của những cộng đồng trước đây bị các nhóm tội phạm đe dọa. Mọi người đều có quyền được bảo vệ và tự do kiếm sống. Người nông dân và con cái của họ không thể chịu đựng sự hoành hành của những tên tội phạm. Bởi vậy, nhiều người dân đã yêu cầu chúng tôi giúp đỡ và chúng tôi đến vì họ”, trưởng nhóm tự vệ có biệt danh “El Burro” chia sẻ.

FUPCEG là một tổ chức hiện có 11.700 thành viên tham gia chống tội phạm ma túy ở 39 thị trấn thuộc bang Guerrero. Các tổ chức tự vệ tương tự đã xuất hiện trên khắp Mexico trong khoảng 10 năm qua, nhưng FUPCEG cho đến nay vẫn là tổ chức lớn nhất. Theo một nghiên cứu mới đây của Ủy ban Nhân quyền quốc gia Mexico, hoạt động của các nhóm tự vệ đã tăng hơn 300% kể từ đầu năm 2018 và tình trạng bạo lực giảm khoảng 36% tại những nơi có sự hiện diện của dân quân tự vệ.

Ông Carlos Ángel Ortiz, một trong những người ủng hộ chính sách của Tổng thống Obrador bày tỏ: “Chính người dân mới có thể tự cứu mình trước. Chúng tôi cũng phải tìm cách tự vệ, đồng thời báo cáo hoạt động tội phạm nhiều hơn cho chính quyền”. Bởi vậy, mặc dù không thuộc quản lý của chính phủ, nhưng ông Salvador Alanis, người sáng lập FUPCEG cho rằng chính quyền cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức này vì mục đích chung chống lại các băng đảng ma túy.