Cuộc chiến chống tội phạm buôn bán cổ vật

Từ đầu năm nay, số lượng các vụ trộm cắp, hoạt động buôn bán trái phép cổ vật có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại khu vực châu Âu. Đỉnh điểm là vào tuần đầu tháng 5-2020, cảnh sát quốc tế đã triệt phá một đường dây buôn lậu đồ cổ xuyên quốc gia, thu hồi hơn 19.000 cổ vật có xuất xứ từ 103 nước. Thực tế đáng báo động trên buộc lực lượng chức năng, các tổ chức quốc tế, bảo tàng lịch sử và những người làm công tác bảo tồn phải phối hợp hành động chặt chẽ, quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng “chảy máu” cổ vật và tác phẩm nghệ thuật.

Cảnh sát Interpol tại Colombia thu giữ tang vật. Ảnh: THE GUARDIAN
Cảnh sát Interpol tại Colombia thu giữ tang vật. Ảnh: THE GUARDIAN

Mất đi những di sản vô giá

LHQ định nghĩa “tài sản văn hóa”, cụ thể là các cổ vật và tác phẩm nghệ thuật, là một phần quan trọng trong di sản chung của loài người. Đây là những bằng chứng độc nhất, vô giá về sự tiến hóa và bản sắc của từng dân tộc. Bởi vậy, tầm quan trọng của việc bảo vệ các di sản này đã được nhấn mạnh trong nhiều công ước quốc tế và luật pháp của các quốc gia.

Tuy nhiên, số lượng các nhóm tội phạm có tổ chức tham gia hoạt động buôn bán, tàng trữ tài sản văn hóa ngày càng nhiều, thông qua các thị trường hợp pháp như sàn đấu giá và qua internet, hoặc trên “chợ đen”. Theo thời gian, buôn bán cổ vật và tác phẩm nghệ thuật đang trở thành một nguồn rửa tiền của bọn tội phạm. Thậm chí, lực lượng chức năng nhiều nước cho biết tiền thu được từ mua bán cổ vật phi pháp còn là một trong những nguồn tài chính tài trợ hoạt động của các nhóm khủng bố.

Hệ lụy của những hoạt động mua bán này sẽ dẫn đến sự mất mát, phá hủy di sản. Trong khi bọn tội phạm kiếm được lợi nhuận đáng kể thì nhân loại sẽ mất đi rất nhiều thông tin khảo cổ, văn hóa và lịch sử quan trọng, các cổ vật hay tác phẩm nghệ thuật vô giá thuộc về di sản chung. Có thể nói, số lượng các vụ trộm cướp, buôn bán và tàng trữ tài sản văn hóa như vậy xảy ra trên khắp thế giới. Tuy nhiên đến nay, nỗ lực của các cơ quan chức năng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để hoạt động tội phạm này.

Theo tờ Kabir Jhala, từ năm 2017 đến năm 2019, khi tiến hành chiến dịch mang tên “Pandora”, cảnh sát quốc tế đã thu hồi 62.500 cổ vật. Tháng 11-2019, Cảnh sát châu Âu (Europol) cũng tuyên bố thu hồi 10.000 cổ vật thông qua chiến dịch “Achei”. Mới đây, Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Europol, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã thu hồi hơn 19.000 cổ vật từ 103 quốc gia. Nhà chức trách đã bắt giữ 101 đối tượng có liên quan đường dây buôn bán cổ vật này. Đây là thành quả của hơn 300 cuộc điều tra bí mật thuộc chiến dịch “Athena II” và “Pandora IV”, do lực lượng an ninh đa quốc gia tiến hành trong nhiều năm.

Chiến dịch Athena II là hoạt động phối hợp của lực lượng hải quan nhiều nước nhằm ngăn chặn hoạt động rửa tiền xuyên biên giới của các nhóm tội phạm có tổ chức. Chiến dịch này có sự tham gia của cơ quan hải quan từ 19 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) và một số nước ngoài EU (gồm Algeria, Morocco, Na Uy, Tunisia và Mỹ), cùng Europol, Interpol và WCO. Trong khi đó, Pandora IV là giai đoạn mới nhất của chiến dịch Pandora. Ra đời từ tháng 10-2016, Pandora là kết quả hợp tác giữa Europol và Interpol, cùng lực lượng an ninh từ 18 quốc gia, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) và WCO để ngăn chặn hành vi trộm cắp, buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa.

Theo The Guardian, các chiến dịch lần này tập trung triệt phá những mạng lưới buôn bán tác phẩm nghệ thuật và cổ vật xuyên quốc gia. Trong đó, hoạt động chủ yếu của bọn tội phạm là cướp tài sản văn hóa từ các quốc gia đang xảy ra chiến sự, nhiều bảo tàng, địa điểm nghiên cứu khảo cổ học. Cụ thể, cảnh sát Tây Ban Nha đã phối hợp cảnh sát Colombia thu hồi lượng lớn đồ trang sức cổ, tượng vàng và mặt nạ vàng Tumaco khi quá cảnh tại Sân bay quốc tế Madrid Barajas (Tây Ban Nha). Sau đó, trong các vụ khám nhà tại Thủ đô Bogotá (Colombia), cảnh sát cũng thu được 242 đồng tiền cổ gốc Tây Ban Nha bị đánh cắp. Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cũng thu giữ các cổ vật gồm hóa thạch, tranh vẽ, gốm sứ, vũ khí cổ, tượng sư tử thời La Mã được chạm khắc trên đá vôi hoặc nhiều bức phù điêu, tranh cổ…

Những biện pháp quyết liệt

Sự gia tăng số lượng vụ buôn bán cổ vật trong những năm gần đây đã đặt ra yêu cầu bức thiết đối với các cơ quan thực thi pháp luật, các bảo tàng và tổ chức bảo tồn di sản. Các cơ quan này đã thiết lập các trang web cung cấp thông tin về những tác phẩm nghệ thuật và cổ vật bị thất lạc, bị đánh cắp nhằm cảnh báo người sưu tầm đồ cổ có thể vướng vòng lao lý khi mua cổ vật bị trộm cắp. Với sự phát triển của internet, một phần quan trọng trong nỗ lực chống buôn bán cổ vật và tác phẩm nghệ thuật là kiểm soát thị trường trực tuyến. Năm 2015, Cục Bảo vệ di sản văn hóa Italia đã tổ chức nhiều hoạt động tuần tra trực tuyến. Theo kênh National Geographic (Mỹ), cơ quan bảo tồn văn hóa Italia đã phối hợp các nhà khảo cổ học, nhà cổ sinh vật học, nhà nghiên cứu nghệ thuật và lực lượng chức năng để thu hồi 8.670 cổ vật bán trên “chợ đen” trực tuyến. Ông Kunio Mikuriya, Tổng Thư ký WCO cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nhận được bằng chứng rằng thị trường bất hợp pháp trực tuyến là một trong những phương tiện chính của loại tội phạm này. Tuy nhiên, các giao dịch trực tuyến luôn để lại dấu vết mà nhờ đó, lực lượng hải quan, cảnh sát và các tổ chức khác đã thiết lập các cơ chế hợp tác hiệu quả nhằm ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia”.

Tổng Thư ký Interpol Jürgen Stock cho biết, số lượng các vụ thu giữ cổ vật và bắt giữ đối tượng tội phạm cho thấy quy mô và phạm vi toàn cầu của hoạt động buôn bán bất hợp pháp cổ vật văn hóa, đặc biệt tại các quốc gia có di sản phong phú. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động rửa tiền và lừa đảo, cũng như tài trợ cho các mạng lưới tội phạm có tổ chức. Vấn đề đã vượt ra ngoài việc buôn bán tài sản văn hóa, mà liên quan mật thiết các loại hoạt động tội phạm phổ biến khác. Do đó, biện pháp kiếm soát lâu dài, hiệu quả nhất với nạn buôn bán tài sản văn hóa xuyên quốc gia đang đòi hỏi các quốc gia phải tham gia nhiều hơn các thỏa thuận song phương và quốc tế, trao đổi thông tin và thống nhất các phương thức xử lý.

Châu Âu là một trong những “điểm nóng” nhất về nạn buôn bán cổ vật và tác phẩm nghệ thuật. Do đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã xác định một số khó khăn cấp bách cần giải quyết, như thiếu sự nhất quán pháp lý giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt liên quan việc kiểm soát nhập khẩu tài sản văn hóa vào EU. Ngoài ra, các quốc gia thành viên còn thiếu thông tin về nạn buôn bán tài sản văn hóa do gặp hạn chế trong việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hữu quan.

Tuy nhiên, các kết quả đạt được trong hai chiến dịch kể trên cho thấy, sự cải thiện trong quan hệ hợp tác giữa Europol, cơ quan an ninh giữ vai trò chính trên mặt trận này, cùng Interpol, WCO và nhiều tổ chức quốc tế khác như UNESCO, Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM), Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC), các lực lượng an ninh địa phương... Bên cạnh đó, Đơn vị hợp tác tư pháp của EU (Eurojust) và Trường cao đẳng Cảnh sát châu Âu (CEPOL) cũng đóng góp không nhỏ vào việc phối hợp điều tra, truy tố hình sự và trao đổi thông tin giữa các quốc gia trong và ngoài EU.

“Các nhóm tội phạm có tổ chức mang rất nhiều “bộ mặt” và buôn bán tài sản văn hóa là một trong số đó. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra loại tội phạm này trong tương quan không tách rời với các mạng lưới buôn bán ma túy và buôn lậu vũ khí. Thậm chí, nhiều nhóm tội phạm kể trên đã tham gia thị trường buôn bán cổ vật và tác phẩm nghệ thuật, vì nó tạo ra lợi nhuận rất lớn”, bà Catherine De Bolle, Giám đốc điều hành Europol cho biết.