Chủ động phòng ngừa bệnh Whitmore

Thời gian qua, một số địa phương ở Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính Whitmore. Thậm chí, chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hiện mắc bệnh, một vài trường hợp đã tử vong. Whitmore đang gây hoang mang dư luận khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng.

Biếm họa của THEIN TUN OO
Biếm họa của THEIN TUN OO

Căn bệnh hiếm

Theo các chuyên gia dịch tễ, Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn, và lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh truyền nhiễm cấp tính Whitmore thường gây tình trạng sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ áp xe tại nhiều nơi trong cơ thể, nguy cơ tử vong cao nên được gọi là vi khuẩn “ăn thịt” người.

Ca bệnh Whitmore đầu tiên do nhà khoa học người Anh tên là Alfred Whitmore phát hiện năm 1911 tại Myanmar, nên căn bệnh này được gọi là Whitmore. Còn tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được phát hiện năm 1925 tại Viện Pasteur Sài Gòn (nay là Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh), sau đó ở Huế và một số tỉnh miền nam.

Theo tài liệu khoa học, hầu hết các trường hợp mắc bệnh Whitmore đã được báo cáo là ở Thái-lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, và miền bắc Australia. Đặc biệt, vùng đông bắc Thái-lan (gần với miền trung Việt Nam) được coi là tâm điểm của dịch bệnh. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ phối hợp thực hiện cho thấy, tỷ lệ mắc Whitmore trong dân số tại vùng đông bắc Thái-lan là 14,9/100.000 người, trong đó nam giới chiếm 60%. Ngoài ra, bệnh này còn ghi nhận xuất hiện tại Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc) và một số quốc gia khu vực châu Mỹ như Puerto Rico, Panama, Ecuador...

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia y tế, bệnh Whitmore hầu như đã biến mất, mỗi năm chỉ ghi nhận từ hai đến ba ca. Tuy nhiên thời gian gần đây, căn bệnh này diễn biến phức tạp trở lại với hàng chục ca được ghi nhận từ đầu năm đến nay, ở nhiều địa phương, đặc biệt là Nghệ An và Hà Tĩnh. Riêng trong tháng 8 vừa qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 12 ca bệnh, trong đó bốn người đã tử vong.

Khó chẩn đoán

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con người và động vật có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Ngay cả người hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể bị nhiễm bệnh, song đối tượng dễ bị căn bệnh này tiến công nhất là người có hệ thống miễn dịch suy yếu, người mắc các bệnh mạn tính như ung thư, phổi, bệnh gan, tiểu đường, bệnh thận và cả HIV. Cao điểm của các ca bệnh Whitmore thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7 đến tháng 11.

Bệnh Whitmore không có hội chứng lâm sàng bệnh lý đặc hiệu. Biểu hiện của bệnh đa dạng bao gồm sốt theo cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài; suy hô hấp; loét da; viêm đường tiết niệu; viêm phổi; áp xe ở gan, lách; nhiễm trùng huyết; suy đa phủ tạng… Chính vì những biểu hiện này nên nhiều trường hợp không được phát hiện bệnh sớm mà bị nhầm lẫn với một số bệnh khác. Thời gian ủ bệnh kể từ lúc người bệnh tiếp xúc với vi khuẩn đến khi xuất hiện triệu chứng thường từ 1 - 21 ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người mắc bệnh không hề có triệu chứng đến khi phát bệnh rõ rệt.

Chủ động phòng ngừa bệnh Whitmore ảnh 1

Các nhà khoa học Thái-lan thu thập mẫu đất chứa vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Ảnh: MORU

Nâng cao nhận thức phòng tránh

Cho đến nay, y học chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm bệnh Whitmore từ người sang người. Ngoài ra, côn trùng cũng không phải là tác nhân truyền bệnh. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, đây không phải bệnh truyền nhiễm. Yếu tố chủ yếu gây bệnh là bản thân bệnh nhân tiếp xúc với vi khuẩn lẫn trong đất hoặc nước bẩn.

TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope (Mỹ) cho biết, nhiều người lầm tưởng bệnh Whitmore do vi khuẩn “ăn thịt người” gây ra. Tuy nhiên, đó là tên của loại vi khuẩn Vibrio vulnificus. Vi khuẩn này khiến người mắc bệnh bị hoại tử mô nên có cảm giác đang bị “ăn thịt”. Vi khuẩn Vibrio vulnificus thường xuất hiện trong vùng nước biển ấm, ô nhiễm, tiến công qua vết thương hở, hoặc khi ăn hải sản sống, bẩn. Khuẩn này có thể gây nhiễm trùng máu và tử vong nhanh chóng, đặc biệt với người có bệnh gan, miễn dịch suy yếu.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei được CDC liệt vào đối tượng có nguy cơ như “khủng bố sinh học” vì tính nguy hiểm. Cứ 10 người nhiễm vi khuẩn nếu không được điều trị thì chín người tử vong. Ngay cả khi người bệnh được điều trị đúng kháng sinh thì tỷ lệ tử vong vẫn cao, với khoảng bốn trong số 10 người nhiễm tử vong. Nếu điều trị trong cơ sở y tế với điều kiện chăm sóc tích cực có thể sẽ giảm tỷ lệ tử vong còn dưới hai trong 10 người.

Không chỉ vậy, do căn bệnh Whitmore hiếm gặp nên mức độ nguy hiểm của bệnh càng tăng bởi ít ai có ý thức phòng ngừa. Hiện y học chưa tìm ra vaccine phòng Whitmore. Việc điều trị thường là sử dụng các kháng sinh liều cao nhạy cảm với các chủng Burkholderia pseudomallei liên tục trong ít nhất nửa tháng, sau đó phải dùng kháng sinh duy trì ba đến sáu tháng nữa. Kèm theo đó là điều trị các triệu chứng, biến chứng và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh.

Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ, đúng thuốc và theo dõi sát sao, bệnh Whitmore rất dễ tái phát, sức khỏe người bệnh sẽ suy kiệt dần và có thể tử vong. Quá trình theo dõi điều trị bệnh kéo dài, nhìn chung tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong cao lên đến hơn 40%.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị người dân nên chủ động phòng bệnh. Cụ thể, nên hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng; sử dụng giày, dép và găng tay đối với người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt với người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cần sử dụng băng chống thấm và rửa sạch vết thương để bảo đảm vệ sinh. Người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.

Riêng tại Việt Nam, các nhà chức trách đã quyết định tổ chức hội nghị quốc tế về Whitmore dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới tại Hà Nội. Dù vậy, giới chức y tế vẫn khuyến cáo người dân nên chủ động phòng bệnh, đề phòng rủi ro khi nhiễm khuẩn trước những diễn biến phức tạp của căn bệnh này.