Chiến thắng của lý tưởng, niềm tin và trí tuệ

Chiến thắng 30-4-1975 là dấu son kết thúc chặng đường 21 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam quyết tâm vượt qua vô vàn gian khổ, hy sinh để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến thắng vĩ đại đó đã trở thành đề tài của hàng nghìn cuốn sách, công trình nghiên cứu,… ở Việt Nam và trên thế giới. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, xin trích giới thiệu một số đánh giá từ các bài báo, sách nghiên cứu của học giả, phóng viên nổi tiếng đã công bố để có thể thấy rõ hơn quan điểm, đánh giá từ nhiều góc độ tiếp cận với ý nghĩa thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam.

Bức ảnh nổi tiếng trực thăng đón và bốc người di tản do phóng viên hãng tin UPI Hubert van Es chụp tại Sài Gòn ngày 29-4-1975.
Bức ảnh nổi tiếng trực thăng đón và bốc người di tản do phóng viên hãng tin UPI Hubert van Es chụp tại Sài Gòn ngày 29-4-1975.

Dù còn nhiều quan điểm nghiên cứu và đánh giá khác nhau nhưng chiến thắng của nhân dân Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Đó là chiến thắng của lý tưởng độc lập tự do, của niềm tin chính nghĩa và trí tuệ dũng lược Việt Nam.

Trong cuốn sách “Không hòa bình, chẳng danh dự. Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam”(1), tác giả Larry Berman công bố Phụ lục B, gồm: Bản ghi nhớ gửi Tổng thống Gerald R. Ford, người gửi là Henry Kissinger với vấn đề “Bài học Việt Nam”. Bản ghi nhớ đánh số ký hiệu 3173-X có dòng chữ “Bí mật/Nhạy cảm/Trình riêng” ở phía trên. Chúng tôi xin trích:

“... Về phương diện chiến thuật quân sự, chúng ta không thể không kết luận rằng quân đội của chúng ta không thích hợp với loại hình chiến tranh này. Ngay cả lực lượng đặc biệt được huấn luyện để làm việc này cũng không thể đánh thắng được. Điều này một phần vì bản chất của cuộc chiến tranh: vừa là một cuộc chiến tranh cách mạng ở làng mạc trong đêm tối, nhưng cũng có thể là một cuộc chiến tranh của quân chủ lực, trong đó kỹ thuật có thể có sức ảnh hưởng quyết định. Cả hai bên đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chiến thuật thích hợp cho mỗi loại chiến tranh. Nhưng chúng ta và chính quyền miền nam Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này hơn là phe bên kia. Nền ngoại giao của chúng ta cũng bị thiệt hại trong tiến trình đó và chúng ta cần phải có một thời gian mới phục hồi được.

Thường thấy rằng, Mỹ không thể duy trì một lập trường ngoại giao lâu hơn vài tuần hay vài tháng, trước khi nó bị đả kích bởi chính những phần tử chính trị đã từng cổ vũ cho lập trường ấy. Cuối cùng, chúng ta lại phải thương thuyết với chính chúng ta, liên tục đưa ra hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, trong khi miền bắc Việt Nam không thay đổi một chút nào mục tiêu ngoại giao và thay đổi rất ít trong lập trường ngoại giao của họ. Chỉ trong lúc điều đình bí mật chúng ta mới có thể đến gần được một cuộc đối thoại chân chính, và ngay cả trong trường hợp này, miền bắc Việt Nam vẫn có thể làm cho chúng ta phải liên tục chịu áp lực của công chúng. Ngoại giao của chúng ta, vì thế, thường bị hạ xuống thành những cố gắng hốt hoảng để tìm những phương thức đem lại cho ta sự hậu thuẫn nhất thời và sao lãng những khác biệt rõ rệt giữa chúng ta và miền bắc Việt Nam. Di sản của điều này còn ám ảnh khiến chúng ta khó duy trì được một lập trường ngoại giao nhất định, bất kể kẻ thù của chúng ta ngoan cố đến đâu”(2).

Tác giả Larry Berman là Giáo sư ngành Chính trị học kiêm Giám đốc Trung tâm Washington của Đại học California (Mỹ). Ông cũng là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Điệp viên hoàn hảo” (Perfect Spy) viết về nhà tình báo nổi danh Phạm Xuân Ẩn. Cuốn sách được dịch ra tiếng Việt và đã xuất bản ở Việt Nam. Ông cho biết: “Tôi ở lại Sài Gòn cho tới khi kết thúc để tường thuật về thành phố. Tôi đã ở đó ngay từ đầu của cuộc chiến và tôi cũng cần ở đó khi nó kết thúc để thông báo sự thật về các sự kiện. Người cộng sản có hành hình nhiều người không? Họ làm thế nào để quản lý thành phố? Có một cuộc chiếm đóng không khoan nhượng hay không? Tôi cảm thấy mình sẵn sàng ở lại, đánh liều tính mạng và quan sát mọi việc.

Khi tôi nhìn thấy họ, những người chiến thắng, tiến quân vào thành phố trên những chiếc xe tải và xe tăng, trong những bộ quân phục, lúc đó tôi nghĩ và tôi cũng viết cho hãng tin AP rằng toàn bộ cuộc chiến đúng là một sự phung phí thời gian để gây đổ máu. Toàn bộ sự tham chiến của Mỹ, sự cống hiến của những con người trẻ tuổi, hàng tỷ USD, sự hy sinh của người miền nam Việt Nam… như chấm dứt trong khoảnh khắc khi những người chiến thắng tiến quân vào. Họ chào mừng, họ tiếp nhận quyền chỉ huy một cách nhanh chóng và tự chủ. Điều mà phía Mỹ chiến đấu thật ra chỉ là một ý tưởng tuyên truyền, mang lại cho người miền nam Việt Nam lối sống Mỹ, điều mà đã không bao giờ thành công, không bao giờ có thể nhận ra được. Trong khoảnh khắc đó tôi rất đau buồn.

Người cộng sản cũng có thể tiến vào Sài Gòn trước đó 20 năm, sau khi họ đánh bại người Pháp. Thế nhưng Mỹ đã ngăn chặn những cuộc bầu cử thống nhất được ấn định ở Genève (Thụy Sĩ) cho năm 1956 và qua đó là ngăn chặn một lần tiếp nhận quyền lực một cách hòa bình. Tôi rất bực bội và buồn rầu khi nhận thấy 60 nhà báo đã thiệt mạng, bên cạnh hàng triệu người lính và người dân Việt Nam. Đó mới là một bi kịch thật sự. Cuộc chiến kéo dài này không hề mang lại điều gì tốt đẹp cho người dân miền nam Việt Nam hay Mỹ. Nó tàn bạo và là một thất bại hoàn toàn...”.

Trong bài báo “David và Goliath ở Việt Nam” (David and Goliath in Vietnam) đăng trên The New York Times (ngày 26-5-2017), nhà báo Mỹ nổi tiếng Neil Sheehan tường thuật: “Ngày 21-6-1989, tôi có dịp phỏng vấn một con người vóc dáng nhỏ bé nhưng có bốn sao trên cầu vai của bộ quân phục mầu xanh đậm. Chúng tôi trò chuyện tại nơi từng là dinh thự của một vị toàn quyền Pháp ở Hà Nội. Người mà tôi phỏng vấn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài quân sự của Việt Nam, người đã đưa đất nước ông đến chiến thắng, đầu tiên là trước nỗ lực tái lập chế độ thuộc địa của Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tiếp đó là trước sức mạnh quân sự của Mỹ khi họ muốn chia cắt vĩnh viễn Việt Nam và lập ra một nhà nước phụ thuộc ở Sài Gòn. “Lính Mỹ rất dũng cảm, nhưng can đảm thì chưa đủ”, Tướng Giáp nói. “David không hạ được Goliath chỉ vì sự dũng cảm. Anh ta nhìn lên Goliath và nhận ra nếu anh đấu kiếm với hắn, Goliath sẽ giết chết anh. Nhưng nếu nhặt một hòn đá và đặt vào cái ná cao-su của mình, anh có thể bắn trúng đầu Goliath, khiến hắn ngã xuống và giết hắn. David đã sử dụng cái đầu khi chiến đấu với Goliath. Người Việt Nam chúng tôi cũng làm như thế khi phải chiến đấu với người Mỹ”.

Ngoài ra, còn một số học giả và phóng viên cũng từng lên tiếng phản ánh về cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Trong đó, Neil Sheehan là phóng viên Mỹ nổi tiếng với tác phẩm “A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam” đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Lời nói dối hào nhoáng”. Cuốn sách này được trao giải Pulitzer và giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm phi hư cấu năm 1988. Ông cũng là người đã thu thập được “Hồ sơ Lầu năm góc cho tờ The New York Times năm 1971.

Tương tự, còn có Peter Arnett, phóng viên phương Tây làm việc lâu năm nhất ở miền nam Việt Nam trước tháng 4-1975. Ông làm việc cho hãng thông tấn AP từ năm 1962 cho tới năm 1975. Ông được đánh giá là phóng viên nước ngoài tốt nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các bài viết của Peter Arnett mang nhiều tính phê phán, thường không làm cho giới quân đội Mỹ và chính quyền miền nam Việt Nam hài lòng.

1- Bản tiếng Anh của Nxb Free Press, Simon&Schuster Group, NewYork, 2001, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Tide xuất bản 2003.

2- Larry Berman (2003) - “Không hòa bình, chẳng danh dự. Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam” - Tài liệu đã dẫn (Bản dịch tiếng Việt), tr. 371 - 372.