Chiến dịch tiêu diệt kẻ cầm đầu IS

Ngày 27-10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, sau một thời gian dài lẩn trốn, thủ lĩnh tối cao của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch của quân đội Mỹ. Ngay cả khi thông tin này là sự thật, nhiều chuyên gia khủng bố cho rằng cái chết của trùm khủng bố khét tiếng nhất thế giới sẽ không khiến IS hoàn toàn suy tàn.

Nơi ẩn náu của thủ lĩnh IS bị san phẳng trong chiến dịch vừa qua. Ảnh: AFP
Nơi ẩn náu của thủ lĩnh IS bị san phẳng trong chiến dịch vừa qua. Ảnh: AFP

Cuộc đột kích “Kayla Mueller”

Chiều tối 26-10 (giờ Mỹ), tám chiếc máy bay lên thẳng chở lực lượng đặc nhiệm Delta Force đã xuất hiện trên bầu trời của làng Barisha, tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria. Đây được cho là nơi ẩn náu của trùm khủng bố khét tiếng Abu Bakr al-Baghdadi. Cùng lúc, nhiều khí tài quân sự của Mỹ cũng tham gia nhiệm vụ đột kích “Kayla Mueller”, lấy theo tên nữ tình nguyện viên Mỹ từng bị al-Baghdadi cưỡng hiếp và giết hại năm 2013.

CNN dẫn tiết lộ của Nhà trắng cho biết, lực lượng đặc nhiệm Mỹ xuất phát từ một căn cứ không quân được cho là ở phía tây Iraq. Để tới nơi ẩn náu của thủ lĩnh IS, những chiếc máy bay lên thẳng đã bay hơn một giờ trên khu vực chiến sự có sự giám sát của các quốc gia khác. Trước cuộc đột kích, giới chức Mỹ đã thỏa thuận với Nga, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ để được bay qua vùng không phận ở Syria mà các nước này đang kiểm soát với lý do Mỹ đang triển khai một “chiến dịch đặc biêt”, song không cho biết chi tiết về nhiệm vụ và mục tiêu. Tuy nhiên, Điện Kremlin sau đó bác bỏ thông tin về thỏa thuận của Mỹ.

Cùng thời điểm nhóm biệt kích Delta Force tiếp cận ngôi nhà ở Idlib, cách Syria nửa vòng Trái đất, Tổng thống Trump cùng Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien và các quan chức tình báo khác cũng theo dõi cuộc đột kích qua video được truyền trực tiếp. Ông Trump miêu tả “cảm giác hồi hộp như thể đang xem một bộ phim hành động”.

Theo lời ông chủ Nhà trắng, ngay khi máy bay tiến vào vùng lãnh thổ mà al-Baghdadi đang ẩn náu, đội Delta Force đã bị các tay súng IS tiến công. Tuy nhiên, với kinh nghiệm dày dạn, đặc nhiệm Mỹ đã bắn trả và loại bỏ mối đe dọa. Sau 30 phút bay, đội đặc nhiệm đã hạ cánh tại bãi đất trống cạnh hai ngôi nhà nằm rìa ngôi làng nơi thủ lĩnh IS ẩn náu. Tránh nguy cơ al-Baghdadi gài sẵn bẫy mìn ở cửa chính, đặc nhiệm cho nổ một phần tường tòa nhà. Hai người vợ của al-Baghdadi mang áo khoác bom bị bắn hạ trước khi họ kịp kích nổ. Nhiều tay súng IS cũng bị triệt hạ nhanh chóng.

Sau đó, quân đội Mỹ lục soát từng căn phòng truy tìm trùm khủng bố. Họ phát loa bằng tiếng Arab kêu gọi thủ lĩnh IS đầu hàng song al-Baghdadi đã từ chối, bỏ chạy vào hệ thống đường ngầm và hầm trú ẩn ngay dưới khu nhà. Tổng thống Trump cho biết, thủ lĩnh IS đã “gào khóc, la hét suốt thời gian truy đuổi” cho đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời. Al-Baghdadi sau đó tự kích đai bom tự sát buộc quanh người khi cùng đường, khiến y và ba người con thiệt mạng, đồng thời đánh sập một phần đường hầm.

Dù hình ảnh về mục tiêu bỏ chạy có vẻ ngoài giống như al-Baghdadi, nhưng Tổng thống Mỹ vẫn chưa thể an tâm. Bởi trước đó, không ít lần quân đội các nước tuyên bố đã tiêu diệt thành công tên trùm khủng bố, sau đó vẫn thấy y xuất hiện trở lại. Vì vậy, đặc nhiệm Mỹ được yêu cầu đào đống gạch đá, tìm kiếm phần thi thể còn lại của kẻ vừa tự sát để xét nghiệm ADN tại chỗ. Kết quả cho thấy, đây chính là trùm khủng bố khét tiếng mà cả thế giới truy lùng. Như vậy, theo tuyên bố của mình, Mỹ chính thức tiêu diệt thành công mục tiêu đắt giá nhất cuộc chiến chống IS sau gần 5 năm.

Chưa phải dấu chấm hết cho IS

Trong buổi họp báo với những thông báo chi tiết về cuộc đột kích của Mỹ, Tổng thống Trump cho biết: “Đây là chiến thắng lớn nhất, lớn hơn nhiều so với việc tiêu diệt thủ lĩnh Osama bin Laden của mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda hồi năm 2011”. Truyền thông thế giới cho rằng, cái chết của al-Baghdadi được coi là thắng lợi quan trọng đối với Tổng thống Trump trong bối cảnh ông bị chỉ trích dữ dội vì quyết định rút quân khỏi Syria, vốn có nguy cơ khiến IS trỗi dậy.

Sau khi thông tin được Mỹ công bố, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng chúc mừng thành quả từ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Anh Boris Johnson đăng tải nội dung: “Cái chết của al-Baghdadi là một thời khắc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng đề cao nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến này.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp E.Macron cho rằng, cái chết của al-Baghdadi là một đòn nặng nề đối với IS, song đây chỉ là thành công bước đầu. Pháp sẽ tiếp tục đồng hành cùng liên quân chống khủng bố để đánh bại hoàn toàn tổ chức khét tiếng này. Thủ tướng Israel B.Netanyahu cũng nhấn mạnh: “Tôi muốn chúc mừng Tổng thống Trump về kết quả ấn tượng và chiến dịch giúp tiêu diệt được al-Baghdadi. Điều này phản ánh sự hợp tác hiệu quả của liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS. Đây là bước ngoặt quan trọng và là một phần trong cuộc chiến dài hơi mà chúng ta cần phải chiến thắng”.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù mất đi kẻ cầm đầu song đây chưa phải là dấu chấm hết cho tổ chức khét tiếng nhất thế giới, khi lực lượng còn sót lại đang chờ cơ hội hồi sinh và hệ tư tưởng của tổ chức này vẫn là mối đe dọa đối với an ninh thế giới. Sau thất bại liên tiếp trên các chiến trường tại Iraq và Syria, mấy năm nay, IS đã chuyển sang hoạt động trong bóng tối. Thay vì thực hiện các cuộc tiến công gây chấn động thế giới tại châu Âu, Trung Đông như thời gian trước, IS chuyển sang thực hiện chiến thuật du kích với các vụ khủng bố nhỏ, lẻ tại Iraq, Syria, Afghanistan.

Cái chết của kẻ cầm đầu thậm chí sẽ là động lực cho IS thực hiện các cuộc tiến công bạo lực đẫm máu hơn nhằm trả thù cho al-Baghdadi. Việc tiêu diệt al-Baghdadi, theo các chuyên gia chống khủng bố, cũng không gây nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của IS bởi từ trước tới nay, vai trò của y chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, y không hề tham gia các hoạt động thường ngày của tổ chức này. Ngay sau khi thông tin al-Baghdadi bị tiêu diệt được công bố, IS đã lập tức bầu Abdullah Qardash, có biệt danh là “Giáo sư” đảm nhận vị trí thủ lĩnh mới.

Theo The New York Times, thời gian qua, IS vẫn cho thấy sự đe dọa của tổ chức này đối với an ninh thế giới. Không chỉ tích cực hoạt động tại các địa bàn cũ, IS đang mở rộng địa bàn, vươn “vòi” sang các nước Đông - Nam Á. Bằng chứng là Indonesia, Philippines, Thái-lan thời gian gần đây đã hứng chịu các cuộc tiến công đẫm máu mà sau đó IS lên tiếng nhận trách nhiệm.

Không chỉ vậy, sau khi thất bại trên chiến trường, hàng loạt tay súng nước ngoài đã trở về các quốc gia châu Âu, trở thành những “con sói đơn độc” với âm mưu đe dọa tiến công khủng bố. Lo ngại hơn, ý thức hệ và tư tưởng cực đoan của tổ chức này vẫn đang được truyền bá và có ảnh hưởng lớn. Nhiều thanh niên bị nhiễm tư tưởng cực đoan mà IS gieo rắc tại các nước cũng sẵn sàng “tiếp sức” theo lời kêu gọi của IS.

Những diễn biến trên cho thấy, cái chết của al-Baghdadi sẽ không có tác động lớn đối với IS trong bối cảnh hiện nay. Do đó, giới phân tích cho rằng, ngay cả khi tiêu diệt thành công thủ lĩnh tối cao của IS, cuộc chiến chống tổ chức khủng bố này vẫn chưa thể chấm dứt. Các quốc gia trên thế giới vẫn cần đề cao cảnh giác và có những chính sách bảo đảm an ninh linh hoạt hơn để đối phó các cách thức hoạt động khủng bố mới của tổ chức này.