Bước tiến về chống trốn thuế trên toàn cầu

Ngày 10-10 vừa qua, trang chủ của Hội đồng châu Âu (EUC) đưa tin Bộ trưởng Tài chính của 28 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Luxembourg và nhất trí đưa Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đảo quốc Marshall ra khỏi danh sách đen “thiên đường thuế”. Năm quốc gia khác là Thụy Sĩ, Albania, Mauritius, Costa Rica, và Serbia cũng được ra khỏi danh sách xám “thiên đường thuế” nhờ tuân thủ các cam kết về hợp tác thuế quan.

Các quan chức EU nhóm họp tại Luxembourg về chống gian lận thuế. Ảnh: EU2019
Các quan chức EU nhóm họp tại Luxembourg về chống gian lận thuế. Ảnh: EU2019

“Thiên đường” che giấu tài sản, trốn thuế

Theo đánh giá của Nghị viện châu Âu (EP), các quốc gia bị liệt vào danh sách “thiên đường thuế” (bao gồm ba cấp độ: đen, xám và trắng) là những nơi cung cấp cho các đối tượng nộp thuế, bao gồm pháp nhân và cá nhân, cơ hội trốn thuế một cách bí mật, đồng thời phục vụ mục đích che giấu nguồn gốc thật sự của tài sản đến từ các hoạt động phi pháp. Những nước trong danh sách “thiên đường thuế” có một điểm chung là đều áp dụng mức thuế rất thấp hoặc bằng không, sử dụng chính sách bí mật trong việc cung cấp thông tin về đối tượng nộp thuế, qua đó tạo kẽ hở cho hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bởi vậy, các “thiên đường thuế” được coi là những vùng “ngoại biên” của nền kinh tế toàn cầu, nơi nhiều tập đoàn lớn, hay các nhân vật nổi tiếng, tổ chức “xã hội đen”, hoặc tầng lớp giàu có lui tới che giấu tài sản và trốn thuế.

Các chuyên gia về thuế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, giai đoạn 2015 - 2018, các “thiên đường thuế” đã khiến chính phủ nhiều nước thiệt hại tiền thuế doanh nghiệp mỗi năm từ 500 - 600 tỷ USD. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ nhiều nước chịu áp lực phải chấm dứt các khoản thâm hụt ngân sách lớn khi nhiều ngân hàng có vốn từ tiền thuế nhà nước tuyên bố phá sản. Ngoài ra, việc “thiên đường thuế” cho phép các công ty lớn và những cá nhân giàu có tránh phải đóng phần thuế của mình cho xã hội đã gây sai lệch trong hệ thống thuế suất. Hậu quả là bất công xã hội và phân hóa giàu nghèo gia tăng, khi những người giàu ngày càng trở nên giàu có hơn, trong khi hàng triệu người sẽ trở nên nghèo đói, phúc lợi xã hội từ tiền thuế bị ảnh hưởng, thậm chí bị cắt giảm.

Đỉnh điểm của tình trạng này là sự kiện tháng 4-2016, khi Wolfgang Krach - Tổng Biên tập của tờ Suddeutsche Zeitung (Đức), quyết định chia sẻ “Hồ sơ Panama”, gồm 11,5 triệu trang tài liệu nội bộ mà tòa báo nhận được hồi đầu năm 2015, cùng quyết định hợp tác điều tra với Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Với 2,6 terabyte dữ liệu, “Hồ sơ Panama” chứa thông tin trong suốt 40 năm hoạt động (từ năm 1977 đến tháng 12-2015) của Công ty luật Mossack Fonseca tại Panama, liên quan tới hoạt động rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế. Đây được coi là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử khi “Hồ sơ Panama” liên quan 14.153 khách hàng, là công dân của 202 quốc gia, trong đó có 143 chính trị gia. Theo ước tính của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), số “tiền đen” cất giấu ở khoảng 100 “thiên đường trốn thuế”, như Panama, Thụy Sĩ, Luxembourg, bang Delaware (Mỹ),… có thể vào khoảng 21.000 - 32.000 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP toàn cầu.

Giải pháp ngăn chặn

Ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD) là tổ chức đa quốc gia đi đầu trong việc lập ra một danh sách các “thiên đường thuế”, cập nhật trên cơ sở cam kết của các quốc gia thành viên với một số tiêu chí cụ thể. Sau Hội nghị cấp cao của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Toronto (Canada) năm 2010, các nước bị liệt kê vào danh sách “thiên đường thuế” đã được phân loại thành “danh sách đen”, “danh sách xám” và “danh sách trắng”, dựa trên các cam kết được đưa ra và mức độ thực hiện của các nước này. Trong số các tổ chức lập danh sách những quốc gia có liên quan vấn đề thuế, Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin cho mục đích thuế đóng vai trò hiệu quả nhất trong quá trình minh bạch thuế, vì đó là khuôn khổ hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế thuộc OECD và các nước không thuộc OECD từ năm 2000.

Trong thời đại phát triển của kinh tế số, OECD cũng đưa ra một số dự án lớn. Đầu tiên là đề xuất “Tiêu chuẩn báo cáo chung” (CBR), một chế độ tự động trao đổi thông tin tài chính xuyên biên giới giúp cơ quan thuế theo dõi việc nắm giữ tài sản ở nước ngoài của người nộp thuế. Nhờ có CBR, vào tháng 7-2019, OECD ước tính đã có khoảng 90 quốc gia chia sẻ thông tin về 47 triệu tài khoản chứa hơn 5,4 nghìn tỷ USD. Qua đó, tiền gửi ngân hàng ở các “thiên đường thuế” đã giảm từ 20 - 25% và thu hồi được 104,75 tỷ USD tiền thuế bổ sung cho các nước thành viên của OECD và Nhóm G20.

Thực tế cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng những “kẽ hở” quản lý để tránh nghĩa vụ thuế thông qua nhiều hành vi gây “xói mòn cơ sở tính thuế hoặc chuyển dịch lợi nhuận”, từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp. Theo ước tính của OECD, các hành vi nói trên gây thất thoát từ 100 đến 240 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Bởi vậy, tháng 9-2013, tại Hội nghị cấp cao G20 diễn ra tại St. Petersburg (Nga), các nguyên thủ quốc gia G20 đã thông qua một dự án nhằm liên kết nỗ lực toàn cầu chống lại mọi hành vi trốn thuế, đồng thời giao cho OECD xây dựng chương trình hành động cụ thể. Tháng 11-2015, tại Hội nghị cấp cao G20 diễn ra tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), các nguyên thủ quốc gia đã thông qua gói kế hoạch triển khai 15 hành động cụ thể do OECD đề xuất. Đây là những hành động để giải quyết các vấn đề liên quan nền kinh tế số, quản lý việc doanh nghiệp thành lập các chi nhánh ở nước ngoài nhằm mục tiêu tránh thuế, phối hợp chia sẻ thông tin thuế…

Mặc dù lâu nay, ngăn chặn hoạt động trốn thuế, rửa tiền luôn được các chính phủ và tổ chức quốc tế coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhưng sự kiện “Hồ sơ Panama” năm 2016 cho thấy kết quả thu được từ các biện pháp trên còn chưa cao. Trong đó, EU cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các “thiên đường thuế”. Đơn cử, sau khi thông tin của “Hồ sơ Panama” bị phanh phui, trong cuộc họp ngày 12-4-2016, các nhà lãnh đạo EU thông báo “hoạt động trốn thuế khiến EU thất thu hơn 77 tỷ USD mỗi năm”. Bởi vậy, các thành viên EU đã tiến hành một số giải pháp khác nhằm cải thiện quản trị thuế ở cấp độ toàn cầu và tối đa hóa các nỗ lực chống gian lận, trốn thuế.

Ngày 5-12-2017, EU thông qua một “danh sách đen” gồm các “thiên đường thuế” hoạt động bên ngoài EU, kèm theo nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế và kiểm soát chặt chẽ mọi giao dịch tới các khu vực này. Tuy nhiên, EU cũng tạo ra một “danh sách xám” bao gồm các quốc gia đủ điều kiện trở thành “thiên đường thuế”, nhưng đã có cam kết cải cách, bảo đảm làm minh bạch hệ thống thuế và công bằng thuế suất. Trường hợp của Thụy Sĩ vừa qua là tín hiệu lạc quan của chính sách khuyến khích các khu vực “thiên đường thuế” thay đổi tích cực thông qua hợp tác. Trong buổi họp báo sau khi công bố kết quả này, ông Pierre Moscovici, Cao ủy EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính, thuế và hải quan đánh giá: “Đối với tôi, việc Thụy Sĩ được loại khỏi “danh sách xám” là một thành công. Bởi danh sách càng ngắn càng chứng tỏ hiệu quả của các chính sách chống gian lận, trốn thuế”.