Bước tiến trong giáo dục tại Ấn Độ

Mới đây, Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ thông báo, nước này sẽ xóa bỏ toàn bộ hệ thống thi cử tại cấp học phổ thông, vốn là vấn đề nhức nhối tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Đây được xem là một trong những yếu tố tiên quyết để Ấn Độ tiến tới một nền giáo dục hiện đại, bắt kịp những thay đổi của nền kinh tế.

Học sinh bị bắt phải đội thùng các-tông trong khi thi để tránh gian lận ở Ấn Độ. Ảnh: WORDPRESS
Học sinh bị bắt phải đội thùng các-tông trong khi thi để tránh gian lận ở Ấn Độ. Ảnh: WORDPRESS

Theo người phát ngôn Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ, nước này sẽ xóa bỏ các kỳ thi ở cấp học phổ thông kể từ năm 2021. Dự kiến, các bước chuẩn bị cuối cùng cho một nền giáo dục phổ thông hoàn toàn không thi cử sẽ được hoàn thành chậm nhất là vào tháng 10-2020.

Cũng theo Bộ trên, các hình thức đánh giá khả năng của học sinh sau khi xóa bỏ các kỳ thi vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện. Dù vậy, giới chức Ấn Độ cho biết, nhiều khả năng năng lực của học sinh sẽ được đánh giá theo cả quá trình thông qua việc học sinh thực hiện các đề tài, chủ đề học, hay qua các buổi thảo luận. Mục đích là để học sinh tăng tính sáng tạo, nhận thức việc học là lâu dài chứ không phải là học vẹt, học đối phó với các kỳ thi như hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quyết định của Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ là bước đi cần thiết cho sự phát triển của nền giáo dục Ấn Độ. Bởi suốt nhiều năm qua, thi cử được cho là đã không giúp học sinh cải thiện năng lực, thậm chí còn đem lại những hệ quả tiêu cực, đặc biệt là gian lận thi cử tại quốc gia này. Theo đó, không chỉ ở kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), hàng loạt kỳ thi khác tại Ấn Độ cũng đều tồn tại tình trạng gian lận thi cử một cách ngang nhiên.

Theo Reuters, xóa bỏ thi cử đang trở thành một xu thế của giáo dục hiện đại. Trước đó, tháng 9-2019, Singapore cũng chấm dứt các kỳ thi tại cấp học phổ thông, trong khi Phần Lan từ lâu đã có quy định cấm tiến hành các kỳ thi đối với học sinh dưới 18 tuổi. Nhiều quốc gia khác trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản,… cũng quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tốt nghiệp dựa vào điểm số trong học bạ, hoặc học theo chương trình tú tài quốc tế và thi để lấy kết quả vào đại học.

Trước khi quyết định của giới chức Ấn Độ được đưa ra, nước này đã phải đối mặt hệ lụy nghiêm trọng từ việc thi cử. Theo đó, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT - kỳ thi có tỷ lệ chọi vô cùng khắt khe, cao gấp 10 lần các kỳ thi vào trường đại học danh giá như Oxford hay Cambridge của Anh, các đường dây gian lận thi cử hoạt động vô cùng mạnh mẽ. Đường dây gian lận thi cử kiếm tiền bằng cách giải bài thi hộ trực tuyến, leo tường ném đáp án cho thí sinh trong phòng thi... Mạng lưới này len lỏi khắp mọi nơi nhằm trục lợi từ những phụ huynh muốn tìm cách cho con em mình vào đại học với hy vọng kiếm được một việc làm ổn định trong tương lai.

Hàng loạt kỳ thi khác tại Ấn Độ cũng đối mặt tình trạng gian lận thi cử nghiêm trọng. Tháng 2-2018, hơn 1.000 sinh viên ở bang Bihar, một trong những khu vực nghèo nhất nước này, đã bị đuổi học vì gian lận thi cử. Trước đó, năm 2015, Bihar từng trở thành tâm điểm về nạn gian lận thi cử, sau khi trên internet xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh những đối tượng trong các đường dây gian lận và nhiều phụ huynh trèo thang lên một tòa nhà năm tầng để “ném phao” cho thí sinh đang ngồi trong phòng thi.

Năm 2017, một học sinh đỗ thủ khoa trong kỳ thi năng khiếu vào một trường đại học nghệ thuật, nhưng sau đó bị phát hiện gian lận vì đã nhờ một người đàn ông 42 tuổi gửi câu trả lời. Học sinh này chỉ bị phát hiện sau khi đưa ra phát ngôn ngờ nghệch trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình về chính lĩnh vực mà mình vừa đạt điểm cao nhất.

Bước tiến trong giáo dục tại Ấn Độ ảnh 1

Cảnh ngang nhiên ném tài liệu hỗ trợ tại một điểm thi ở Ấn Độ. Ảnh: AP

Theo The New York Times, nạn gian lận trong thi cử tại Ấn Độ bắt nguồn từ áp lực lớn phải có tấm bằng đại học của học sinh và phụ huynh. Theo quan niệm của người dân Ấn Độ, vào được đại học cũng đồng nghĩa cơ hội việc làm sẽ cao hơn các đối tượng khác. Trên thực tế, một thống kê từ The Guardian cho thấy, mỗi năm có khoảng 17 triệu nhân lực tại Ấn Độ bước vào tuổi đi làm trong khi chỉ có khoảng 5,5 triệu việc làm dành cho các đối tượng này. Ngoài ra, hệ thống giáo dục đầy bất cập tại Ấn Độ cũng tạo ra những kẽ hở giúp các đường dây gian lận thi cử hoạt động mạnh mẽ.

Nhưng không chỉ vậy, các nhà quản lý, giáo viên sẽ được thưởng, tăng lương, thăng chức nếu lớp, trường học hoặc khu vực họ quản lý có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao. Chính hệ thống giáo dục coi trọng số lượng hơn chất lượng đã khiến mục tiêu đào tạo bị lệch lạc, dẫn đến việc nhiều nhà quản lý, giáo viên ngầm ủng hộ học sinh gian lận thi cử để lấy thành tích. Thậm chí, nhiều giáo viên luyện thi tại Ấn Độ còn đứng ra làm “môi giới” cho các phụ huynh có nhu cầu tiến hành giao dịch với người cung cấp đáp án. Chính quyền Ấn Độ cũng bị cho là chỉ tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng trường lớp mà chưa quan tâm đến chất lượng giáo viên và học sinh.

Trước tình hình gian lận thi cử ngày càng trở nên phổ biến, nhiều cơ sở giáo dục Ấn Độ đã tự đề ra những biện pháp chống gian lận. Thậm chí trường Dự bị đại học Bhagat tại quận Haveri, bang Karnataka chống gian lận thi cử bằng cách yêu cầu sinh viên đội hộp carton trên đầu trong khi làm bài thi, chỉ để hở phần trước mặt, để họ không thể quay mặt sang hai bên với mục đích nhìn hay hỏi bài. Tuy nhiên, “sáng kiến” này sau đó đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội. Không ít người cho rằng cách làm này là “vô nhân đạo” đối với học sinh.

Trong khi đó, giới chức Ấn Độ cho biết, đã yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay với những kẻ phạm tội và dẹp bỏ đường dây gian lận thi cử. Chính quyền Ấn Độ cũng cam kết nỗ lực cải thiện hệ thống dữ liệu bài thi để không xảy ra các vụ rò rỉ đề thi. Lực lượng cảnh sát cũng được tăng cường tham gia giám sát tại các địa điểm thi trước tình trạng trông thi lỏng lẻo của giám thị.

Việc xóa bỏ hệ thống thi cử trong cấp học phổ thông vừa được thông báo thời gian qua được cho là bước tiến lớn trong hệ thống giáo dục Ấn Độ. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, đây chỉ là bước đi đầu tiên trong nỗ lực cải cách hệ thống giáo dục, hướng đến chất lượng thay vì số lượng. Nhà chức trách nước này cần có những biện pháp hiệu quả hơn trong việc cải tổ mới có thể chấm dứt hoàn toàn nạn gian lận thi cử cùng những bất cập khác trong hệ thống giáo dục.