Biểu tượng của Tòa án Tối cao Mỹ

Ruth Bader Ginsburg được biết đến là nữ thẩm phán có thời gian phục vụ lâu nhất tại Tòa án Tối cao Mỹ. Bà luôn đấu tranh không mệt mỏi cho nữ quyền, công lý và được rất nhiều người dân Mỹ và trên thế giới ngưỡng mộ. Ngày 18-9 vừa qua, bà qua đời ở tuổi 87 tại nhà riêng ở Thủ đô Washington D.C do các biến chứng của bệnh ung thư tuyến tụy. 

Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg. Ảnh: AP
Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg. Ảnh: AP

Sóng gió thuở ban đầu

Theo Russian7, Ruth Joan Bader (sau này là Ruth Bader Ginsburg) sinh ngày 15-3-1933 tại TP New York. Bà là con gái thứ hai trong một gia đình gốc Do Thái, do đó bà đã được học phong tục và tiếng Do Thái. Bố của bà là ông Nathan Bader, di cư sang Mỹ từ vùng Odessa của Liên Xô (trước đây). Mẹ của bà là Celia Bader, một phụ nữ gốc Ba Lan. Bà lớn lên tại một khu phố thuộc tầng lớp lao động có thu nhập thấp ở Brooklyn, New York. 

Mẹ của Ruth Joan Bader có ảnh hưởng rất lớn tới bà bởi sự dạy dỗ chu đáo. Tại Trường trung học James Madison, Ruth Joan Bader chăm chỉ học tập và đạt thành tích xuất sắc. Năm 1954, bà tốt nghiệp Đại học Cornell với vị trí đứng đầu lớp. Cùng năm đó, bà kết hôn với sinh viên ngành Luật là Martin D. Ginsburg. Bà cũng là thành viên nữ đầu tiên của tạp chí pháp lý uy tín Harvard Law Review. Sau đó, bà Ginsburg nhận được việc làm mới tại New York. Nhờ có thu nhập tốt hơn, bà có điều kiện để tiếp tục theo học Trường Luật Columbia. Năm 1959, bà tốt nghiệp hạng nhất và sau này trở thành nữ giáo sư đầu tiên của trường. Tuy nhiên, bà lại gặp khó khăn khi đi xin việc do có nguồn gốc là người Do Thái và sự phân biệt giới tính. 

Trong quá trình giảng dạy tại Đại học Luật Rutgers (1963-1972) và Đại học Columbia (1972-1980), năm 1970, bà Ginsburg cùng một số nữ luật sư khác thành lập tạp chí về quyền phụ nữ, là tạp chí ngành luật đầu tiên của Mỹ tập trung đề cao nữ quyền. Bà cũng là người đầu tiên được nhà trường giao việc nghiên cứu về vấn đề kỳ thị giới tính nam, nữ. Đáng chú ý, năm 1972, bà đồng thành lập Dự án Quyền phụ nữ tại Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU). Năm 1973, Bader Ginsburg là người đứng đầu bộ phận pháp lý của ACLU, tham gia tranh luận sáu vụ kiện quan trọng về bình đẳng giới trước Tòa án Tối cao Mỹ, vạch trần hơn 300 vụ kỳ thị giới tính, làm sáng tỏ vấn đề những vụ bất công, trả lại bình quyền cho nữ giới. 

Năm 1980, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đã bổ nhiệm Ruth Bader Ginsburg vào Tòa Phúc thẩm Liên bang quận Columbia. Năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton bổ nhiệm bà làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, thay ông Byron White. Vượt qua nhiều nghi ngại, bà được thừa nhận và trở thành nữ Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ. Tính đến thời điểm được bổ nhiệm, bà Ruth Bader Ginsburg là nữ thẩm phán thứ hai của Tòa án Tối cao Mỹ, sau nữ Thẩm phán Sandra Day O’Connor dưới thời Tổng thống Ronald Reagan năm 1981 và là nữ thẩm phán gốc Do Thái đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Cả đời đấu tranh cho công lý và bình quyền 

Theo trang Vox.com, bà Ginsburg có một niềm tin mãnh liệt rằng luật pháp không phân biệt giới tính, và tất cả các nhóm người trong xã hội đều được hưởng quyền bình đẳng. Một trong năm vụ kiện mà bà thắng kiện trước Tòa án Tối cao liên quan Đạo luật An sinh xã hội mang lại một số lợi ích nhất định cho những góa phụ. Khi trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, bà thể hiện tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ bình đẳng giới, quyền của người lao động... Năm 1996, bà Ginsburg có thắng lợi bước ngoặt liên quan chính sách chỉ nhận nam giới, từ chối tiếp nhận phụ nữ tại Viện Quân sự Virginia. Bà khẳng định không có điều khoản nào từ chối nữ giới tham gia, cống hiến năng lực cho xã hội. Năm 1999, bà đã giành Giải thưởng Thurgood Marshall của Hiệp hội Luật sư Mỹ vì các đóng góp cho bình đẳng giới và quyền công dân. 

Những năm sau này, bà Ginsburg luôn nỗ lực thúc đẩy quyền của phụ nữ từ Tòa án Tối cao, thể hiện rõ nét vai trò quan trọng của mình trong chính trường Mỹ. Có thể kể đến là việc thúc đẩy thông qua Luật Hôn nhân đồng giới tại 50 bang ở Mỹ vào tháng 6-2015. Irin Carmon, đồng tác giả cuốn sách “Notorious RBG” đã thể hiện sự ngưỡng mộ bà: “Ngay cả khi đã 85 tuổi, bà Ginsburg vẫn bám trụ với cam kết đấu tranh cho công bằng và bình đẳng. Chúng ta không có nhiều cá nhân như bà ấy”. 

Sự nghiệp của bà là vậy, song bà gặp phải biến cố lớn trong cuộc đời khi cuộc hôn nhân 56 năm của cặp vợ chồng sinh viên trường luật bỗng trở nên dang dở. Năm 2010, ông Martin Ginsburg chồng bà đã qua đời vì căn bệnh ung thư. Bà biết ơn chồng, vì ông chính là chỗ dựa vững chắc nhất của bà. Chồng bà là người hòa đồng và hài hước, trong khi bà là người nghiêm túc, ít nói và khá nhút nhát. Ông Martin đã lý giải cuộc sống hôn nhân hạnh phúc được tạo nên bởi sự khác biệt giữa hai người: “Vợ tôi không cho tôi lời khuyên nào về nấu ăn và tôi cũng không cho cô ấy lời khuyên nào về luật pháp”. 

Trang Forbes.com ngày 18-9 đưa tin nữ Thẩm phán Ruth Ginsburg qua đời vì căn bệnh ung thư tuyến tụy. Sự ra đi của bà để lại nhiều thương tiếc cho người dân Mỹ, bởi từ lâu họ đã coi bà là biểu tượng của “công lý và bình quyền”. Nhiều phụ nữ Mỹ ngưỡng mộ bà, thậm chí trang phục của bà cũng được coi là một xu hướng thời trang. Cuộc đời, sự nghiệp của Ginsburg đã được Hollywood dựng thành phim, với vai nữ thẩm phán do diễn viên nổi tiếng Natalie Portman đảm trách. Chánh án John Roberts tuyên bố: “Quốc gia của chúng ta đã mất đi một luật gia có tầm vóc lịch sử. Chúng tôi đã mất đi một đồng nghiệp đáng tin cậy. Hôm nay, chúng tôi tiếc thương bà, nhưng tin rằng các thế hệ tương lai sẽ luôn nhớ về Ruth Bader Ginsburg như những gì chúng tôi biết về bà, một người đấu tranh không mệt mỏi và kiên cường cho công lý”. 

Việc bà Ginsburg qua đời cũng tác động không nhỏ đến chính trường Mỹ, để lại một khoảng trống tại Tòa án Tối cao, làm phát sinh cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc lựa chọn người thay thế. Ngày 26-9, Tổng thống Donald Trump thông báo người được chọn thay thế bà Ginsburg là nữ Thẩm phán Amy Coney Barrett của Tòa Phúc thẩm liên bang Khu vực số 7, là người theo trường phái bảo thủ. Việc bổ nhiệm người thay thế Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg không chỉ trở thành một trong những vấn đề được quan tâm tại Mỹ vào thời điểm chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3-11 vừa qua, mà còn được nhìn nhận như một “phép thử” với nền dân chủ Mỹ về dài hạn, bởi vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ rất quan trọng, có thể thay đổi cán cân quyền lực của cơ quan tư pháp liên bang.

Theo giới quan sát, từng có thời điểm, cái tên Ruth Bader Ginsburg đã được nhắc đến nhiều không khác những diễn viên, ca sĩ nổi tiếng thế giới. Là vị thẩm phán hiếm hoi luôn cởi mở với truyền thông, bà Ginsburg tạo sức thu hút với những câu trả lời thông minh, sâu sắc. Có thể nói, trong suốt 27 năm làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, bà đã trở thành “người hùng” của phong trào pháp lý tiến bộ ở “xứ cờ hoa”.