Biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu

Từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019 và bùng phát mạnh mẽ, đến nay đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị và xã hội toàn cầu. Đại dịch lan rộng đến tất cả các khu vực trên hành tinh, buộc các quốc gia và vùng lãnh thổ phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và cách ly. Theo đó, nhu cầu di chuyển của con người cũng giảm, khiến thị trường năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng. 

opec+ phải giảm sản lượng ở mức kỷ lục do dịch bệnh. Ảnh: AP
opec+ phải giảm sản lượng ở mức kỷ lục do dịch bệnh. Ảnh: AP

Trong bối cảnh đó, có thể thấy rõ giao thông là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, đặc biệt là ngành hàng không. Giới chuyên gia ước tính, dự kiến ​​GDP toàn cầu giảm 6% trong năm nay và chỉ có thể phục hồi sau vài năm nữa. Tiêu thụ năng lượng giảm, ảnh hưởng gần như toàn bộ chuỗi sản xuất và hầu hết lĩnh vực của ngành này, ngoại trừ năng lượng tái tạo và kinh doanh internet. Theo Bloomberg, dự kiến doanh số bán dầu sẽ giảm 9% đến hết năm nay, quay lại mức tiêu thụ của năm 2012; nhu cầu than đá sẽ giảm 8% do sản lượng điện giảm 5%; sử dụng khí đốt giảm 5% và tiêu thụ điện hạt nhân giảm 3%; lĩnh vực năng lượng tái tạo dự kiến ​​tăng trưởng 1%.

Để ổn định giá dầu mỏ ở mức chấp nhận được cho cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã thông qua một hiệp định nhằm thể hiện nỗ lực chung ở cấp độ quốc tế. Để ứng phó tác động của đại dịch Covid-19, trong ba tháng, từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, các nước OPEC+ đã triển khai tới 95% thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức kỷ lục (khoảng 9,7 triệu thùng/ngày). Sau đó, các nước OPEC+ nhất trí tiếp tục duy trì mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày đến cuối năm nay. Điều này phần nào giúp giải quyết được tình hình giá dầu lao dốc do dư thừa nguồn cung. Bằng các nỗ lực quốc tế, tháng 7-2020, giá dầu thô Brent Biển Bắc và dầu WTI trên thị trường Mỹ đạt tới mức tương đối an toàn là 40 USD/thùng, còn giá dầu thô Urals của Nga đạt 43,91 USD/thùng, thấp hơn so với mức 63,34 USD/thùng cùng kỳ năm ngoái. 

Biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu -0
 Ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Ảnh: INQUIRER

Cuối năm 2019, sự biến động nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch đã được thể hiện trên các thị trường năng lượng thế giới. Cụ thể, năm 2019, nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch tăng trưởng 1,3%, chỉ bằng một nửa chỉ số của năm 2018 (2,8%), thấp hơn 23% so mức trung bình của cả thập kỷ. Mức tăng trưởng khiêm tốn này có được là do nhu cầu tăng của Trung Quốc, quốc gia chiếm 24% lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Giới quan sát cũng ghi nhận, trong vòng một thập kỷ qua, dầu mỏ vẫn giữ vững vị trí số một trong các loại nhiên liệu, tiếp đó là khí đốt. Việc tiêu thụ nguồn năng lượng từ than đá, vốn được đánh giá là gây hại nhiều nhất tới môi trường đã giảm. Nguồn năng lượng tái tạo tiếp tục được nhiều nước ưu tiên lựa chọn, nhờ chi phí đầu tư cho sản xuất ngày càng giảm, trong khi giá thành xây dựng các nhà máy điện gió, chế tạo tấm pin mặt trời và các bộ chuyển đổi năng lượng khác cũng rẻ hơn.

Trong bức tranh toàn cảnh về năng lượng toàn cầu, thời gian qua tình hình khai thác khí đốt cũng có những biến đổi với sự nổi lên của Trung Quốc. Từ năm 2009 - 2019, nước này đã tăng gần gấp đôi khai thác khí đốt nội địa, tương đương sản lượng của Qatar - một trong những quốc gia xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới. Dù chưa thể bằng Nga, song Trung Quốc đã vượt qua các nền kinh tế khai thác khí đốt truyền thống như Canada, Australia, Na Uy hay Algeria. 

Đặc thù của thương mại khí đốt quốc tế là một phần nhiên liệu được cung cấp bằng đường ống, phần còn lại ở dạng LNG, được chứa tại các kho đặc biệt và vận chuyển trên các tàu chở khí chuyên dụng. Cả hai hình thức giao dịch này đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Trong vài thập kỷ qua, cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn là một hình thức kinh doanh phổ biến, được ràng buộc chặt chẽ với các hướng vận chuyển và những quốc gia đối tác. Đường ống dẫn khí đốt có khả năng chuyên chở cao, lưu lượng lớn, có khả năng đáp ứng nhu cầu của các quốc gia tiêu thụ dài hạn. Trong khi đó, việc kinh doanh LNG thường có chi phí cao hơn khí đốt vận chuyển theo đường ống, nhưng lại linh hoạt hơn đối với những nước không muốn bị phụ thuộc vào đường ống. Trong phân khúc này, việc lựa chọn khối lượng hàng hóa, nhà cung cấp và người mua, nguồn hàng, các điều khoản hợp tác đều được tiến hành một cách linh hoạt và dễ dàng hơn, ít xảy ra tình trạng “khóa” đường ống khi tranh chấp phát sinh. 

Nếu như cuối những năm 2000, LNG chỉ chiếm hơn một phần ba trong cơ cấu nguồn cung cấp khí đốt quốc tế, thì đến năm 2019, chỉ số đó đã tăng 49,3%, là minh chứng rõ ràng về sự thành công trong phát triển lĩnh vực này. Theo Business Insider, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Qatar luôn dẫn đầu về khai thác LNG. Tiếp đó là Australia, Mỹ và Nga. 

Giai đoạn 2018 - 2019, sản lượng khai thác than đá toàn cầu cũng có biến động, tăng khoảng 1,5%, trong khi sản lượng điện hạt nhân tăng 3,2%. Khi khoa học - công nghệ phát triển, cơ cấu sản xuất và tiêu thụ nguồn tài nguyên thứ cấp quan trọng như điện năng đang thay đổi. Chỉ trong hai năm 2018 và 2019, mức tiêu thụ tất cả các loại tài nguyên năng lượng tăng khoảng 20%, riêng tiêu thụ điện ước tính tăng hơn 30%. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng điện tăng gấp hai lần và đứng đầu thế giới, vượt qua Mỹ, Ấn Độ và Nga. Tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo cũng tăng lên tới 10%, với hơn một nửa nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp bởi điện gió và 26% là năng lượng mặt trời.

Sản xuất và tiêu thụ các nguồn năng lượng trên thế giới đang tăng đều đặn, chủ yếu do nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển. Quá trình này có thể bị hạn chế tạm thời và không đáng kể bởi các hiện tượng khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và các trường hợp tương tự khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 đang tác động không nhỏ ngành năng lượng thế giới theo cách khó đoán định, buộc chính phủ nhiều nước và các tổ chức quốc tế phải tìm cách ổn định giá năng lượng. Hiện, một số quốc gia ở Trung Đông và Mỹ đã phải tạm dừng kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo cũng như chuyển hướng kinh doanh nhiên liệu, do dịch Covid-19 khiến nguồn cung dư thừa.