Báo động tình trạng băng tan

Theo The Guardian, thời gian vừa qua, những dòng sông băng tại Greenland (Đan Mạch), Bắc Cực và Thụy Sĩ có tốc độ tan nhanh chưa từng có trong lịch sử. Điều này cho thấy những hệ quả nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu (BĐKH), đòi hỏi các chính phủ trên thế giới cần phải nhanh chóng hành động để tránh những hậu quả không thể khắc phục.

Các nhà khoa học đo tốc độ băng tan tại Greenland. Ảnh: ALAMY
Các nhà khoa học đo tốc độ băng tan tại Greenland. Ảnh: ALAMY

Những số liệu giật mình

Tháng 7 vừa qua, số liệu của Viện Khí tượng Đan Mạch cho thấy, 197 tỷ tấn băng ở Greenland (quốc đảo tự trị thuộc Đan Mạch ở Bắc Cực) đã tan vào Đại Tây Dương. Đặc biệt, một sự kiện chấn động đã xảy ra vào ngày 2-8, một trong những ngày nóng nhất của mùa hè năm nay. Theo đó, người dân địa phương tại làng Kulusuk của Greenland đã nghe thấy âm thanh của một vụ nổ khi khối băng có kích thước của một sân bóng đá bị vỡ, tách ra khỏi dòng sông băng Helheim kéo dài hơn 8 km.

Thời gian gần đây, sông băng Helheim đã ghi nhận nhiều vụ băng nứt và tách. Năm 2017, sông băng này đã mất đi 3,2 km2 diện tích. Năm 2018, nhóm các nhà khoa học thuộc Trường đại học New York (Mỹ) đã phát hiện một tảng băng dài 1,6 km tách khỏi bề mặt Helheim và tan chảy. Năm 2019, tốc độ tan băng của Helheim dường như vẫn không chậm lại. “Mỗi ngày có đến hàng chục mét băng tách khỏi con sông”, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết.

Hiện, tốc độ băng tan chảy tại Greenland nhanh gấp sáu lần so những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là các thông tin đáng báo động về tình trạng ấm lên của Trái đất. Theo đánh giá của NASA, những dòng sông băng như Helheim, hoặc thậm chí những con sông nhỏ hơn quanh các ngôi làng như Kulusuk, đều có khả năng khiến mực nước biển toàn cầu dâng tới nửa mét chỉ trong một tháng. “Greenland ảnh hưởng đến cả hành tinh. Một tỷ tấn băng mất đi ở đây sẽ làm mực nước biển dâng tại các khu vực như Đông - Nam Á, Mỹ, châu Âu, Australia. Tất cả chúng ta đều kết nối cùng các đại dương”, đại diện NASA nhận định.

Trong khi đó, ngày 15-10 vừa qua, sau khi đo lường 20 dòng sông băng, Ủy ban Băng quyển thuộc Viện Hàn lâm khoa học Thụy Sĩ cho biết, tỷ lệ băng tan trong năm nay tại Thụy Sĩ đã đạt “mức cao kỷ lục”. Trước đó, Thụy Sĩ đã trải qua một mùa đông với lượng tuyết cao bất thường. Điều này làm các nhà khoa học hy vọng có thể giúp tình trạng băng tan chậm hơn. Thực tế, trong tháng 4 và tháng 5-2019, lượt tuyết bao phủ trên các dòng sông băng cao hơn 20 - 40% so thông thường, với một số khu vực ghi nhận các lớp băng dày khoảng sáu mét ở thời điểm cuối tháng 6. Tuy nhiên, sau hai tuần thời tiết nóng nực vào cuối tháng 6 và cuối tháng 7, lượng tuyết và băng tan chảy trên các dòng sông băng ở Thụy Sĩ đã ở mức cao kỷ lục.

Nghiên cứu trên được công bố chưa đầy một tháng sau khi hàng trăm người đã tổ chức lễ tưởng niệm cho sông băng Pizol sắp biến mất vì sự ấm lên trên toàn cầu. Đây là một trong hơn 500 dòng sông băng đang dần biến mất trên dãy núi Alps kể từ đầu thế kỷ 20. Dòng sông băng Pizol đã bị mất khoảng 80 - 90% lượng băng kể từ năm 2006. Năm 1987, các nhà khoa học đã xác định diện tích sông băng Pizol là 320.000 m², nhưng đến nay chỉ còn 26.000 m².

Một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu sông băng thuộc Học viện Công nghệ ETH (Thụy Sĩ) cho thấy, hơn 90% trong khoảng 4.000 sông băng trên dãy Alps có thể biến mất vào cuối thế kỷ này nếu như không hạn chế được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cần sự hành động của cả thế giới

Trước tình trạng băng tan nhanh, các nhà khoa học cảnh báo quần thể gấu Bắc Cực đã trải qua mùa hè dài không tìm được thức ăn do băng biển ngày càng phân rã. Chúng có nguy cơ biến mất nếu hiện tượng này tiếp tục. Theo Cơ quan giám sát Địa chất học của Mỹ, số lượng gấu Bắc Cực đã giảm khoảng 40% trong thập kỷ qua do tình trạng băng tan, trong khi số lượng kỳ lân biển cũng giảm dần do loài này buộc phải tìm kiếm nơi trú ngụ trong các hầm băng, vốn là nơi ẩn náu của những “kẻ săn mồi” như cá voi sát thủ.

Nguy cơ nghiêm trọng hơn, theo các chuyên gia LHQ, tình trạng băng tan làm nước biển dâng khiến nhiều quốc đảo, hòn đảo và các thành phố ven biển bị nhấn chìm. Cụ thể, những quốc đảo và hòn đảo tại Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương như Indonesia, Singapore, Maldives, Tuvalu, Kiribati,… sẽ là nạn nhân đầu tiên của tình trạng nước biển dâng. Các đảo quốc này được dự đoán sẽ bị nước biển xâm lấn, khiến con người không thể ở được vào năm 2050, hoặc sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2100.

Tiếp đó, như dự đoán của LHQ, các thành phố ở vùng thấp của châu Âu như Venice (Italia), Amsterdam (Hà Lan), Hamburg (Đức) cũng có thể biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ 21 nếu nước biển dâng hai mét vào năm 2100. Thậm chí, như viễn cảnh do Cơ quan Khí tượng & Đại dương Mỹ phác thảo, nếu nước biển dâng cao thêm từ 3 - 5 m vào năm 2200, các thành phố gặp nguy hiểm sẽ bao gồm cả New Orleans (Mỹ), Alexandria (Ai Cập).

Trước các nguy cơ đó, tại Hội nghị cấp cao về BĐKH của LHQ, khai mạc ngày 23-9 tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ A. Guterres kêu gọi lãnh đạo các nước đưa ra kế hoạch cụ thể và thực tế để đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong 10 năm tới, tiến đến đạt mục tiêu không còn khí thải nhà kính vào năm 2050. Trong hội nghị này, 66 quốc gia cùng 10 khu vực, 102 thành phố, 93 doanh nghiệp và 12 nhà đầu tư đã cam kết giảm lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

Nhiều nước trên thế giới cũng cam kết chống BĐKH. Nga cam kết thực thi Hiệp định Paris về chống BĐKH. Thủ tướng Ðức A.Merkel cũng thông báo, Berlin tăng gấp hai lần ngân sách dành cho Quỹ Bảo vệ khí hậu toàn cầu, lên bốn tỷ euro, nhằm hỗ trợ các nước kém phát triển giải quyết những vấn đề liên quan BĐKH. Trong khi đó, Tổng thống Pháp E.Macron cho rằng các nước cần đưa vấn đề BĐKH vào chương trình nghị sự về chính sách thương mại hay tài chính, đồng thời tăng mức đóng góp cho Quỹ Môi trường xanh nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó BĐKH. Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID), tổ chức phi chính phủ Bảo tồn quốc tế đã cam kết giải ngân 500 triệu USD nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn các khu rừng nhiệt đới, trong đó có rừng Amazon.

Trong Diễn đàn quốc tế phát triển carbon thấp năm 2019, khai mạc ngày 22-10 vừa qua tại tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), lãnh đạo LHQ cùng các nhà khoa học đến từ 22 quốc gia cho rằng các nước trên thế giới cần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp thông minh, quản lý tài nguyên bền vững, xây dựng các đô thị xanh và nhất là phát triển nền công nghiệp sử dụng năng lượng carbon thấp để giảm thiểu những tác hại đến môi trường gây BĐKH.

Theo giới phân tích, nỗ lực chống BĐKH của các quốc gia thời gian qua đã cho thấy quyết tâm đối phó tình trạng băng tan làm nước biển dâng, bảo vệ môi trường thiên nhiên hiện bị tàn phá nặng nề. Các nhà chức trách và người dân hy vọng những biện pháp đưa ra có thể ứng phó kịp thời nhằm hạn chế tình trạng nêu trên