Bài toán xử lý rác thải hạt nhân

Gần đây, các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ rò rỉ chất thải nhiễm xạ từ khu vực tập kết rác thải hạt nhân trên đảo Runit thuộc quần đảo Marshall. Được mệnh danh là “quan tài hạt nhân”, công trình này là nơi chôn vùi những mảnh vỡ phóng xạ phát sinh trong thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh, song hiện nay nó đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao.

Khu vực Mái vòm Runit, nơi chứa rác thải hạt nhân. Ảnh: THE SUN
Khu vực Mái vòm Runit, nơi chứa rác thải hạt nhân. Ảnh: THE SUN

Các vụ thử hạt nhân

Khu vực này có vòm bê-tông dày 45 cm được phủ trên một miệng hố khổng lồ do bom hạt nhân gây ra, có thể tích 83.000 m³ và được ví như “quan tài hạt nhân”, hoặc còn có tên gọi khác là Runit Dome (Mái vòm Runit). Vòm được xây trên đảo Runit vào cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, dùng để tập kết rác thải từ các vụ thử hạt nhân. Đất và các mảnh vụn nhiễm phóng xạ sau nhiều thử nghiệm được đổ xuống miệng hố, nằm trọn dưới mái vòm bê-tông. Mái vòm lớn đến mức có thể dễ dàng nhìn thấy trong Google Maps.

Song theo tờ New York Times, khi xây dựng, công trình này chỉ được xem như giải pháp tạm thời nên đáy hố không được gia cố cẩn thận. Bởi vậy, các chuyên gia đã liên tục cảnh báo về khả năng chất thải hạt nhân từ chiếc “quan tài hạt nhân” khổng lồ này sẽ rò rỉ ra Thái Bình Dương. Sau hàng thập kỷ, nhiều vết nứt cũng đã xuất hiện trên lớp bê-tông, có thể vỡ ra bất cứ lúc nào nếu một cơn bão nhiệt đới mạnh tràn qua.

Ông Tony deBrum, một nhà nghiên cứu ở Majuro, Thủ đô của quần đảo Marshall nhớ lại kỷ niệm đầy ám ảnh về vụ thử hạt nhân mà ông cảm nhận được khi còn nhỏ. Thống kê cho thấy riêng hòn đảo Runit trong quần đảo Marshall từng là nơi Mỹ tiến hành 67 vụ thử vũ khí hạt nhân, trong đó có bom khinh khí “Bravo” năm 1954. Đây là loại bom mạnh nhất Mỹ từng kích hoạt, có sức công phá gấp 1.000 lần quả bom ném xuống Hiroshima (Nhật Bản). Ánh sáng của vụ nổ có thể nhìn thấy từ thành phố Okinawa nằm cách nơi đây hơn 4.200 km. Sau đó bụi phóng xạ của vụ thử hạt nhân đã được phát hiện trên gia súc ở Tennessee (Mỹ).

Cộng hòa Marshall là quốc gia rộng lớn gồm 1.200 hòn đảo nhỏ. Do ảnh hưởng chương trình thử nghiệm hạt nhân của Mỹ, một số hòn đảo tại đây từng được coi là nơi ô nhiễm nhất trên Trái đất. Không có báo cáo về nạn nhân trực tiếp của các vụ nổ, nhưng nhiều người đã chịu các di chứng và bệnh tật nghiêm trọng. Nhiều người dân đã phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác. Hàng nghìn người bị nhiễm bụi phóng xạ. Cơ quan y tế cho biết người dân trên một số đảo có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hoặc bất thường tuyến giáp. Đã có nhiều nghiên cứu về căn nguyên tỷ lệ mắc bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh cao trong dân số Marshall hiện nay với các vụ thử nghiệm hạt nhân trong quá khứ. Và theo báo cáo năm 2004 của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, vẫn còn nhiều người dân sống ở quần đảo Marshall từ năm 1948 đến năm 1970 chưa được chẩn đoán bệnh ung thư liên quan đến phóng xạ.

Những năm gần đây, quần đảo Marshall lại tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý, do nơi này phải gánh “mối đe dọa kép” nguy hiểm hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Vì cùng lúc, quần đảo này đang phải đương đầu với hai nguy cơ lớn là rò rỉ phóng xạ và biến đổi khí hậu. Hiện nay, trên lớp bê-tông mái vòm dày 45 cm của bãi chôn lấp chất thải hạt nhân đã xuất hiện các vết nứt. Các chuyên gia lo ngại nắp hầm có thể vỡ vụn nếu xảy ra một trận bão lớn. Không chỉ vậy, mực nước biển dâng cao cũng đe dọa đánh sập mái vòm, từ đó, chất thải phóng xạ thấm qua “quan tài bê-tông” hoặc bùn nguyên tử độc hại sẽ rò rỉ vào Thái Bình Dương.

Tháng 3-2019, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo giới chức trách trên thế giới cần quan tâm việc xử lý chất thải phóng xạ có nguy cơ bị rò rỉ tại đây. Tại một hội nghị quốc tế bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu pháp luật Michael Gerrard thuộc Đại học luật Columbia (Mỹ) cho rằng, giới chức Washington hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở địa điểm này. Người dân quần đảo Marshall đang đứng trước nguy cơ mất cả mảnh đất quê nhà lẫn cuộc sống bình yên của họ nếu không có biện pháp xử lý sớm.

Các giải pháp nửa chừng?

Ngay sau khi các vụ thử nghiệm bom hạt nhân ở Marshall chấm dứt vào năm 1958, đã có hàng loạt cuộc chiến pháp lý nổ ra giữa chính quyền địa phương với giới chức Mỹ. Hai bên đưa ra các lý lẽ khác nhau, song mới chỉ đưa ra được những giải pháp nửa chừng hoặc tranh cãi vòng vo chung quanh việc bên nào sẽ phải “dọn dẹp” tàn dư của các vụ nổ hạt nhân. Trong một thời gian dài, hai hòn đảo thuộc Marshall là đảo san hô Bikini và đảo Rongelap đã từng được tái định cư, nhưng sau đó người dân lại phải sơ tán vì ô nhiễm kéo dài.

Năm 1980, mái vòm bê-tông khu chứa rác thải hạt nhân được hoàn thành như một giải pháp tình thế để ngăn chặn chất thải phóng xạ phát tán. Theo một thỏa thuận vào năm 1986, Mỹ đã thanh toán cho quần đảo Marshall một khoản tiền 150 triệu USD, bao gồm các quỹ tín dụng cho các đảo san hô nơi tiến hành thử nghiệm. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn còn hạn hợp đồng “thuê” các hòn đảo thử nghiệm. Tuy nhiên, số tiền thuê trị giá 15 triệu USD mỗi năm chỉ đủ chi trả các chương trình chăm sóc sức khỏe, thực phẩm,... cho một nhóm nhỏ các gia đình người Marshall trong khu vực bị ảnh hưởng, nên không thể dùng cho các mục đích khác như sửa chữa mái vòm bê-tông. Các khoản tài trợ này cũng đang giảm dần hằng năm cho đến khi hết hạn vào năm 2023.

Năm 2001, một tòa án địa phương từng tuyên bố Washington phải bồi thường cho người dân Marshall 2,3 tỷ USD thiệt hại về sức khỏe và tài sản, nhưng không có cơ chế nào buộc Mỹ phải trả khoản tiền này, do đó bài toán xử lý mái vòm vẫn bị bỏ ngỏ. Người dân trên đảo cũng đã hối thúc chính quyền và kêu gọi sự ủng hộ của giới khoa học Marshall để yêu cầu Chính phủ Mỹ giúp giải quyết mối nguy Runit Dome. Tuy nhiên cho đến nay, Washington vẫn trả lời rằng đã trả đủ các khoản cho chính quyền Marshall theo thỏa thuận, nên không còn trách nhiệm gì tại đây.

Cuối tháng 12-2019, Quốc hội Mỹ đã ra lệnh điều tra về “quan tài hạt nhân”, theo đó Bộ Năng lượng (DOE) có sáu tháng để hoàn thành và báo cáo lại tình trạng của mái vòm này. Bên cạnh đó, các nhà quản lý ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2020 cũng chỉ đạo DOE điều tra tình trạng của Runit Dome ở quần đảo Marshall và những nguy cơ tiềm năng gây rò rỉ chất thải phóng xạ. DOE cũng được yêu cầu phải đưa ra “một kế hoạch chi tiết để sửa chữa mái vòm nhằm bảo đảm rằng nó không có bất kỳ tác động có hại nào đối với người dân địa phương, môi trường hoặc động vật hoang dã”, bao gồm cả chi phí dự kiến ​​để thực hiện kế hoạch đó.