Xe buýt hai tầng & nỗi lo du lịch Thủ đô

Hà Nội vừa lần đầu thử nghiệm dự án xe buýt hai tầng. Hình ảnh chiếc xe hop on - hop off không còn xa lạ với thế giới. Du khách mua một vé theo ngày, sau đó có thể lên và xuống tất cả các điểm du lịch ở thành phố trong ngày đó mà không phải trả thêm chi phí. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, buýt hai tầng dường như sẽ gặp không ít khó khăn.

Xe buýt hai tầng vận hành thử trên phố Hà Nội sáng 30-6. Ảnh: DUY LINH
Xe buýt hai tầng vận hành thử trên phố Hà Nội sáng 30-6. Ảnh: DUY LINH

Dây điện và tắc đường

Ngay khi dự án buýt hai tầng đưa ra thử nghiệm, không ít người đã lo ngại về những búi dây điện vô trật tự của thành phố. Việc dây điện khu vực phố cổ “sà” xuống mặt đường vô tội vạ không còn là chuyện hiếm, hẳn xây dựng tuyến buýt hai tầng sẽ phải tìm cách giải quyết việc này để bảo đảm an toàn. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Công ty Quản lý giao thông đô thị, đơn vị thực hiện chạy thử cho hay: “Hiện nay qua khảo sát sơ bộ đã có lộ trình phù hợp, nhưng vấn đề còn là xem xét các tuyến xe chạy vào phố cổ Hà Nội, hay những lộ trình có rào cản cho xe buýt có chiều cao lớn như cây xanh, cáp điện, cần thêm thời gian khảo sát qua những trải nghiệm thực tiễn”.

Ngoài ra, lộ trình hiện tại sẽ bị ảnh hưởng khi phố đi bộ vào cuối tuần, du khách sẽ khó ngồi buýt vào khu vực quanh Hồ Gươm như Tràng Tiền, Lê Thái Tổ. Chưa kể hiện nay, phố cổ thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ xe, nhất là các xe hợp đồng du lịch. Xe hợp đồng 45 chỗ hiện đang được cấp phép vào phố cổ 24/24 giờ, và gây không ít phiền toái cho giao thông ở đây. Điển hình như khu vực trước cửa Nhà hát múa rối Thăng Long, buổi tối thường xuyên có tình trạng xe đỗ trả khách dàn hàng. Thêm một tuyến buýt, phố cổ lại thêm một lần đối mặt với tắc đường và lộn xộn, trong khi các con phố ngày càng chật hẹp.

Có lẽ phải tính các giờ ưu tiên cho từng loại xe để giảm tải cho phố cổ hiện nay. Hop on - hop off của Malaysia cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự và giải pháp đưa ra là trên trang web lẫn tại các điểm bán, du khách đều được thông báo về tình trạng ùn tắc giờ cao điểm để có thể chuẩn bị tinh thần. Thậm chí nhân viên xe buýt còn gợi ý cách thức đi theo tour sao cho hợp lý nhất để giờ đó không nên ngồi trên xe mà đang dừng ở một điểm tham quan nào đó. Hà Nội, hẳn sẽ phải học nước bạn.

Từ xe buýt nghĩ du lịch Thủ đô

Buýt hai tầng là một sản phẩm mới, nhưng để vận hành được, có lẽ không chỉ nằm ở thành phố đưa chủ trương và các bên phối hợp tiến hành. Nhìn vào lịch trình city tour đề xuất cho buýt hai tầng, sẽ thấy sản phẩm du lịch city tour Hà Nội vẫn đang quá nghèo nàn dù chúng ta có thừa điểm phát triển. Hãy lấy thí dụ hop on - hop off của Kuala Lumpur (Malaysia) với hai tuyến chính trên 23 điểm dừng mỗi tuyến cùng 70 điểm tham quan, Penang (Malaysia) cũng có hai tuyến, với 46 điểm dừng và 50 điểm tham quan, Hồng Công (Trung Quốc) có ba tuyến, mỗi tuyến 20 điểm dừng, Singapore có 33 điểm dừng. 27 điểm dừng của Hà Nội là hơi ít ỏi với đa phần là các điểm gần nhau (có điểm chỉ cách vài trăm mét như Nhà hát Lớn - Tràng Tiền) sẽ là khó khi đòi hỏi du khách chấp nhận bỏ trọn vẹn 24 giờ hay 48 giờ dạo quanh thành phố như đa phần các hop on - hop off khác.

Thực tế tuyến đường đã bao quát khá đầy đủ các điểm tham quan Hà Nội, như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hỏa Lò, Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, một số tuyến điểm phố cổ. Có điều hoạt động của những điểm này, ngoài một số nơi đã quen làm du lịch lâu năm như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu, Hỏa Lò, thì các điểm khác sẽ vẫn còn là khoảng trống. Chẳng hạn khu phố Tây trong các cuốn sách du lịch gần như không có bất cứ một tấm biển giới thiệu nào. Hay Nhà hát Lớn không mở cửa cho khách tham quan thông thường. Hoàng thành Thăng Long sau nhiều năm đưa vào khai thác du lịch và thậm chí có danh tiếng Di sản văn hóa thế giới, chưa bao giờ được đánh giá cao về cách thức làm du lịch.

Buýt hai tầng là một thử nghiệm sáng tạo, nhưng không thuần là ngắm cảnh. Hop on - hop off ở nhiều nước có các tuyến khác nhau rất phong phú cả ngày lẫn đêm. Singapore, Malaysia, Hồng Công đều đã tạo dược dấu ấn với city tour dạng này. Một số nước Nam Mỹ còn tổ chức cả các tour vui chơi trên xe buýt, kèm cả giới thiệu đặc sản địa phương và các màn biểu diễn âm nhạc sống động. Đừng nghĩ đây chỉ là một phương tiện ngắm cảnh. Đó còn là cả một cách thức marketing hình ảnh du lịch Thủ đô, đòi hỏi sự tích cực thay đổi của nhiều ban bệ.

Lịch trình buýt hai tầng dự kiến: Nhà hát Lớn - Tràng Tiền - Ngô Quyền - Lý Thường Kiệt - Hỏa Lò - Hai Bà Trưng - Nguyễn Khuyến - Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Tôn Đức Thắng - Chu Văn An - Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu - Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương - Thanh Niên - Phan Đình Phùng - Hàng Cót - Hàng Lược - Chả Cá - Hàng Cân - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh - Nhà hát Lớn. Dự kiến về tần suất hoạt động: 30 phút/lượt xe. Thời gian hoạt động dự kiến: 9 giờ đến 17 giờ hằng ngày.