Hải Tặc yên bình

Trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc cách bờ biển Hà Tiên (Kiên Giang) khoảng 11 hải lý, cách đảo Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 16 hải lý, hơn 14 hòn đảo lớn nhỏ nhô lên khỏi mặt biển, với những tên gọi khác nhau. Thiên nhiên bốn bề lộng gió, cảnh sắc tươi đẹp và yên bình, nhưng trong quá khứ nơi đây từng là nơi ẩn náu của bọn cướp biển quốc tế.

Một góc quần đảo Hải Tặc.
Một góc quần đảo Hải Tặc.

Nơi cướp biển ẩn náu

Tàu BP 20-15-01 của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Kiên Giang rời TP Hà Tiên tại Trạm Biên phòng Pháo Đài lúc trời vừa ửng nắng, đưa chúng tôi ra quần đảo Hải Tặc - còn gọi là quần đảo Hà Tiên, thuộc xã đảo Tiên Hải.

Biển hôm nay có gió, những con sóng đập thẳng vào mũi tàu, nước tung bọt trắng xóa. Tàu chồm lên, rồi lọt thỏm xuống giữa hai ngọn sóng. Chúng tôi đứng trên boong tàu loạng choạng bước. Thiếu tá, thuyền trưởng Trần Tấn Lợi trấn an: “Sóng gió này mà nhằm nhò gì! Mới tuần trước, tàu chúng tôi được lệnh ra khơi cứu nạn một chiếc ghe bị chìm, ba người trôi dạt trên biển. Gió hôm đó cấp sáu, tàu chúng tôi cùng tàu cảnh sát biển và tàu cá ngư dân chia ra quần thảo. Sau nhiều giờ tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi đã kết hợp cứu hộ thành công, đưa ba người gặp nạn lên tàu vào đất liền an toàn”. Biển là thế! Lúc hiền hòa, lúc giận dữ, hôm nay là bình thường, đi biển phải có sóng gió mới thú vị!

Vừa ra khỏi cửa biển, chúng tôi đã nhìn thấy những cụm xanh mờ mờ nổi lên giữa biển. Tay trái cầm vô-lăng, tay phải anh Lợi chỉ về trước: “Bên trái là những hòn nằm trong quần đảo Hải Tặc. Cái hòn lớn nằm dắt ngang xa tít kia là Phú Quốc. Còn bên phải là những hòn đảo của nước bạn Campuchia”. Quần đảo Hải Tặc bao gồm 14 hòn đảo nổi lớn nhỏ với những tên gọi như: Hòn Kèo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước, Hòn Bồ Dập, Hòn Đồi Mồi… Dù nằm biệt lập giữa biển khơi, xa cách đất liền, nhưng muốn đến chỉ cần ngồi tàu khách một giờ là đến Hòn Tre Lớn - còn có tên khác là Hòn Đốc - hòn đảo lớn nhất và đông dân cư nhất của quần đảo Hải Tặc, cũng là trung tâm hành chính của xã đảo Tiên Hải. Hiện, mỗi ngày có ít nhất bốn chuyến tàu chở khách từ TP Hà Tiên ra đảo và ngược lại. Những ngày trời đẹp, biển êm nhiều tàu du lịch của các công ty du lịch lữ hành cũng ghé các đảo đưa khách đi tham quan.

Chưa đầy một giờ, tàu đã cập cảng Tiên Hải. Khu vực cầu và cảng của xã đảo rộng và thoáng, nhiều hạng mục đang trong quá trình xây dựng. Dưới bến nhiều tàu cá neo đậu, trên bến nhóm ngư dân đánh lưới, xẻ cá, phơi khô. Trụ sở UBND xã, trạm - đồn biên phòng, trạm y tế, trường tiểu học và THCS, nhà máy cấp nước sạch, chợ… nằm cách đó không xa. Nhiều nhà nghỉ, cơ sở ăn uống phục vụ du khách đã được xây dựng khang trang cùng nằm trên con đường bê-tông quanh đảo có tổng chiều dài khoảng 7 km. Hàng cột điện đang vượt biển, dự kiến cuối năm nay đảo sẽ có điện lưới quốc gia.

Đi một vòng quanh đảo, những điều hiện diện nơi đây hoàn toàn khác so sự tưởng tượng của chúng tôi về quần đảo Hải Tặc - nơi mà bọn cướp biển từng ẩn náu. Quang cảnh hoang sơ, nhưng mang mầu sắc của hội họa, âm điệu của thi ca và hương vị đặc trưng của xứ biển. Cách đây ba thế kỷ, vùng đất Hà Tiên xưa thuộc quyền cai trị của vị Tổng trấn họ Mạc - một vị tướng của chúa Nguyễn ở đàng Trong. Hà Tiên thời đó là tuyến hàng hải thương mại quan trọng ở khu vực nên Tổng trấn Mạc Thiên Tích mở cảng cho tàu buôn nước ngoài vào buôn bán. Hà Tiên trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền ở các nước trong khu vực. Quân Xiêm nhiều lần sang quấy phá nên các hoạt động mua bán của thương buôn nước ngoài không được kiểm soát, bọn cướp biển thừa cơ hội hoành hành. Chúng ẩn náu tại một số đảo nằm trên tuyến đường biển qua lại vào thương cảng để phục kích, đánh cướp các tàu buôn. Cái tên “hải tặc” được dùng gọi cho tên đất ra đời từ đó. Sau khi chính quyền cách mạng tiếp quản, an ninh, quốc phòng cả vùng biển đảo rộng lớn được giữ vững, dân cư trên đảo và tàu thuyền hoạt động qua lại trên vùng biển này được bình yên.

Điểm đến hấp dẫn

Khi xã đảo thành lập mang tên Hoa Đốc, sau đổi thành Tiên Hải, dân số chỉ hơn 1.000 người. Nhưng nay, dân số xã đảo đã tăng hơn gấp đôi, hơn 500 nóc nhà nằm rải rác ở các đảo Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Ụ, Hòn Đồi Mồi, tập trung đông ở Hòn Tre Lớn. Người dân đất đảo được “thần biển” ban tặng, hậu đãi nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế như: cá, tôm, ghẹ, mực, ốc... nên từ bao đời qua, ngư dân sống nhờ vào nguồn tài nguyên này.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, một ngư dân trên đảo Hòn Tre Lớn cho biết, dân ở đảo còn nghèo, chỉ trang bị được ghe nhỏ, ngư lưới cụ thô sơ khai thác ven bờ như câu cá, câu mực, lặn... Những gia đình khó khăn không sắm được ghe phải lội ven theo các bờ rạch bắt ốc. “Bà con làm ngày nào bán, mua gạo ăn ngày đó, có dư chút đỉnh phòng hờ lúc biển động. Vào mùa này, những lúc biển động dài ngày, bà con còn thiếu cái ăn”, ông Ngọc nói. Ngư dân Lâm Văn Thẹo nói thêm: “Cách đây ba bốn năm, cuộc sống của ngư dân cực khổ, khó khăn lắm. Gần đây có khá hơn, bà con nuôi thêm cá lồng bè, làm du lịch cộng đồng nên có thêm thu nhập. Cuộc sống hiện tại đã khá hơn trước đây rất nhiều!”.

Hiện tại, toàn xã đảo Tiên Hải có gần 100 hộ nuôi cá, với 169 bè, chủ yếu nuôi cá bống mú, cá bớp, cá chẽm… Theo các hộ dân trên đảo, nghề nuôi cá lồng bè đang phát triển và dần sẽ thay thế nghề khai thác trở thành nghề chính của dân xứ đảo. Bởi nuôi trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần dưỡng biển trong lúc nguồn lợi tự nhiên dần cạn kiệt. Theo Chủ tịch UBND xã đảo Tiên Hải Tăng Hồng Phước, để cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời chung tay phát triển kinh tế vùng biển đảo, những năm gần đây, đặc biệt từ khi quần đảo Hải Tặc được công nhận là khu du lịch địa phương, chính quyền khuyến khích người dân tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phát triển du lịch biển theo mô hình du lịch cộng đồng. Với loại hình du lịch này, ngư dân trên đảo có thể phục vụ nhu cầu vui chơi, ẩm thực cho du khách bằng chính nghề của mình, như dùng thuyền câu, ghe lưới hay cho du khách xuống các bè nuôi cá lồng tự tay câu những con cá, con mực và thưởng thức những món ăn, bữa tiệc đậm chất biển, ngay trên biển.

Chị Cẩm Tú, chủ quán Hương Đảo kiêm hướng dẫn khách tham quan, gặp chúng tôi vồn vã giới thiệu: “Mấy em lần đầu tới đây phải không? Ở đây chị có dịch vụ ngắm san hô, câu cá, tham quan vòng đảo. Ở đây chưa có nhà nghỉ cao cấp, chỉ nghỉ nhà dân, nhưng thô sơ lắm, chưa có trang thiết bị như ở đất liền. Hay các em ngủ lều đi, ngủ ngoài trại do người dân dựng lên cho thuê, cũng đặc biệt lắm! Còn ăn uống thì ở đảo cũng có một số quán ăn lịch sự, giá bình dân. Mỗi người từ 30 - 120 nghìn đồng cho một phần ăn, tùy theo khách đặt món. Hải sản thì khỏi chê, ngư dân đánh gần bờ, đem vào bán còn tươi rói, ngon hơn nhiều so với đất liền”. Ông Tăng Hồng Phước cho biết thêm, những năm gần đây, hằng năm xã đảo Tiên Hải đón khoảng 20.000 lượt khách đến tham quan.

Người dân nơi đầu sóng ngọn gió vẫn còn kham khổ, khó khăn, dù thu nhập bình quân có cao hơn so những làng quê thuần nông chuyên canh lúa, nhưng về đời sống tinh thần thì thiếu thốn và thường xuyên xảy ra rủi ro, tai nạn. Thượng tá Nguyễn Trung Việt, Đồn trưởng Biên phòng Tiên Hải chia sẻ: Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con nhân dân là anh em ruột thịt”, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biển đảo, Đồn Biên phòng Tiên Hải làm rất tốt công tác dân vận. Đồn đã cùng với chính quyền cơ sở chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân với nhiều hoạt động như: vận động cất nhà đại đoàn kết, giúp đỡ tiền cho học sinh nghèo trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, khám chữa bệnh miễn phí cho dân, hỗ trợ gạo khi những hộ dân gặp thiên tai thiếu đói… “Bà con yêu đất đảo, thương BĐBP nên chấp hành rất tốt chủ trương chính sách, đặc biệt cùng với bộ đội giữ gìn an ninh biên giới, chấp hành việc đánh bắt cá đúng vùng biển quy định…”, Thượng tá Việt chia sẻ.

Chiều xuống nhanh trên cầu cảng Tiên Hải, mặt trời lặn nhanh về đằng tây. Chúng tôi xuống tàu, Thiếu tá Lợi cho tàu hướng mũi về Hà Tiên. Một ngày ở Hải Tặc, chúng tôi đã có những giờ phút khó quên với người dân, với cán bộ cơ sở, đặc biệt là với người lính biên phòng. Ngoài những gói cá khô mặn mòi của xứ biển, chúng tôi còn mang về đất liền những cảm nhận rất thật về sự đổi thay đầy thú vị ở một miền hải đảo biên viễn từng là sào huyệt của bọn cướp biển, nhưng nay quá đỗi yên bình.