Đối thoại về du lịch bền vững

Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa qua tại Hạ Long diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi mà Việt Nam nói riêng và các nước APEC nói chung đang đối mặt với nhiều thách thức giữa phát triển và bảo tồn.

Dự kiến năm 2017, lượng khách đến Việt Nam sẽ hơn 11 triệu người.
Dự kiến năm 2017, lượng khách đến Việt Nam sẽ hơn 11 triệu người.

Không phải cứ nhiều là tốt!

Khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để phát triển du lịch bền vững về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường”. Hẳn nhiên, đây không phải là bài toán dễ giải.

Ngay trong giai đoạn đỉnh cao của khủng hoảng kinh tế, con số khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng. Dự kiến năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ hơn 11 triệu người. Năng lực cạnh tranh trong ngành du lịch Việt cũng thăng hạng đáng kể. Tuy nhiên, bên lề Đối thoại, những vị khách đến Việt Nam cũng bày tỏ các bài học từ chính mình khi “lượng tăng, chất không tăng”. Ông Hạ Trần Đán đến từ Đài Loan (Trung Quốc) thẳng thắn: “Trước đây, Đài Loan quá tập trung vào việc phát triển số lượng du khách, nhưng bây giờ chúng tôi hiểu rằng đặc sắc từng quốc gia, vùng lãnh thổ mới là thứ cơ bản của du lịch”.

Trước thắc mắc khống chế số lượng khách liệu có giảm doanh thu từ du lịch, ông Hạ cho rằng không hẳn như vậy: “Khi có không gian, có sản phẩm, họ sẽ ở lại lâu dài hơn, và doanh thu sẽ cao, ổn định hơn khách nhiều mà ở lại ngắn ngày”. Đài Loan những năm gần đây bắt đầu tập trung vào việc quảng bá nhiều điểm đến. Riêng với thị trường Việt Nam - thị trường có mức tăng trưởng cao nhất, việc quảng bá điểm đến đã mở rộng từ Cao Hùng, Đài Bắc sang Đài Nam và nhiều vùng phụ cận.

Một nền kinh tế khác cũng đang có lượng khách Việt tăng trưởng nhanh là New Zealand. Năm 2016, số khách Việt đến New Zealand là 30.500 du khách, tăng 30%. Trong khi ấy, cũng có 25.500 du khách New Zealand đến Việt Nam năm 2016, một con số không nhiều nhưng đầy tiềm năng, bởi châu Đại Dương đang là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Ông Roger Philip Wigglesworth, đến từ Bộ Thương mại New Zealand đưa thí dụ về việc phát triển du lịch ở công viên quốc gia New Zealand: “Người ta muốn đến công viên cắm trại, nghỉ ngơi, điều đó nảy sinh yêu cầu xây dựng nơi lưu trú, nếu không họ sẽ không đến nhiều. Nhưng nếu như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến tự nhiên của rừng quốc gia. Cuối cùng thì chúng tôi chọn cách hạn chế du khách để bảo đảm tự nhiên được giữ gìn hết mức có thể”.

Hiệu quả lâu dài, doanh thu bền vững là điều mà các nền kinh tế đều hướng tới và là điểm thống nhất với hầu hết các đại biểu tham gia Đối thoại. Ông Hạ cho rằng khi không quá chú trọng số lượng, những tác động cũng sẽ giảm: “Không nhất thiết phải xây khách sạn 500-1.000 phòng, không nhất thiết phải làm bãi đỗ xe hàng nghìn xe, như vậy sẽ bớt ảnh hưởng đến cảnh quan”. Còn ông Wigglesworth nhấn mạnh: “Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất tốt. Người ta thích các cảnh đẹp tự nhiên như vịnh Hạ Long, họ không muốn đến Hạ Long chỉ để vào các casino hay nhìn những thứ nhân tạo”.

Đừng quên cộng đồng

Ở công viên quốc gia New Zealand, mặc dù hạn chế tối đa xây dựng nhưng người dân có thêm doanh thu từ dịch vụ bán hàng, phục vụ đi kèm. Khách du lịch phải đóng thuế, trả tiền để bảo tồn công viên và trả cho dịch vụ của người dân địa phương. Và chỉ số hài lòng của du khách luôn đạt mức cao. Còn Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang áp dụng thu thuế du khách ở các sân bay, một nửa doanh thu sẽ được quay vòng để đầu tư bảo tồn và hạ tầng du lịch địa phương.

Phát biểu ý kiến sau Đối thoại, Thứ trưởng VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cũng nhấn mạnh tuyên bố chung của Đối thoại lần này đặc biệt quan tâm đến cộng đồng dân cư. Việc có được sự đồng thuận của cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Một thí dụ điển hình khi có sự tham gia cộng đồng, du lịch sẽ có được sự phát triển đáng kể là làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam). Có sự đồng thuận cùng một dự án tốt và sự hỗ trợ tối đa của chính quyền địa phương, chỉ trong vòng ba năm, Tam Thanh đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách. Trong khi đó, Đường Lâm, một làng cổ đặc trưng của Hà Nội trong nhiều năm vẫn loay hoay giữa phát triển, bảo tồn và dung hòa đời sống cộng đồng. Thực tế, doanh thu từ du lịch của Đường Lâm vẫn chưa hề xứng tầm với giá trị của nó, trong khi thách thức thì chưa bao giờ ít đi.

Nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc kết nối giữa người dân và du khách nhưng ông Wigglesworth cho rằng cần chú trọng kết nối giữa chính sách và địa phương: “Có bất kỳ thay đổi nào, cần phải kiên nhẫn đối thoại với người địa phương. Và để có được điều đó thì cần xây dựng lòng tin, những lợi ích minh bạch và mở rộng truyền thông. Điều quan trọng là để người dân địa phương theo suốt cả quá trình phát triển”.

Ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế: “Cần hiểu rõ phát triển bền vững là gì”
Chúng tôi có mục tiêu rõ ràng là nâng cao mức sống người dân trong khối APEC. Hội nghị năm 2014 tại Macau lần đầu tiên đề cập chi tiết việc phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hiện nay như thế nào. Chúng ta đều nhận thấy rõ bối cảnh hiện nay không chỉ là tập trung thúc đẩy hàng hóa thương mại truyền thống mà còn chú trọng phát triển trong cả lĩnh vực dịch vụ, trong đó du lịch là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ. Chúng ta cần hiểu tính bền vững là gì và làm sao áp dụng các sáng kiến để mang lại lợi ích cụ thể cho người dân.
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện: “Hợp tác quốc tế là tất yếu để phát triển bền vững” \
APEC đã triển khai nhiều hoạt động liên quan phát triển bền vững. Trong đó tập trung việc phát triển du lịch có trách nhiệm và xây dựng môi trường bền vững cho cạnh tranh du lịch là một trong những định hướng quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch APEC. Nỗ lực hiệu quả của chúng ta trong phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần quan trọng vào tương lai chung về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết, bền vững và bao trùm. Chúng ta cần hợp tác nhằm bảo đảm các lợi ích kinh tế, xã hội cho tất cả mọi người dân về việc làm ổn định, cơ hội thu nhập, góp phần giảm nghèo, gìn giữ các giá trị văn hóa và tăng cường giao lưu, hiểu biết văn hóa lẫn nhau cũng như bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học. Ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đang hướng tới mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP vào năm 2020. Mặc dù vậy, Việt Nam đang phải đối mặt những thách thức lớn trong quá trình phát triển để bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Hơn bao giờ hết, hợp tác quốc tế nhằm ứng phó những thách thức chung là một yêu cầu tất yếu để đạt được phát triển bền vững và bao trùm vì người dân và doanh nghiệp.