Năm nghỉ ở Hội An

Nhiều người nước ngoài tìm đến thành phố Hội An (Quảng Nam) nghỉ ngơi từ sáu tháng đến vài năm. Họ đã sống ở đây như thế nào?

Người nước ngoài thích đạp xe, ngắm cánh đồng.
Người nước ngoài thích đạp xe, ngắm cánh đồng.

Những người đến nghỉ dài ở Hội An là người thuộc các nước Bắc Âu, Bắc Mỹ. Họ đến đây, sống nhiều tháng hoặc vài năm để tránh mùa lạnh ở quê hương họ hoặc đến một nơi mới, sống, hưởng thụ không gian khác biệt. Thành phố Hội An như một điểm đến như vậy, nhiệt độ quanh năm không có ngày nào xuống dưới 200C, với hệ thống nhà hàng Âu Mỹ dày đặc. Chuỗi nhà hàng phong cách Latinh với cự li di chuyển không quá xa. Một bãi biển đầy nắng gió. Ông N. Walton từ Canada, đã nghỉ hơn một năm ở Hội An, cho biết: “Tôi có xem xét hai nơi. Việt Nam và Thái-lan? Thái-lan có chi phí sinh hoạt cao hơn nên tôi chọn Hội An, Việt Nam”. Một năm rưỡi ở Hội An, N. Walton đã học được chút ít tiếng Việt, nên khoe: “Hội An là thành phố nhưng tôi cảm nhận nó giống làng quê”.

Đường Trần Nhân Tông, con đường làng cũ quanh co, kéo dài. Đã được thảm nhựa, hình thể vẫn cong theo đường làng cũ, hai bên, rặng dừa nước, vườn cau, nhiều nhà hàng xen trong nhà dân. Nhiều nhà dân không kinh doanh, vẫn giữ nguyên sân vườn, con đường êm ả. Từ đây, đến phố cũng gần mà thả hồn vườn quê cũng ngay cạnh. Nếu đi trong đêm trên con đường này, đầm lầy dừa nước im lìm, con sông Thu Bồn nhiều nhánh khi ra biển Đông gây cảm giác liêu trai. Điểm đặc biệt ở đường này có nhiều tấm biển nhỏ chỉ dẫn vila. Những ngày sau đó, tôi tìm hiểu, những gò đảo nổi, các làng vệ tinh vây quanh thành phố Hội An là những khu nhà homestay, vila cho khách nước ngoài thuê ngắn hoặc dài hạn. Kenny, người Mỹ, giải thích: “Ở các nước phát triển, người lao động khi gần tuổi về hưu, họ được nghỉ một năm (gap year) tùy theo cách họ chọn. Kỳ nghỉ kết thúc, họ sẽ quay lại làm việc hoặc nhận thủ tục về hưu như ở Việt Nam”.

Giáo viên dạy miễn phí tiếng Anh của tôi là người Canada, thuê vila với giá 16 triệu đồng mỗi tháng, tiền thuê phải trả một lần cho một năm hợp đồng thuê. Vila có một bể bơi nhỏ, một vườn nhỏ trồng hoa kiểng. Mỗi tuần, được lau dọn hai lần vào thứ tư, chủ nhật. Bể bơi, cách mỗi ngày được dọn một lần. Cuộc sống, nếu chỉ biết nhau đơn sơ thôi thì hẳn nhiên sẽ không có gì để kể, nhưng khi đã “tương tác” đương nhiên có những vấn đề bật ra. Cô Julia mua một chiếc xe Nouvo cũ với giá tám triệu đồng, nhưng chạy được một thời gian, tay ga có vấn đề: “Nó, lúc chết, lúc sống khi tôi đứng ở ngã tư đèn đỏ”, cô Julia nói.

Tay ga chập chờn, thợ chữa xe máy không biết tiếng Anh, người sở hữu chiếc xe đó cũng không có khả năng trình bày bằng tiếng Việt. Cô Julia đã mất công qua nhiều tiệm chữa xe, kết quả không đạt, nên cô buồn lắm. Việc này không khó đối với tôi. Khi tôi làm cho họ điều này, một sự gắn kết khác, một sự mở rộng khác lại tiếp tục.

Ngày 30 Tết, tôi đến nhà cô Julia để tặng một chai rượu. Cô mở một chai vang, yêu cầu phải uống hết rồi mới đi ăn tối. Cô Julia đã có hơn một năm ở đây, lần này, đón cái Tết thứ hai. Cô Julia hỏi tôi, cô muốn đến nhà bạn thân ở Hội An để mừng tuổi cho hai đứa trẻ, nên đi vào ngày nào? Qua một hồi nghĩ ngợi, ngày mồng một họ chọn người xông đất, nên mình đến vào buổi chiều. Mồng hai họ đưa gia đình về bên ngoại, mồng ba họ đưa gia đình về bên nội. Nếu mình muốn đến, nhắn tin cho họ hỏi xem giờ nào họ ở nhà?... Cô Julia thốt lên: “Oh my Got (ôi Chúa ơi)! Vậy là, Tết trước, tôi không biết chuyện này”!

Ngày mồng hai Tết, tôi trở lại nhà cô Julia vào buổi sáng, thấy chồng cô vừa lau nhà xong. Cô mở toang hết mọi cánh cửa, chuẩn bị rượu để đón khách đến chúc mừng năm mới. Cô vào bếp, làm nóng lại món spaghetti. Chồng cô trò chuyện. Chồng cô Julia có cái tên dài nhưng yêu cầu tôi gọi là Henry hoặc gọi tên Việt Nam là Toàn.

Một buổi tối cuối năm, họ rủ tôi đến nhà hàng Salt bên bờ biển, sau hồi giới thiệu học trò cũng là trợ lý mua giúp đồ vặt vãnh bên Đà Nẵng, mang xe máy đi chữa... đến lúc nhìn vào thực đơn. Họ đã gọi món, bảo tôi gọi món. Thực đơn ghi toàn tiếng Anh, diễn giải bằng tiếng Anh với cỡ chữ nhỏ hơn. Tôi không biết phải chọn món ăn nào? Họ nhìn lại thực đơn, yêu cầu có một phiên dịch tiếng Việt. Tuy nhiên, khi tôi đồng ý với món thịt cừu, họ đã hủy toàn bộ món ăn đã gọi. Đến một nhà hàng khác, có chữ Việt, tại đây, loại rượu mà họ muốn uống, nhà hàng bán nguyên chai, họ chỉ muốn uống một ly, nhân viên không bán, họ yêu cầu gặp chủ. Ông chủ đồng ý bán một ly, uống hết, họ gọi ly tiếp theo. Ông chủ nói, uống mỗi người hai ly, giá tiền gần bằng một chai… Họ đã thề rằng, cạch mặt hai cái... nhà hàng dở hơi nọ.

Còn với tôi thì sao? Tôi đã đi mua cho họ hai suất cơm thịt nướng. Trong suất cơm bao gồm trứng cút, rau sống trộn lẫn. Khi bắt đầu tiến hành ăn tại nhà, tôi mới bị dội ngược lại thế này. Thấy tôi ăn rau sống ngon lành, Henry bốc một miếng rau sống cho vào miệng, nhai, gương mặt nhăn nhó, một cảm giác như ăn phải thứ gì đó kinh khủng trong mồm. Rướn cổ nuốt vội, uống một ngụm bia cho thức ăn trôi khỏi cuống họng, Henry nói: “Tôi có cảm giác ăn phải đằng sau xe máy”! Nói xong, Henry nhìn tôi, với ánh mắt như bị tôi chơi xấu. Nhưng lúc đó, tôi đã phải nhịn cười. Tôi biết trong rau sống có lẫn rau diếp cá. Đây là thứ rau, ai chưa ăn quen hẳn sẽ có phản ứng rất cực đoan. Rồi Henry múc hai quả trứng cút sang đĩa của tôi. Cô Julia cũng làm theo như vậy. Tôi đặt câu hỏi: why (tại sao)? Họ giải thích với tôi rằng: “Không ăn quả trứng khi nó chưa ra khỏi… mông của con gà”! Tôi đã phải bịt mồm để “dằn” tiếng cười của mình thêm một lần nữa. Tôi cũng dặn mình lần sau, nếu có phải mua cơm giúp họ thì không lấy rau diếp cá, trứng cút. Vì một thứ là “khói xe máy”, một thứ “chưa ra khỏi mông con gà” và vì tôi không đủ ngôn ngữ để giải thích cho họ bằng tiếng Anh rằng... Kinh nghiệm trải qua, tôi tự dặn mình như vậy.