Vô chợ ăn quà

Trong những ngày ngồi nhà thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của chính quyền hạn chế ra đường, bạn bè vẫn hỏi khi hết dịch bệnh, cậu muốn đi đâu, ăn món gì đầu tiên? Tôi “bật mí” đó là phải chạy vô chợ Hội An, tới quán dì Gái để gọi tô mì Quảng nhiều rau, rồi qua chỗ cô Hai kêu một ly chè đậu ván mát lịm cho bõ công thương hàng, nhớ quán.

Vô chợ ăn quà

Hội An với phần đông khách du lịch, ngoài những danh thắng thì phải ghé đến những quán ăn từng lên sách, báo, tivi như bánh mì Phượng, cơm gà bà Buội, cao lầu Thanh, bánh bông hồng trắng đường Hai Bà Trưng... để thưởng thức. Tôi năm nào cũng đôi lần đến nên thường vô thẳng chợ để... ăn quà. Chợ Hội An từng là nơi trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước sầm uất, nhộn nhịp. Đến nay, dù xã hội có phát triển nhưng chợ vẫn giữ nguyên những nét mua bán truyền thống xưa cũ của người miền trung. Chợ không lớn nhưng có đủ mọi thứ mà một kẻ thích lọ mọ và háu ăn như tôi cần. Từ hàng quán bán cá, thịt, rau củ quả, đồ dùng cho đến các món ăn vặt như cao lầu, mì Quảng, các loại bánh đặc sản cho đến cơm bình dân, chè, sinh tố trái cây.

Khác với nhiều nơi, hầu hết quầy bán đồ ăn ở chợ Hội An đều có tên quán và niêm yết giá cả đầy đủ như một sự bảo đảm để du khách không phải lo lắng về tình trạng “chặt chém”. Khu ẩm thực được phân chia rất khoa học, với hàng mặn có cơm, cao lầu, mì Quảng, bún, bánh đập, hến xúc và hàng ngọt có bánh, nước sinh tố, hàng chè... nên rất dễ tìm. Giữa các quán lại có sự liên kết với nhau nên bạn có thể ngồi xuống một nơi, ăn một món và gọi thêm các món khác chung quanh. Vì là đất Quảng nên trong chợ, các quán cao lầu, mì Quảng có số lượng lớn nhất, tiếp đến là hàng bánh xèo, nem lụi, thịt xiên nướng, ram chiên giòn.

Không như ly đậu ván cốt dừa Huế sánh dẻo, ăn nóng do mùa mưa đến sớm, ly đậu ván nước ở đây ăn kèm với đá nhỏ, dừa bào hay thạch đen bởi tiết trời của Hội An thường nóng kéo dài. Thêm ít đá lạnh vào cốc, nhấp một ngụm dài, cảm giác tươi mới, mát lành của hương đậu ván khiến tôi quên mất mình là khách, quên mất công thức nấu vừa hỏi cô Hai, mà cứ như người dân phố Hội lâu lắm mới trở về quê để được đắm trong dư vị ngọt ngào của ly chè.