“Trốn” về Lâm Thượng

Thức dậy trong tiếng gà gáy, hít thở không khí trong lành, chủ nhà chuẩn bị ra đồng, khách cũng sắp đồ leo núi ngắm mặt trời mọc. Đó là những công việc để khởi động ngày mới ở bản Tông Cại (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, Yên Bái).

“Trốn” về Lâm Thượng

Sẽ chẳng ai thay bạn trèo đèo lội suối, hít hà mùi gạo nếp nương vừa đồ chín nóng hổi bọc trong lá chuối xanh. Không ai thay bạn ngắm thung lũng ẩn hiện khi mặt trời lặn hay nghe tiếng mưa tí tách lọt qua những lá cọ rơi xuống hiên nhà… Bởi thế, về với thung lũng Lâm Thượng, mọi giác quan của bạn sẽ được đánh thức để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.

Thung lũng được núi rừng trùng điệp bao quanh nên sáng sớm vẫn thấy mây sà xuống bản. Dân bản chủ yếu là người Tày, sống trong nhà sàn, làm nghề nông là chủ yếu. Họ thường thức dậy sớm, nấu bữa sáng, thả gia súc rồi tất bật chuẩn bị ra đồng. Bởi thế, nhìn lên đỉnh núi thì ngắm bình minh nhưng nhìn xuống dưới là khói bếp quẩn trên những mái nhà.

Cây xanh trên rừng, lúa ngoài đồng, cá tôm ngoài sông ngoài suối, thiên nhiên ưu đãi cho mảnh đất trù phú này nhiều thứ khiến những vị khách thấy mình bị “nghiện” cái cảm giác thỏa thích trải nghiệm và khám phá. Những khe suối lẫn trong những khu rừng quanh bản, chỉ cần đạp xe hoặc đi bộ chừng 30 phút là có thể tới suối Khuổi Luông, thác Xả Tràn, thác Bẳng Hai. Được đắm mình trong dòng nước mát lạnh, vùng vẫy bơi lội, tắm suối, tắm thác là cách “trốn” cái nóng mùa hè đúng đắn nhất.

Qua mùa lúa tháng 6 là mùa vịt thả đồng ngon nhất. Nhiều du khách nước ngoài thích thú khi được tham gia bắt cá, bắt vịt, sẵn sàng đội mưa cùng người dân lùa cả đàn về nhà, rồi vào bếp chuẩn bị làm cơm chiều. Hai món đặc sản của bà con người Tày Lâm Thượng là vịt bầu ăn rêu đá suối, chà cù (sườn non nấu riềng mẻ lá chanh). Sau bữa chính, ngô, khoai, sắn luôn dành sẵn cho buổi tối để khách, chủ cùng quây quần bên bếp lửa vừa trò chuyện vừa nướng rồi cùng nhau thưởng thức.

Ở bản Tông Cại vẫn có những người tâm huyết giữ nghề làm đồ thổ cẩm, nhuộm vải chàm để may trang phục truyền thống. Sau một ngày lang thang khắp làng bản khám phá thì một buổi sáng ngồi bên khung cửi lách cách dệt hoa văn, nghe về tục chọc sàn của người Tày cũng biết thêm nhiều điều thú vị.