“Tour ảo” khám phá bảo tàng

Chỉ cần máy tính, hoặc điện thoại thông minh kết nối internet, một tài khoản Google và vài cú click chuột, bạn đã có mặt trong gian phòng trưng bày đặc biệt Salle des États của Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp), thỏa thích chiêm ngưỡng bức họa danh tiếng của Leonardo de Vinci. Một mình với “nàng Mona Lisa” không phải là ý nghĩ viển vông.

“Tour ảo” khám phá bảo tàng

Nhờ tour “ảo” tham quan bảo tàng do Google Art & Culture cung cấp, người xem hoàn toàn không bị làm phiền bởi máy ảnh, bởi tiếng ồn đám đông và có thể phóng to, nhỏ từng chi tiết để xem xét, phân tích kỹ ánh mắt, nụ cười của “nàng Mona Lisa”. Không những thế, họ có thể điều chỉnh hướng quan sát từ góc trái, góc phải tùy thích và không bị buộc phải sớm rời đi sau vài chục giây ngắn ngủi để nhường chỗ cho người khác. Nếu không còn hứng thú, bạn có thể chọn khám phá khu vực phương Đông cổ đại; nghệ thuật Hồi giáo… hoặc chiêm ngưỡng kim tự tháp kính Louvre. Thống kê cho thấy, thông thường mỗi du khách phải mất từ ba - bốn tháng mới xem hết Bảo tàng Louvre (với khoảng 35.000 hiện vật được trưng bày trên tổng số 380.000 hiện vật được bảo tàng lưu giữ). Nhưng trong chuyến tham quan bảo tàng “ảo” này, thời gian hay khoảng cách không còn là vấn đề.

Ứng dụng Google Art & Culture mới đây cung cấp quyền truy cập miễn phí một số bộ sưu tập nghệ thuật hàng đầu thế giới của hơn 1.000 bảo tàng và các phòng trưng bày trên thế giới. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, người xem có thể lựa chọn đến bất cứ nơi đâu. Ai cũng có thể khám phá 1.167 bộ sưu tập nghệ thuật, 3.000 trưng bày triển lãm và hơn một triệu hình ảnh hiện vật có độ phân giải chất lượng cao...

Xét về tính tiện lợi, “bảo tàng bỏ túi” này tất nhiên có nhiều lợi thế, như tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Đặc biệt, phù hợp với thời điểm hiện nay, khi nhiều khu vui chơi giải trí công cộng, bảo tàng lớn, phòng trưng bày buộc phải đóng cửa do dịch bệnh và người dân bị hạn chế đi lại. Nhưng, với những “tín đồ” đam mê xê dịch, có thể sẽ làm giảm đam mê khám phá của họ. “Tour ảo” nhiều thông tin, nhưng lại thiếu cảm giác chân thực, sống động. Mà cảm giác ấy nhiều khi lại đến từ không gian trưng bày, từ việc kiên nhẫn xếp hàng mua vé, thích thú ngắm nhìn đám đông với máy ảnh, điện thoại vây quanh các kiệt tác nghệ thuật.