Tiếng Việt ở Pakse

Pakse là thủ phủ của tỉnh Champasak và vùng nam Lào, cũng là thành phố lớn thứ hai của “đất nước Triệu voi”. Đây là trung tâm giao thương của hai nước nên tập trung đông người Việt sinh sống nhất ở Lào. Thay cho ngôn ngữ chính là tiếng Anh, hành trình xuất ngoại công tác mà vẫn được nói tiếng quê hương của chúng tôi bắt đầu từ đây.

Tiếng Việt ở Pakse

Chuyến xe đến Pakse khá tối vì dọc đường phải dừng đón trả khách khiến ai nấy đều thấm mệt. Check-in và tắm rửa xong, tôi đi bộ ra tiệm tạp hóa đầu đường tìm mua mấy đồ vặt, chợt vẳng bên tai chất giọng quen thuộc của hai bạn trẻ khi đi ngang qua. Thì ra họ đang trêu đùa nhau bằng tiếng Việt, còn tôi ngớ ra một lúc vì quên mất mình đang đặt chân đến một nơi xa.

Sáng sớm tại Pakse rất yên bình và người Lào không vội vã. Dù đã hơn 7 giờ sáng nhưng nhiều cửa hàng dọc các tuyến phố chính chưa mở. Suốt tuyến đường trung tâm của Pakse không có cảnh tắc đường, rất ít tiếng còi xe. Sau nửa ngày lang thang qua các khu phố yên tĩnh với những mái nhà thấp xây theo lối kiến trúc thuộc địa Pháp, những ngôi chùa mái cong dát vàng u tịch, yên tĩnh bao nhiêu thì chiều đến ghé qua ngôi chợ Đào Hương tại khu trung tâm lại náo nhiệt bấy nhiêu. Kinh nghiệm mà nhiều người vẫn thường mách, rằng sang Lào, vào chợ muốn mua gì, trước hết hãy cứ nói tiếng Việt.

Đào Hương, ngôi chợ của một doanh nhân Việt kiều thành công tại Pakse khá khang trang, có đủ các mặt hàng và đặc biệt tiểu thương phần lớn là người Việt. Dạo một vòng, có cảm giác như bạn đang đi chợ ở quê nhà. Nào là cô Xuân người Nghệ An bán vải, anh Chính quê Quảng Bình bán đồ điện tử, chị Nga bán dép. Ngoài ra, người Việt cũng biết cách mang hương vị quê hương với các loại nem, chả, bún, bánh… đến với xứ người. Ở nơi xa, mọi người vẫn nhận ra chất giọng đồng hương hỏi thăm nhau, khiến đoàn chúng tôi mải chuyện mà quên mất giờ hẹn xe đón đi ăn tối.

Đến Pakse, bạn nhất định phải ghé thưởng thức món cá nướng muối khu vực bờ kè sông Mê Công. Cá tươi đánh bắt từ sớm sau đó ướp muối và nướng trên than hồng, cuốn với rau và bánh tráng, một gợi ý cho bữa tối mà ai đến đây cũng muốn nếm thử. Ngoài thưởng thức đặc sản địa phương, những ngày ở Pakse, đi, gặp, nói và cả ăn món Việt khiến chúng tôi như được sống trên quê hương.