Một ngày ở chợ đầu mối

Bà hàng xóm rành chuyện bán buôn từ chợ này qua chợ kia của tôi lâu lâu lại véo von: “Đi buôn không lỗ thì lời, đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng...”. Nếu đến chợ đầu mối, bạn sẽ thấy người ta không bán thập cẩm các loại rau, củ, quả như một sạp hàng ở một khu chợ nhỏ, mà mỗi người sẽ chỉ bán một món chủ đạo.

Một ngày ở chợ đầu mối

Chợ họp từ 10 giờ đêm đến sáng. Người người chen lấn, xe to, xe nhỏ, xe máy, xe ba gác như trộn vào nhau dưới ánh đèn khuya về sáng. Cả khu chợ rộng 20 ha nhưng ít có những khoảng trống, chỗ nào cũng là người, xe, rau, củ, quả... Gần sáng là giờ cao điểm các tiểu thương đổ dồn về chợ để lấy hàng.

Nếu mỗi ngày đều đi chợ thường, nhớ giá các thứ mình từng mua bạn sẽ thấy sự chênh lệch về giá gấp đôi, gấp ba so ở chợ đầu mối. Thí dụ, 10 ký xoài keo giá 100 nghìn đồng, 10 ký đu đủ là 50 nghìn, 10 ký quýt đường hay hồng xiêm giá 90 nghìn… Vì là chợ đầu mối nên mọi mặt hàng đều đóng chẵn cân, không ai muốn tách ra từng ký hàng để bán vì lời lãi chẳng bao nhiêu. Vậy nên, đôi lúc muốn mua dưa leo bạn phải chấp nhận mua một bịch 10 ký đóng sẵn với giá 25 nghìn đồng. Thế nhưng tuy nhiều nhưng hàng luôn hết nhanh. Cả Sài Gòn rộng lớn, nhu cầu về thực phẩm nhiều, bao nhiêu rau cũng hết nên dân bán buôn ở chợ đầu mối cũng mang tiếng “chảnh”.

Tuy nhiên, nếu muốn mua giá rẻ hơn thì hãy đi chợ lúc 12 giờ trưa hoặc một giờ chiều. Lúc này, chợ đã vãn, nắng lên, người bán đã thấm mệt chỉ muốn xả hàng nhanh để về nghỉ. Hàng lúc này được bán với giá gốc, thậm chí bán lỗ nhưng chủ sạp vẫn vui vẻ. Nhưng hãy tỉnh táo, nếu bạn mua 20 ký cam, về cân lại ở nhà đôi lúc chỉ còn 18 ký mà thôi.

Vòng vo vậy thôi vì mỗi thứ đều có giá trị riêng của nó. Nếu một sáng nào đó dậy sớm ra phố tập thể dục, bạn thấy nườm nượp người, xe chở rau, củ đi qua các ngả đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Ngân hay băng qua cầu Bình Triệu hướng về các quận 1, quận 3..., thì trước đó đã có những cuộc mua bán, mặc cả từ chợ đầu mối.