Mênh mang triền cát Nam Cương

Không bao ngợp cả tầm mắt như đồi cát Mũi Né (Bình Thuận), từ xa nhìn lại, cồn cát Nam Cương như “kim tự tháp” vàng rực nổi bật khỏi những mái nhà, vườn rau hay cánh đồng mênh mông chung quanh. Nhiều khách nhận xét Nam Cương là một Ninh Thuận thu nhỏ, gom đầy đủ cả ba “sản vật”: nắng, gió và cát.

Mênh mang triền cát Nam Cương

Đồi cát Nam Cương nằm giữa những xóm làng Chăm yên bình của xã An Hải, huyện Ninh Phước, cách không xa thành phố Phan Rang - Tháp Chàm của Ninh Thuận. Người Chăm ở đây đều chọn vùng đất có nguồn nước và trồng trọt phía dưới chân đồi sinh cơ lập nghiệp, nên bao đời nay, đồi cát Nam Cương vẹn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng của miền hoang mạc.

Bí kíp để “bắt” trọn vẻ đẹp của những triền cát lượn sóng Nam Cương là đến đây khi bình minh lên và hoàng hôn buông xuống. Không chỉ bởi ánh nắng tạo ra những tầng, bậc mầu sắc kỳ diệu trong một không gian nhỏ, mà còn bởi đây là hai khung cảnh có thể so sánh dễ dàng nhất sự biến ảo của đồi cát này.

Nam Cương cách không xa biển nên cảnh tượng cả đồi cát đôi khi tung bụi cát mịt mù như giữa sa mạc, có khi lại yên ắng tĩnh lặng không ngờ đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Sự đối lập của thiên nhiên có thể thấy rõ nhất lúc mặt trời lặn, khi triền đồi phía tây là dải cát vàng rực rỡ, còn triền phía đông đã chìm trong mầu xám nâu do khuất nắng.

Cát ở Nam Cương hạt mịn, nén chặt, không lún sâu nên du khách dễ dàng leo bộ. Đỉnh đồi cao nhất cũng tầm 100 m so mực nước biển, thích hợp các trò chơi đi xe địa hình, trượt cát, hoặc vừa sức cho các trò chơi như thả diều, chạy nhảy trên đồi. Ngoài sự tồn tại của xương rồng, loài cây đặc trưng của vùng đất khô nóng, quang cảnh quanh đồi cát Nam Cương không gợi nhiều đến cảm giác khắc nghiệt của vùng hoang mạc. Từ đỉnh đồi có thể ngắm ngọn núi Chà Bang hùng vĩ trước mặt, phong cảnh làng quê yên bình với những khu vườn, mảnh ruộng trồng hoa màu, cây trái, cỏ cho gia súc.

Sau một ngày thưởng ngoạn xứ nắng Ninh Thuận, khoảnh khắc thấy khói bếp tràn lên từ những mái nhà trong xóm, những người phụ nữ Chăm trong trang phục truyền thống trở về nhà, vài người dân tưới những luống măng tây trong vườn mới thấy ở đây chỉ có gió đến và đi vội vàng, còn mọi nhịp điệu đều rất chậm rãi.