Kỳ thú đảo Long Sơn

Không ít lần, tôi nghe anh bạn ở Vũng Tàu nói về những điều hết sức kỳ thú ở xã đảo Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu). Chỉ cách thành phố chừng ba cây số, theo đường chim bay, nhưng phải đi gần 15 cây số đường bộ mới tới nơi. Khi xe vượt qua cầu Chà Và, anh bạn tôi chỉ về khu Nhà Lớn phía trước mặt nói: Đó là nhà của “Lục Vân Tiên”. Tôi ngỡ ngàng đi theo…

Xóm bè cá ở Long Sơn.
Xóm bè cá ở Long Sơn.

Về Long Sơn nghe chuyện Lục Vân Tiên

Nhà Lớn được tạo nên bởi những dãy nhà gỗ, nhiều lớp mái ngói hai tầng đan xen nghiêng nghiêng, tựa như tranh vẽ trong các bộ thủy mặc xưa. Nhiều dãy nhà chạy dọc thành những con phố nhỏ hút về nhà thờ trung tâm. Tôi có cảm giác mình đang bước vào một thế giới bình yên, mênh mang tĩnh lặng.

Người xây dựng nên khu nhà kỳ lạ này là ông Trần. Ông là một con người kỳ lạ trong một thế giới đầy những biến động và số phận con người bị đọa đày thời giặc Pháp xâm lược. Nói kỳ lạ, bởi đó chính là lòng người ân nghĩa bao dung mãi mãi tồn tại, kể từ khi ông Trần bắt đầu đổ nền móng nhỏ bé đầu tiên ở nơi đây, vào năm 1900. Nói kỳ lạ, bởi cái lý sống chết của ông được xây dựng bắt đầu từ câu chuyện cổ Lục Vân Tiên, mà ông đã nhuốm mầu cho từng viên gạch hồng và mỗi hòn ngói cổ kính trên mỗi ngôi nhà. Vậy ông Trần là ai? Tôi lắng nghe anh Hợp Minh, bạn tôi là một giáo viên, ở thành phố Vũng Tàu kể lại chuyện, cách đây hơn 100 năm…

Ba đỉnh cao của núi Nứa, trên đảo Long Sơn là cái đuôi của dãy núi Phước Hòa (Bà Rịa) chạy ra biển, liền mạch dài tới gần 10 cây số. Những dải đất chung quanh dãy núi Nứa được bồi lấp bởi cánh rừng ngập mặn tạo nên hòn đảo rộng tới cả trăm cây số vuông. Xưa, dân bên xứ Bà Rịa vượt sông, dựng nhà cửa sinh sống, bên phía bắc núi Nứa. Nhưng núi sông cách trở, cảnh tượng hoang dã. Dân tình thưa thớt vắng vẻ, nhiều khi còn bị thú dữ tấn công. Riêng sườn kéo dài phía đông, dãy núi Nứa chưa hề có dấu chân người bén mảng tới, bởi lúc nào cũng chỉ có gió rú rít và sình lầy đầy muỗi kêu hoang. Nhiều nơi không có đường đi vì rừng sác rậm rịt, xú vẹt, chen lấn cùng rừng đước đầy rắn độc rình rập.

Vậy mà, một người là ông Lê Văn Mưu đã cập chiếc thuyền buồm rong ruổi khắp nơi về đây, cùng với gia đình và bắt đầu khai phá miền đất mới. Đó là cả một câu chuyện đậm chất “Rô-bin-sơn” trên miền đất hoang dã cô đơn này. Tài sản ông mang theo duy nhất là văn bản giấy dó ghi lại câu chuyện chàng Lục Vân Tiên. Ông được coi là đảo trưởng, tổ chức cuộc sống cho mọi người với nguyên tắc được rút ra từ… câu chuyện Lục Vân Tiên. Đó là phương châm, lấy “Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín” làm lẽ sống. Chính vì thế, người từ khắp bốn phương tìm đến, đều yên bề làm ăn và sống theo triết lý về đạo làm người. “Đảo trưởng” Lê Văn Mưu được tôn vinh thành ông Trần, vì cả cuộc đời ông chỉ ở trần đi chân đất. Tóc dài búi ngược gọn gàng. Suốt ngày ông cày cuốc và ra đồng làm muối. Ông sống với tấm lòng chân tình, cứu giúp người khi hoạn nạn, sẵn sàng hy sinh vì người khác. Những nguyên tắc ấy được tồn tại cho đến ngày nay.

Năm xưa, ai về đây sinh sống cũng được ông cưu mang và kể chuyện Lục Vân Tiên cho nghe. Trong sinh hoạt, dân làng đều theo những nguyên tắc mà ông Trần đề ra: “Sống và chết mọi người đều bình đẳng không ai hơn ai. Phải nhường cơm xẻ áo. Đói no cùng chịu...”. Đó là nguyên tắc về đạo làm người mà ông Trần luôn tuân theo. Mọi người thấy có lý ấm áp tình thâm, nên cứ thế làm theo, hơn trăm năm qua.

Từ khi ông Trần mất năm 1935, nhiều thế hệ người dân địa phương đã bảo tồn, giữ gìn những nếp sống chung một cách nghiêm ngặt. Khi chúng tôi vào Nhà Lớn, bà Lê Thị Kiềm, cháu bốn đời của ông Lê Văn Mưu chỉ cho chúng tôi hai vật quý nhất, trong khu nhà lớn này. Đó là bộ bàn ghế cổ “Bát tiên” của Vua Thành Thái để lại và bộ tranh vẽ câu chuyện Lục Vân Tiên trên tường kính. Những di vật cổ còn sót lại, thời ông Trần đều có ý nghĩa sâu sắc, về đạo làm người. Đó là sự hội tụ thương yêu, nương tựa vào nhau trong cuộc tìm kiếm phép tiên của niềm vui sống (tranh chạm khắc tám vị tiên) và sâu xa hơn, cụ thể hơn là cách ứng xử nhân thế của con người, hy sinh vì người khác (Lục Vân Tiên). Bà Kiềm nói, chỉ với hai di vật cổ đó thôi đã nói lên tư tưởng của khu Nhà Lớn do ông Trần gây dựng. Nó tồn tại, cuốn hút lòng người và phát triển, mỗi ngày một xanh tươi…

Những chiến sĩ của rừng sác Long Sơn

Câu chuyện bất ngờ hơn, khi chúng tôi được gặp bà Trần Thị Tám, một thành viên trong đền ông Trần. Bà năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn còn nhớ in những ngày tháng đảo còn chìm trong rừng sác ngập mặn. Đúng theo hình mẫu Lục Vân Tiên mà ông Trần tôn kính, cả làng đều đứng dậy theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ngày ấy đoàn quân giải phóng lấy rừng sác để làm căn cứ cách mạng. Ngay từ những năm chống giặc Pháp, đội quân của địa phương đã hình thành, và rừng sác Long Sơn là mối đe dọa cho kẻ thù. Không ít những cuộc hành quân bao vây của địch đã bị đánh chặn và lạc lối trong sình lầy. Bà Tám móm mém cười mỉm rồi đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ dân gian về rừng sác nơi đây: “Rừng sác bịt mắt kẻ thù. Nhưng là lá chắn chiến khu quân mình…”.

Đến ngày đánh giặc Mỹ xâm lược, rừng sác Long Sơn là phần nối dài của chiến khu rừng sác, thuộc căn cứ cách mạng Núi Dinh, do Thị ủy Bà Rịa chỉ huy. Từ đây đội quân giải phóng ngày một lớn mạnh. Bà Tám vẫn còn nhớ ngày 27-4-1975, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác cùng quân đội tiến công vào giải phóng đảo Long Sơn. Sư đoàn Sao Vàng dừng chân và củng cố lực lượng tại đây, chuẩn bị cho trận đánh lớn, giải phóng thành phố Vũng Tàu. Quân dân và du kích đảo Long Sơn bố trí hỏa lực tại Bến Điệp để khống chế các mục tiêu và hỏa lực địch, ở Vũng Tàu. Đồng thời, tại đây đoàn quân sẽ khóa chặt cửa sông Lòng Tầu, chặn đánh những tàu lớn của địch vào tiếp tế. Đảo Long Sơn như một pháo đài, đánh chặn lực lượng thủy quân lục chiến của địch, hỗ trợ cho bộ binh ta tiến công vào thành phố Vũng Tàu. Lực lượng tại đảo Long Sơn trở thành mũi tiến công bằng đường thủy, tạo nên thế gọng kìm khép chặt vòng vây, cùng đại quân tiến công giải phóng thành phố.

Đúng vào đêm 28, rạng sáng ngày 29-4-1975, đội đặc công nước xuất phát từ bến Gò Găng thuộc đảo Long Sơn, vượt qua sông Dinh đánh sang cầu Rạch Bá (Vũng Tàu). Đội quân này tạo nên mũi tiến công thứ ba đánh vào tuyến phòng thủ kiên cố của kẻ địch ở Cỏ May. Đây là cửa tử của quân địch tại Vũng Tàu. Cho dù chúng đánh trả quyết liệt, nhưng với ba mũi tiến công của quân đội ta, địch đã phải tháo chạy. Thừa thắng, trung đoàn 2 xuất phát từ Long Sơn đã ào ạt vượt sông tiến đánh chốt cuối cùng của kẻ địch. Đúng 13 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, cuộc tiến công nổi dậy giải phóng Vũng Tàu đã hoàn toàn thắng lợi. Lá cờ lớn tung bay trên đỉnh núi Nứa, như một lời chào chiến thắng, mà quân dân xã đảo Long Sơn đã góp sức vào bản anh hùng ca.

Một ngày không xa nữa, sân bay Vũng Tàu sẽ được xây dựng ở xã đảo Long Sơn, tiếp nối cho câu chuyện huyền thoại nơi đây. Xã đảo Long Sơn đang phát triển từng ngày. Con đường hoa phượng dẫn vào xã đảo Long Sơn bừng nở, nắng hè rạo rực nuôi những ước mơ cháy lên, như những búp lửa thắp sáng, dọc con đường dẫn tới khu Tổ hợp lọc hóa dầu Vũng Tàu. Con đường hạnh phúc của xã đảo anh hùng Long Sơn đang mở rộng trong ngày mới.