Không chìm ở Biển Chết

Nếu dãy núi Himalaya được xem là nóc nhà của thế giới thì Biển Chết là nơi trũng sâu nhất của Trái đất và là địa điểm khách du lịch đổ dồn về do tâm lý lo ngại kỳ quan thiên nhiên này sẽ biến mất vì cạn kiệt. Ai cũng mong muốn được một lần đến đây nằm trên mặt nước, không cần bơi mà vẫn... nổi.

Không chìm ở Biển Chết

Từ Jerusalem (Israel) xe đưa chúng tôi đến Biển Chết. Thật ra, đây không là biển mà chỉ là một cái hồ. Các sông chảy vào Biển Chết có chứa nhiều muối khoáng, do lượng nước ở đây không có đường thoát nên qua năm tháng, hàm lượng muối ngày càng đậm đặc, vì thế nước ở Biển Chết có độ mặn rất cao. Không có sinh vật nào tồn tại được trong điều kiện sống khắc nghiệt này, nên nó mới mang cái tên không lấy gì làm vui vẻ: Biển Chết.

Chính bởi độ mặn khiến tỷ trọng của nước lớn hơn nhiều lần tỷ trọng của con người đã làm nên điều kỳ diệu của Biển Chết: con người có thể nổi bồng bềnh trên mặt nước cho dù không biết bơi mà không lo bị chìm. Tuy nhiên, trước khi xuống nước, bạn phải nắm vững những quy định chung như không được tắm quá 45 phút, phải mang kính bơi để tránh nước vào mắt, không uống nước biển, không bôi kem chống nắng vì có thể gây hại cho da, không đùa nghịch nước vì có thể làm bắn vào mắt người khác…

Bơi ở Biển Chết rất khó. Bạn không thể theo lối thông thường mà phải bơi ngửa rồi nhẹ nhàng dùng tay như chiếc mái chèo để đẩy người trôi. Nếu vẫn muốn bơi sấp hay sải, bạn phải đeo một mặt nạ chuyên biệt để nước không vào mắt, mũi, miệng… vì thế bơi ở Biển Chết mang đầy tính trải nghiệm chứ không thoải mái như khi đang bơi ở sông hồ hay biển.

Với những vùng biển khác, lặn ngắm san hô là một trong những hoạt động ưa thích của nhiều người thì ở Biển Chết bạn chỉ có thể đi dạo trên bờ để ngắm những tảng muối kết tinh thành những hình khối ngộ nghĩnh. Tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người mà đó có thể là bông hoa, hang động, những con vật… qua năm tháng đã tạo ra những hình dáng kỳ lạ đến thích thú.

Mang tên Biển Chết nhưng địa danh này luôn thu hút bước chân của những người sống tìm về. Nước biển mặn, khí hậu khô và nắng ấm quanh năm khiến Biển Chết trở thành địa điểm lý tưởng cho những ai vừa muốn tái tạo làn da, vừa muốn tránh những ngày đông lạnh lẽo.