Hương vị biển khơi

Không mải miết rong ruổi trên triền cát mênh mông, hay theo những cung đường rực mầu hoa giấy dọc theo “thủ phủ resort” Mũi Né, một ngày tập làm món lẩu thả, món ăn trở thành niềm tự hào của người dân Phan Thiết (Bình Thuận) đã hé mở cho tôi thêm nhiều điều độc đáo về vùng đất này. 

.
.

Lẩu thả là thực đơn luôn có ở những nhà hàng và cũng là món đãi khách quý trong mỗi gia đình nơi đây. Một tô lẩu thả chứa đựng rất nhiều câu chuyện về văn hóa, làng nghề, cách thưởng thức của người dân vùng biển. Ở đó, “linh hồn” của lẩu thả là cá mai (trong ảnh), loài cá chỉ xuất hiện ở vùng đất Nam Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. 

Để có được mẻ cá thơm ngon cho bữa ăn, người đầu bếp thường dậy sớm, tới những làng chài ven biển đón tàu cá về. Tại Phan Thiết, làng chài Mũi Né là điểm đến hấp dẫn, với khung cảnh từng đoàn thuyền dong buồm về cùng ánh bình minh, không khí nhộn nhịp của phiên chợ bán - mua ngay bên bờ biển. Nếu không phải mùa cá mai, người Phan Thiết có thể đổi thành cá đục hay cá suốt, nhưng không thể tạo ra vị đậm đà, thơm ngọt bằng. Cảm giác ngồi bên bờ biển đợi những mẻ cá mai của những người phụ ở đây cũng háo hức như khi bạn đợi một món quà giá trị.

Không nhúng vào nồi như các món lẩu khác, người ăn lẩu thả xếp vài lát cá mai, rau, bún, thịt, trứng, bánh tráng bẻ vụn vào tô rồi tưới nước dùng còn nóng hổi lên trên để thưởng thức. Thường khi ăn, gia chủ cũng để sẵn một đĩa ớt thái lát và nước mắm cốt, để mọi người có thể nếm đủ vị cay, chua, mặn, đắng, ngọt hòa quyện vào nhau. 

Vị nước mắm cốt lại gợi mở về một trải nghiệm mới ở Phan Thiết. Đó là tới Bảo tàng nước mắm làng chài xưa, trước đây là làng chài Khánh Thiện - nơi có nghề làm nước mắm Tĩn truyền thống. Tự hào là một trong những cái nôi của nước mắm truyền thống, tại bảo tàng nước mắm đầu tiên của Việt Nam này, một câu chuyện của 300 năm qua với nhiều lớp lang, từ quá khứ, hiện tại tới tương lai đã được tái hiện bằng nhiều hình thức sinh động. Du khách được trải nghiệm cách làm nước mắm, nếm thử vị mặn mòi của biển khơi và thưởng thức “Huyền thoại làng chài”,  nơi quá khứ vàng son của nghề truyền thống được tái hiện bằng một chương trình nghệ thuật công phu, hoành tráng.