Hoa ngô đồng phủ xuống hoàng cung

Những ngày trời Huế chuyển mùa từ xuân sang hè cũng là thời điểm giới săn ảnh, người yêu hoa lại tìm về Đại nội để đắm đuối bên loài hoa chỉ nở đúng vào dịp này: hoa ngô đồng. Tương truyền, cây ngô đồng là nơi loài chim phượng hoàng tìm đậu và được người xưa xem như đại diện cho tính cách của bậc quân tử. 

Hoa ngô đồng phủ xuống hoàng cung

Không lỡ hẹn, những cây ngô đồng bên trong hoàng cung luôn cho hoa đúng thời điểm tàn xuân, đón hạ. Với giới săn ảnh và chuyên gia về hoa, tuyệt đẹp nhất trong số những cây ngô đồng cho hoa là cây ở khu vực góc sau điện Thái Hòa, Đại cung môn và cây nằm góc sau nhà Tả Vu. Thời điểm này, những cây ngô đồng nở hoa tím hồng rủ xuống dưới những mái ngói cổ kính rêu phong tạo nên một vẻ đẹp quyền quý.

Nhiều du khách vào Đại nội đã ngẩn ngơ khi đứng dưới những cội hoa ngô đồng. Từng cánh hoa li ti, kết chùm, xiên qua tia nắng hòa quyện mây trời đẹp đến nao lòng. Anh Nguyễn Tường, du khách đến từ Đà Nẵng mở điện thoại khoe với tôi nhiều tấm hình chụp về hoa. Anh cho biết, mỗi năm ngô đồng nở anh đều thu xếp ra chụp ảnh và so sánh lượng hoa với các năm. “Những chùm hoa phủ xuống những khối rồng trên mái điện tạo nên một bức tranh tuyệt tác”, anh Tường tấm tắc. Không riêng anh Tường, nhiều du khách, đặc biệt là các du khách nữ, những năm gần đây đều tranh thủ mùa hoa nở để tạo dáng chụp hình. Ngắm những khung hình thơ mộng ấy, ai cũng trầm trồ không diễn tả được bằng lời.

Sách sử ghi lại, ngô đồng là một trong chín loài cây được Vua Minh Mạng cho khắc vào Cửu đỉnh, tượng trưng vương quyền. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) mục Mộc chép về cây ngô đồng như sau: “Đời Minh Mệnh (Minh Mạng) đem từ Quảng Đông (Trung Quốc) về, trồng ở hai bên điện Cần Chánh”. 

Ngày nay, những cây ngô đồng đã được nhân giống và đưa ra trồng bên ngoài. Cùng thời điểm bên trong Hoàng thành, những cây ngô đồng được trồng ở dọc Hoàng thành, đôi bờ sông Hương, Công viên Tứ tượng… cũng nở rộ hoa. Những cây ngô đồng ấy không chỉ tạo nên vẻ đẹp cho không gian di sản mà còn tạo nên một cuộc tranh luận về việc trồng sao cho phù hợp. Người cho rằng, đó là giống cây quý phái nên trồng ở hoàng cung, lăng tẩm, đền đài. Trong khi đó, lại có ý kiến cho rằng, cần phải nhân rộng, trồng ở nhiều nơi.