Đủ duyên thì đến với Sakya

Ở Sakya, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một Mạn đà la thật sự và nhìn cách người ta phá hủy nó, theo phương thức truyền thống nhất.

Đủ duyên thì đến với Sakya

Tu viện Sakya nằm ở phía tây nam Shigatse, khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc). Rất nhiều người đã lướt qua nó. Bởi nó nằm ở cách trục đường chính cao nguyên Thanh - Tạng 5 km, trên đường từ thủ phủ Lasha đi Shigatse. Có quá nhiều tu viện ở Tibet, và để bảo đảm hành trình, sức khỏe, nếu không phải vì một mối duyên nào đó, người ta sẽ không chọn Sakya làm điểm đến cho mình.

Với lịch sử hơn 900 năm của mình, Sakya được xem là “cái nôi” của dòng truyền Sakya - theo tên người sáng lập, một dòng đến từ Ấn Độ. Trong điện thờ chính, tu viện vẫn lưu giữ một kho kinh sách khổng lồ viết trên lá bối với hơn 40.000 bản kinh Phật. Các giá sách được kéo dài toàn bộ ba mặt tường, lên tới tận nóc nhà, chiều cao tới 11 m. Không ai có thể tưởng tượng ra phía sau lối đi hẹp ấy là kho kinh Phật vào hàng lớn nhất nhì thế giới.

Nếu may mắn, du khách có thể được tận mắt tham gia các nghi lễ của tu viện. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một Mạn đà la hoàn chỉnh được vẽ tay bằng phấn trong một nghi lễ tại đây. Để hoàn thành Mạn đà la cầu kỳ này, các Lạt ma phải mất chín ngày. Sau chín ngày liên tục làm lễ, các Lạt ma sẽ trực tiếp phá hủy nó, để tất cả trở về hư vô. Nghi lễ diễn ra cực kỳ nghiêm trang, Mạn đà la hình tròn dưới đất dần dần biến mất. Bột phấn từ Mạn đà la sẽ được chia cho những người có mặt trong buổi lễ mang về. Một người Tây Tạng đi cùng tôi nói dù đã qua đây rất nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên anh chứng kiến lễ phá hủy Mạn đà la ở đây.

Sakya còn là một không gian kiến trúc khác biệt với các tu viện khác bởi mầu sắc đặc trưng cho phái Sakya. Các mảng tường được sơn đen, thi thoảng có những gạch trắng - đỏ - tượng trưng cho ba chuyển thân của Quan Thế Âm. Những bức thangkha - tranh thờ của người Tạng - ở đây có thể coi như đạt đến bậc thầy về nghệ thuật. Trải qua nhiều biến động lịch sử, chỉ còn lại một phần tu viện so thời nguyên thủy, nhưng Sakya vẫn bảo tồn cho mình một di sản đáng nể.

Đi Sakya không khó, nếu đã đặt chân tới Tibet. Nhưng để tận mắt chứng kiến những nghi lễ ở Sakya, là một duyên lành hiếm có.