Chinh phục “Ngã ba Đông Dương”

Ngã ba Đông Dương (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tiếp giáp ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia là nơi bạn có thể đến để thử cảm giác “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe thấy”.

Chinh phục “Ngã ba Đông Dương”

Mùa mưa ở Kon Tum cũng thất thường. Khi thấy gió mát lồng lộng thổi từ phía dòng Đác Bla là biết một chút nữa những cơn mưa sẽ kéo tới. Vì vậy, để đến cửa khẩu Bờ Y, hành trình xuất phát từ thành phố Kon Tum phải khởi hành từ sớm. Hai bên đường đi, những cánh rừng cao-su xanh rì, thẳng đều tăm tắp che khuất tầm mắt.

Từ trung tâm xã, đi thêm khoảng hơn 20 km là tới cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Con đường đến “Ngã ba Đông Dương” - cột mốc ranh giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia sẽ chạy vòng vèo quanh mấy ngọn đồi thêm 10 km nữa. Sau một đoạn đường trải xi-măng là tới đường đất đỏ dẫn lên đỉnh núi, hai bên đường bạt ngàn lau trắng, rủ bông phất phơ trước nắng gió của đại ngàn. Ở cuối con đường, leo hết những bậc thang đá phủ mầu rêu xanh là tới cột mốc thiêng liêng của vùng biên giới giữa ba nước.

Cột mốc làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi có độ cao 1.086 m so mực nước biển, có hình trụ tam giác, mỗi mặt hướng về quốc gia đó có tên nước và quốc huy trang trọng. So với bốn điểm cực đông, tây, nam, bắc của Tổ quốc, “ngã ba Đông Dương” không khó chinh phục, nhưng ai được chạm đến cột mốc thiêng liêng này, nhìn ngắm vùng biên trù phú, chắc chắn đều cảm thấy xúc động.

Rời cột mốc “Ngã ba Đông Dương” khi nắng đã lên, hành trình trở về xã Bờ Y dường như ngắn hơn. Chợ ven đường vẫn họp, bạn có thể tìm mua cho mình rất nhiều sản vật của địa phương như măng khô, xôi măng, gà nướng. Dọc đường đi, nhiều hàng cà-phê vườn được mở ngay bên nương rẫy, ai đến cũng sẽ được thưởng thức ly cà-phê đậm chất Tây Nguyên, lại được những chủ nhà thân thiện, mến khách kể chuyện nương rẫy, mùa màng, thu hoạch…

Đến Kon Tum, thưởng thức đặc sản phố núi bạn sẽ thấy nhiều điểm độc đáo, khác biệt chỉ có ở mảnh đất này. Nổi tiếng nhất ở Kon Tum là gỏi lá, với sự kết hợp của thịt heo và hơn 40 loại lá rừng và gia vị, khi ăn sẽ thấy đủ vị ngọt, mặn, chát, bùi hay món cá niệng muối chua - đặc sản của người Giẻ Triêng được làm từ cá cùng nhiều nguyên liệu đặc biệt của núi rừng.