Xử lý dứt điểm tình trạng dự án “treo”

Thời gian qua, nhiều dự án “treo” ở Hà Nội không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, mà còn khiến đời sống người dân trong vùng quy hoạch dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này đã tồn tại từ năm này qua năm khác nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) chịu ảnh hưởng do Dự án Sông Hồng City chưa được triển khai.
Phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) chịu ảnh hưởng do Dự án Sông Hồng City chưa được triển khai.

Tồn tại dai dẳng

Được quy hoạch ở vị trí đắc địa thuộc phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), Dự án Xây dựng khu nhà ở và văn phòng làm việc khu vực hồ An Dương đến nay mới bàn giao được một nửa diện tích. Được biết, đây là một trong những dự án xã hội hóa đầu tiên ở Thủ đô, do Công ty TNHH Xây dựng IDC làm chủ đầu tư. Thế nhưng vì nhiều lý do, dự án bị “treo” gần 30 năm khiến Công ty TNHH Xây dựng IDC rơi vào hoàn cảnh nợ nần. Chung số phận với dự án trên còn có Dự án Sông Hồng City tại địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã “treo” 24 năm nhưng vẫn chưa bị thu hồi. Một điểm chung là những dự án này dù được quy hoạch nhiều năm nhưng đến nay vẫn còn dang dở hoặc đang nằm trên giấy.

Hiện nay, chưa có thống kê đầy đủ trên cả nước có bao nhiêu dự án “treo”, nhưng có thể thấy các dự án này xuất hiện tràn lan khắp mọi miền từ bắc tới nam, nhiều nhất là ở những nơi “tấc đất, tấc vàng” như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có 383 dự án chậm triển khai, trong đó, những quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…

Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ có nhiều, nhưng chủ yếu là do chủ đầu tư không đủ năng lực, tài chính, kinh nghiệm; thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng phức tạp, kéo dài; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, có những dự án trong quá trình triển khai nhà đầu tư xin điều chỉnh thiết kế cho phù hợp điều kiện thực tế, hoặc giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng còn “lệch pha” nhau, buộc phải điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, còn có doanh nghiệp sau khi được cấp phép đầu tư đã bán lại dự án cho những doanh nghiệp khác. Quá trình rà soát thủ tục, quy trình chuyển nhượng dự án cũng mất nhiều thời gian, góp phần làm cho dự án kéo dài thêm.

Trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo quận, thành phố, người dân sống gần những dự án này đều bày tỏ nỗi bức xúc và đề nghị cơ quan chức năng sớm đưa ra câu trả lời về việc các dự án treo có tiếp tục thực hiện hay không? Nếu không triển khai, đề nghị thành phố xem xét, giải quyết để những hộ dân nằm trong khu vực này được cấp phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống.

Vẫn khó thu hồi

Nhiều năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) dù đã đôn đốc thu hồi lại các dự án “treo” nhưng dường như số lượng mỗi ngày lại tăng lên. Nhiều bất cập song việc thu hồi luôn là câu chuyện phức tạp, bởi những vướng mắc về khung chính sách pháp luật, giá đền bù, đặc biệt là việc thu hồi các dự án sau chuyển nhượng (đã và đang triển khai xây dựng) gặp nhiều khó khăn.

Theo Điều 64, Luật Đất đai 2013, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng. Hết thời gian gia hạn chưa đưa vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi. Mặc dù quy định là vậy, nhưng trên thực tế, có rất nhiều dự án đã treo hằng năm trời, thậm chí cả chục năm nhưng vẫn chưa bị thu hồi.

Chưa kể, nhiều năm nay, tình trạng vi phạm đất công diễn ra phức tạp và nhức nhối. Một số địa phương đã có quyết định thu hồi những quỹ đất công vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc này còn vướng mắc ở chỗ, khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó khiến việc thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn. Để tránh tình trạng dự án treo như hiện nay, nhiều chuyên gia đề xuất Nhà nước nên tăng mức thuế suất cao nhất có thể đối với các dự án chậm đưa vào sử dụng. Như vậy, vừa không phải lo việc dự án bị bỏ hoang, mà cũng không phải bận tâm tính toán hiệu quả trong việc sử dụng đất. Cùng với đó, cần tăng cường công tác giám sát đầu tư, rà soát, thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án đã hết thời hạn cũng như không đề xuất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai.