Vướng mắc thu hồi xe máy cũ

Gần đây, câu chuyện làm thế nào để thu hồi xe máy cũ xả thải khí độc hại gây ô nhiễm môi trường lại được nhắc đến. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, song đến nay chủ trương thu hồi xe máy cũ vẫn gặp khó. 

Xe cũ, nát vẫn lưu thông trên đường dù không bảo đảm an toàn.
Xe cũ, nát vẫn lưu thông trên đường dù không bảo đảm an toàn.

1/ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí. Trong đó, Bộ TN&MT đề nghị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có biện pháp thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường.

Không phải đến bây giờ vấn đề thu hồi xe máy cũ, nát mới được đưa ra, mà đã có từ lâu. Gần đây nhất, đầu tháng 9-2020, Sở TN&MT Hà Nội cũng đưa ra ý kiến này trong dự thảo chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô-tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Theo đó, với những xe có niên hạn đăng ký, sử dụng hơn 18 năm, người dân mang xe máy cũ đến tám trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông để đo kiểm về khí thải. Nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng/trường hợp. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh thường áp dụng khung xử phạt “xe lắp ráp trái quy định” theo Nghị định 46/2016 để tịch thu xe cũ, nát hoặc được “độ chế” để lưu hành… Thế nhưng, do thiếu các quy định cụ thể trong hệ thống luật cũng như nguồn ngân sách còn hạn chế, nên chủ trương thu hồi xe máy cũ vẫn chưa hiệu quả.

Ba buổi mỗi tuần, vợ chồng anh Dương (quê Thường Tín, Hà Nội) lại chở rau vào chợ trung tâm nội thành để bán. Phương tiện chở hàng của anh, chị lúc đó là chiếc Wave đời 1995, lúc là chiếc Honda Cup đời 1982, cả hai chiếc đều được gia cố thêm sắt, thép, phuộc để tăng tải trọng. Bởi mỗi lần đi bán, ngoài người lái, chiếc xe phải chở thêm vài tạ rau.

Như vậy, nếu áp dụng quy định hiện hành, vợ chồng anh Dương không được sử dụng cả hai chiếc xe trên. Thế nhưng, theo lời anh nói, không chở bằng xe máy thì anh cũng chẳng biết vận chuyển bằng phương tiện nào. Ô-tô thì phí quá đắt và không phù hợp, còn xe máy thì dù có mua xe mới cũng bắt buộc phải “độ” thêm thì mới chở hàng được.

2/ Tháng 7-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 909/QĐ-TTg phê duyệt đề án kiểm soát khí thải mô-tô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Đề án này đã đưa ra lộ trình áp dụng theo địa phương, theo loại xe (kiểu loại, năm sử dụng) và giải pháp triển khai. Dẫu vậy, đến nay dù có rất nhiều giải pháp được đưa ra song việc thu hồi xe cũ chưa được triển khai giữa các tỉnh, thành phố khiến nhiều người băn khoăn về tính hiệu quả.

Những năm gần đây, xe máy cũ xả thải khí độc hại là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí suy giảm, nhiều người muốn loại bỏ xe cũ, nát để môi trường trong sạch hơn, đồng thời giảm nguy cơ tai nạn từ những kiểu “xe mù” này. Tuy nhiên, để chủ trương đi vào cuộc sống, trước hết Nhà nước cần ban hành chính sách giải quyết những vướng mắc tồn đọng từ trước đến nay. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để xác định xe máy thuộc diện phải thu hồi và bảo đảm sinh kế cho người dân, bởi rất nhiều người nghèo đang phải sử dụng những chiếc xe cũ, nát để nuôi sống gia đình.

Thực tế, những người sử dụng xe cũ, nát phần lớn không có khả năng tự chuyển đổi phương tiện hoặc chuyển sang nghề nghiệp khác. Vì vậy, dù Nhà nước có hỗ trợ một phần kinh phí đổi xe thì họ vẫn phải bỏ một khoản tiền lớn để mua xe mới, trong khi mỗi chiếc xe số loại phổ thông như Wave, Dream, Future… hiện nay cũng có giá từ 20 - 30 triệu đồng/xe. Bỏ ra một khoản tiền như vậy, đối với người nghèo thì đó là con số không nhỏ.

Ngoài ra, việc thẩm định kỹ thuật nhiều xe dù có niên đại hơn 20 năm nhưng còn chạy tốt. Thậm chí, có xe còn nguyên bản và hầu như không sửa chữa gì. Những chiếc xe này thường được sở hữu bởi người có sở thích sưu tầm xe cũ, xe cổ nên họ bảo dưỡng xe rất tốt. Vì thế, rất khó để đánh giá xe đó có bảo đảm an toàn và gây ô nhiễm hay không.

Theo các chuyên gia giao thông đô thị, việc thu hồi xe cũ, nát là chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển. Tuy nhiên, việc kiểm tra chất lượng khí thải xe máy cũ và hỗ trợ người dân đổi sang xe mới là cần nhưng chưa đủ. Tại các đô thị lớn, việc quy hoạch giao thông bất hợp lý, tắc đường, khói bụi, mật độ bê-tông dày đặc trong khi thiếu những hồ nước, cây xanh… mới là cội rễ dẫn tới ô nhiễm. Do vậy, Nhà nước cần có phương án nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai để chủ trương không đi vào bế tắc.